20/05/2010 | 15:59:00

100 lý do để yêu thích và sống ở Hà Nội (phần 3)

Những "góc độc đáo" của Hà Nội trong mắt thành viên gia đình ông M.Ropoport.

M. Rapoport, trong một lần trò chuyện, có nói rằng, cuộc sống ở Hà Nội được đan dệt bởi hằng hà sa số những chi tiết sống động, "rất đời và rất con người"... tạo nên một không khí sống rất riêng biệt cho thành phố.

Vietnam+ xin giới thiệu tiếp danh mục 100 lý do để yêu thích và sống ở Hà Nội do gia đình ông lập nên:

"67. Cách sang đường độc đáo của người Hà Nội: đi theo đường chéo, đối diện ngay với giao thông và xác định rõ là HỌ - người đang lái xe, phải tránh MÌNH. Nguyên tắc này cũng được áp dụng ngay với những người không đủ dũng cảm quay lưng lại, chỉ cố gắng để làm sao cho HỌ tránh MÌNH được dễ dàng mà thôi, và KHÔNG BAO GIỜ nhảy lùi lại sau hay lao nhanh lên trước.

68. Những "cú thoát chết" trong giao thông ở Hà Nội - những việc xảy ra mà nếu ở New York thì đã có thể gây ra các tiếng la hét hoặc thậm chí ẩu đả nhưng ở Hà Nội thì chỉ dừng lại, cười thoáng với nhau trước khi vụt đi, như thể để nói rằng: "Tôi và anh đang lái xe, tốt hơn là đừng làm ảnh hưởng đến việc này của cả hai bên."

69. Xe máy như một loại xe vừa chở khách vừa chở hàng. Bởi vậy, khi đến dịp "lái xe ngày chủ nhật", cả gia đình có khi phải chất chồng nhau trên cái xe ấy, sáu là số lượng người nhiều nhất cùng ngồi trên một cái xe máy mà tôi từng chứng kiến, trong khi có người khác còn thề với tôi là từng nhìn thấy bảy.

70. Xe máy mà như không phải xe máy, có thể chở những cây tre dài 12,1m, tivi (2 hoặc 3 cái cùng lúc), đồ tang lễ, cây trồng trong chậu cao 4m, biển hiệu dài 7,6m, một hay hai con lợn đã được mổ để đem ra chợ. Quả là thần kinh thép hoặc một khả năng thăng bằng tuyệt vời!

71. Xe máy được dùng để kéo hay đẩy xe đạp, tạo thành những cặp đôi đi xe "có một không hai."

72. Xe máy giống như điểm đến của những đôi tình nhân trẻ (và có lẽ tất cả mọi người ở đây đều trẻ) để làm tất cả những gì như chúng ta từng muốn hay từng mơ được làm khi lần đầu bên nhau.

73. Phụ nữ Việt Nam khi ngồi trên xe đạp hoặc xe máy - những hình ảnh rất đáng yêu, gò má cao, eo thon và dáng điệu đẹp nhất thế giới. Dáng điệu ấy chuyển từ một vẻ đẹp đơn thuần sang một sự hấp dẫn thực sự khi họ vận bộ quần áo dài truyền thống.

74. Áo dài - bộ áo này khiến cho mọi phụ nữ trông giống như cánh chim đang bay. Áo mỏng, bó eo lưng hai bên, tà kéo dài xuống kèm quần ống rộng. Cổ áo cao, ống tay dài, ôm sát người mặc. Nó để lộ hầu như tất cả mà cũng như chẳng lộ gì.

75. Phong cách của người Việt Nam, đặc biệt là về sự tiết kiệm. Tôi rất thích một cái áo dài hợp mốt được làm từ vải dùng trong quân đội. Không ở đâu mà một phụ nữ lại trông thật tuyệt khi vận bộ trang phục dân tộc làm từ vải quân đội!

76. Sưu tầm nghệ thuật và các đồ vật của những tộc người thiểu số - những thứ rất tuyệt diệu. Loanh quanh trong khu phố cổ kiếm tìm những thứ này là khoảng thời gian thỏa mãn nhất của tôi khi ở đây, cho dù hiện không dễ tìm được nhiều đồ tốt như trước.

77. Hà Nội là thành phố đạt điểm cao nhất cho cả ba câu kiểm tra của tôi về Phép lịch sự và Địa điểm tốt để sống.

78. Câu kiểm tra A: Đánh giá về tần số la mắng con trẻ của các bậc cha mẹ (để người khác chứng kiến được) và những hành vi dẫn đến sự la mắng. Trong suốt 30 tháng ở đây, chúng tôi chỉ chứng kiến có hai vụ "la mắng" (bằng con số bạn chứng kiến chỉ trong năm phút đi dạo ở Manhattan, Mỹ).

79. Câu kiểm tra B: Đo tần suất của những người nghèo làm từ thiện giúp những người nghèo hơn họ. Những nhân viên trong các cửa hàng bán lẻ (hầu hết là phụ nữ trẻ) chỉ kiếm được vài đôla cho một ca làm việc từ 10-12 tiếng đồng hồ mỗi ngày và có khi phải làm suốt tuần. Tôi thường thấy họ cho tiền (có khi chỉ một vài ngàn đồng) những người ăn xin (hầu hết là người già và tàn tật). Điều này nói lên rất nhiều về cả hai bên và rộng ra là về tính cách dân tộc.

80. Câu kiểm tra C: Đo khoảng thời gian mà một người nước ngoài có thể đi xe trong phố khi quên không gạt chân chống và cho đến khi bị người đi cạnh la ó, bấm còi báo hiệu rủi ro. Ở Việt Nam, đó là 19 giây, một số điểm tuyệt đỉnh!

81. Nguồn kiến thức về nghệ thuật thiểu số của tôi, với những người bạn như Cấn Mạnh Hùng, một nhà nhân học được đào tạo bài bản và có nhiều năm sống ở vùng dân tộc thiểu số. Chúng tôi ngồi và thảo luận với nhau có khi hàng giờ liền về rất nhiều chủ đề như văn hóa, tính nguyên bản, các xu hướng, và những truyền thống...

82. Hồ Hoàn Kiếm - trái tim tinh thần của thành phố. Những ngôi đền, quán càphê kiểu Pháp, quầy kem ngon lành, những trò giải trí nhẹ nhàng sống động, từ tập thể dục, chơi cờ, đánh cầu lông đến những bài tập "tự chế" của người già, thường từ 6 giờ chiều cho đến tối muộn.

83. Những người thợ làm khung tranh ảnh, may trang phục, thợ gỗ, may áo sơmi theo yêu cầu, sang in CD, thợ đóng gói hàng hóa, những thợ giặt thảm quen,... tất cả đều rất thích làm hài lòng chúng tôi, làm việc thật nhanh và rẻ. Hầu như tôi không bao giờ phải hỏi giá trước và có thể tự tin nói rằng giá sẽ rất tốt hoặc thậm chí là tốt hơn cả sự mong đợi.

84. Những người bán xăng vỉa hè, bơm vá săm xe, đo chiều cao cân nặng,... và nhiều dịch vụ nhỏ lẻ khác tương tự. Họ đợi chờ cả ngày mà có khi chỉ được một vài khách cùng số tiền công rẻ mạt. Đó là bằng chứng cho thấy một đất nước còn có thu nhập bình quân đầu người thấp song mặt khác, lại cho thấy tinh thần kinh doanh cùng khả năng chịu đựng cuộc sống không tiện nghi chút nào của người dân nơi đây.

85. Nơi gửi xe máy. Thường thì người ta hay để trên vỉa hè nhưng nếu phải gửi ở một điểm dịch vụ thì giá cũng chỉ bằng 1/10 đôla, tương đương 1/50 so với giá gửi xe gần tòa thị chính của thành phố New York.

86. Những người nghèo mà bạn phải kính trọng - họ làm việc bền bỉ, vất vả mà hiếm khi phàn nàn gì, và luôn nỗ lực cho một cuộc sống tốt hơn. Những người nghèo ở nhiều đất nước khác nên học bài học đó từ họ.

87. Những người bán bưu thiếp và sách hướng dẫn du lịch quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ. Có thể có một chút "hung hăng," nhưng thật vui tính và thân thiện một khi đã quen biết họ. Tôi từng giúp những người này bán được hàng cho khách du lịch nước ngoài bằng cách thuyết phục khách hàng "tiềm năng" của họ rằng: Tôi, với tư cách một người sống ở đây, chắc chắn một điều ai đó sẽ chẳng thể hiểu gì về đất nước này nếu không đọc một số cuốn sách, ít nhất cũng là "Nỗi buồn chiến tranh""Người Mỹ trầm lặng."

88. "Khu phố vải" (đoạn đầu phố Hàng Cân, Hàng Gai nối với Hàng Bông - PV), một khu vực nhỏ song tập trung dày đặc những cửa hàng bày bán chủ yếu là vải lụa và những mẫu vải truyền thống Á Đông khác. Thợ may đồ quanh đây cũng rất nhiều song nếu bạn muốn may đo thiết kế một bộ đồ như ý, phải đợi vài ngày.

89. Những người bán bánh mỳ ngoài phố, dường như họ có cùng một giọng rao hàng vậy trên khắp những con phố chật ních người vậy.

90. Cuộc diễu binh của hoa tươi buổi sớm. Nếu bạn có thể thức dậy lúc 7 giờ sáng, bạn sẽ bắt gặp cảnh từng đoàn xe đạp của những phụ nữ vận trang phục đơn giản, đội nón lá, đèo đằng sau một giành hoa tươi đủ loại, đủ màu sắc vào phố để bán dạo.

91. Những bà cụ già, vận áo cánh nâu, quần ống rộng màu đen và đôi khi vẫn còn hàm răng nhuộm đen nhức. Họ ngồi như thu mình lại bên cửa nhà song hiếm khi để bạn đi qua mà không có một nụ cười vui vẻ làm nhẹ lòng bạn. Hạnh phúc của họ có khi thất giản đơn: có đủ cái ăn hoặc con cháu nhà hàng xóm không gây lộn trước cửa nhà họ là được.

92. Có rất nhiều nghệ sĩ tài giỏi của Hà Nội làm được tranh đủ kích cỡ, từ để treo tường đến chỉ đủ cho một bưu thiếp. Họ vẽ chân dung Hà Nội, vùng thôn quê và miền núi, hoặc cũng có thể chép lại tranh của một danh họa mà bạn yêu thích. Thật tuyệt khi ghé lại các gallery.

93. Gallery Art Việt Nam - một nơi của nghệ thuật sắc sảo có thể sánh ngang với nghệ thuật ở New York hoặc bất cứ đâu.

94. Những cái đèn lồng được bao bắng giấy mỏng. Hà Nội thì không phải như Hội An - "tâm chấn" của đèn lồng song nhiều nhà hàng và phía trước cửa hàng ở đây cũng có treo đèn lồng với đủ màu sắc, kích cỡ, hình dáng. Có lần, con trai chúng tôi đã sắm sáu chiếc để bài trí trong khu nhà bếp, quả thật đã mắt.

95. Những cái lồng chim. Những con chim thì không có gì đáng nói lắm song lồng nuôi chúng thì quả kỳ lạ, có rất nhiều kiểu cách đặc biệt, trong đó tôi chú ý nhất là cái lồng có hình dáng chùa chiền, dành cho dân sưu tập chim mái. Loại lồng này cũng có những cái được làm vô cùng đẹp mắt, và không nhất thiết phải thả chim vào nuôi.

97. Những ngôi đền, chùa nơi bạn chí ít cũng mong tìm đến một lần. Đầy màu sắc, trang trí lộng lẫy, được chăm sóc cẩn thận và thường bị chen lấn giữa hai tòa nhà thương mại cao tầng. Rất nhiều ngôi đền chùa như vậy rải rác quanh Hà Nội và bạn không dễ nhận ra khi đi trên phố. Hãy dừng lại chốc lát để phát hiện ra chúng (và dễ tìm hơn nếu bạn mua cuốn 130 ngôi chùa Hà Nội).

98. Những ngôi nhà màu sắc sáng sủa. Bên cạnh những trang trí kiểu từ thời Victoria, họ sơn tường ngoài máu vàng sáng, xanh hoặc hồng, khiến cho ngôi nhà mang màu sắc nhiệt đới sặc sỡ giống nhà ở Nova Scotia.

99. Sự pha trộn của những hàng xóm láng giềng có thu nhập khác nhau (trong khu phố cổ). Vì tin rằng mảnh đất đang ở có thể đem lại phúc lộc cho mình và gia đình, nhiều hộ trong khu phố cổ có tiền nhiều mà không chịu rời đến nơi ở khác tiện nghi hơn. Đó là lí do của sự xuất hiện những "ngôi nhà kiểu Victoria điên rồ" bên cạnh những mái nhà cổ hàng trăm năm tuổi, khiến người đi đường phải giật mình hoảng hốt.

100. Sự tiến triển của các thế hệ. Không hiếm khi đi đường, bạn nhìn thấy cảnh một bà cụ già cao chừng 1,4m đi cạnh cô con gái cao 1,5m và cô cháu gái cao hơn hẳn. Hình ảnh cho thấy một tình trạng dinh dưỡng tồi tệ (đặc biệt cho phái nữ) trong quá khứ đồng thời nói lên sự thay đổi tích cực cho tình trạng ấy ở hiện tại cũng như sự phát triển chung của kinh tế Việt Nam hướng đến tương lai.

Mặt khác, sự nhiệt thành, hăng hái, hài lòng - những bằng chứng phi vật thể có khắp nơi ở thành phố này cho thấy một sự lạc quan mà bạn cảm nhận được là nền tảng chắc chắn của hiện tại. Thật tốt khi biết điều này, phải không?/.

Bài 1: 100 lý do để yêu thích và muốn sống ở Hà Nội

Bài 2: 100 lý do để yêu thích và sống ở Hà Nội (phần 2)

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark