01/04/2010 | 18:58:00

28 đường, phố mới được đặt tên tại Hà Nội (phần 2)

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc 7 đường, phố mới đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua ngày 16/7/2009, bao gồm: đường Vạn Phúc, phố Yên Duyên, phố Thanh Lân, phố Ngũ Nhạc, phố Giang Biên, phố Tình Quang, phố Phù Sa.

Đường Vạn Phúc

Đoạn từ đầu cầu Am (số nhà 16-20 phố Chu Văn An, quận Hà Đông) đến ngã tư đường vành đai 3 (đường Lê Văn Lương kéo dài) nối tiếp với đường Ngọc Trục của huyện Từ Liêm.

Dài: 1.000m; rộng: 40m.

Đường bê tông, hai làn đường có dải phân cách, hạ tầng cơ sở ổn định, nhà dân đông đúc ở hai bên. Hiện nay dân đang gọi là đường 430 Vạn Phúc, đường đi qua trục chính vào làng Vạn Phúc, đình chùa Vạn Phúc, nhà lưu niệm sự kiện Bác Hồ viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946.

Vạn Phúc là một làng nghề truyền thống của Hà Đông, nơi dệt lụa nổi tiếng đã được ca dao cổ ghi lại:

“The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng

Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên”.

Phố Yên Duyên

Đoạn từ ngã ba đối diện với chùa Đại Bi nằm trên ngõ 885 của đường Tam Trinh, đi qua ngã ba gặp phố Yên Sở (số nhà 104-106, tổ 8), đến số nhà 301, tổ dân cư 14 ra đường vành đai 3.

Dài: 1.200m; rộng: 7-8m.

Đường rải bê tông nhựa Atphan, không có vỉa hè, nhà dân đông đúc, hạ tầng cơ sở ổn định. Đường đi qua Trường Mầm non, Trường Trung học cơ sở Yên Sở.

Yên Duyên thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Trước năm 1945 là xã Yên Duyên, tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì. Sau năm 1945 là thôn của xã Yên Sở, quận 7 ngoại thành Hà Nội, năm 1961 thuộc huyện Thanh Trì, hiện nay thuộc quận Hàng Mai, Hà Nội.

Phố Thanh Lân

Đoạn từ ngã ba Trạm Cung cấp nước sạch số 75 phố Thanh Đàm, đi qua khu dân cư của phường Thanh Trì đến ngã ba gặp phố Nam Dư (nhà số 5, số 7).

Đường rải bê tông nhựa Atphan, có đèn chiếu sáng, cơ sở hạ tầng tốt, dân cư đông đúc. (Hiện tại nhân dân đã tự đánh số nhà ổn định và đặt biển tên là phố Thanh Lân).

Thanh Lân là một trong những thôn được thành lập đầu tiên của xã Thanh Trì (thế kỷ 19) và được nhân dân quen gọi từ trước đến nay.

Phố Ngũ Nhạc

Đoạn từ chân đê Thanh Trì tổ dân phố 17 cụm 8 phường Thanh Trì đến ngã ba giao cắt với phố Nam Dư (số nhà 1).

Dài: 700m; rộng: 7-8m.

Đường rải bê tông nhựa Atphan, có đèn chiếu sáng, cơ sở hạ tầng tốt, dân cư đông đúc. (Hiện tại nhân dân đã tự đánh số nhà ổn định và đặt biển tên là phố Ngũ Nhạc).

Ngũ Nhạc là tên thường gọi của cư dân trong vùng do khu vực này trước đây có 5 ngọn núi đất, được biết đến trong sử sách từ thời Quang Trung, đã được nhắc đến trong thơ ca.

Phố Giang Biên

Đoạn từ ngã tư số nhà 86 của phố dự kiến đặt tên là Hoà Bình đi qua Khu dân cư tổ 5,6,7 của phường Giang Biên đến ngã ba sát Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Giang Biên, quận Long Biên.

Dài: 600m; rộng: 7-8m.

Đường bê tông có đèn chiếu sáng, dân cư đông đúc, hạ tầng cơ sở ổn định.

Giang Biên trước năm 1945 nguyên là đất các xã Quán Tình và Tình Quang thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gọi là xã Giang Biên. Từ năm 1961, Giang Biên thuộc về Hà Nội.

Năm 2004 thành lập quận Long Biên, xã Giang Biên trở thành 1 trong 14 phường của quận Long Biên. (Đề nghị lấy tên phường để đặt tên cho đoạn đường nằm trong thôn Quán Tình cũ).

Phố Tình Quang

Đoạn từ đê sông Đuống đi qua khu dự án xây dựng nhà văn hóa đến số nhà 179 của tổ 2 phường Giang Biên, quận Long Biên.

Dài: 600m; rộng: 10m.

Đường bê tông, có đèn chiếu sáng, dân cư đông đúc, hạ tầng cơ sở ổn định.

Tình Quang là một làng cổ của xứ Kinh Bắc xưa, tên Nôm của làng là Vịa. Xưa, vùng đất này nằm trong địa bàn giao lưu giữa Kinh đô Cổ Loa với Luy Lâu và Kinh thành Thăng Long.

Những chứng tích lịch sử này còn lưu lại ở tên của các xứ đồng thuộc làng Tình Quang như: Thành, Dinh, Đông Cung, Cổ Ngựa, Cửa Khâu, Vườn Hồng, Vườn Yến.

Trước năm 1945, đây nguyên là đất các xã Quán Tình và Tình Quang thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, tỉmh Bắc Ninh.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gọi là xã Giang Biên. Từ năm 1961, Giang Biên thuộc về Hà Nội. Tháng 1/2004, đổi thành phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội.

Hiện nay làng vẫn còn chùa Tình Quang và đình Tình Quang thờ Lý Nam Đế, Lý Chiêu Hoàng và Đinh Điền.

Phố Phù Sa

Đoạn từ chân đê Đại Hà (KM 30 +50) đi qua thôn Phù Sa cũ đến ngã tư đường Lê Lợi (số nhà 268), thị xã Sơn Tây.

Dài: 700m; rộng: 7-8m.

Đường rải bê tông nhựa Atphan và bê tông, có đèn chiếu sáng, hạ tầng cơ sở tốt, nhà dân đông đúc ở hai bên.

Phù Sa
xưa được gọi là Trang Sa - một làng cổ thuộc xã Viên Sơn nằm sát đê sông Hồng, nay thuộc phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây.

Đoạn đường này là đường giao thông chính, đi qua đình Phù Sa - thờ công chúa Tiên Dung (con vua Đinh Tiên Hoàng) và phò mã tên là Quán Sơn có công đánh giặc Tống, sau đó về Phù Sa chiêu binh lập ấp, dạy dân làng trồng dâu, nuôi tằm và được tôn làm Thành hoàng./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark