11/10/2021 | 11:49:00

67 năm Giải phóng Thủ đô: Du lịch Hà Nội thích ứng an toàn với dịch COVID-19

Khu Thành cổ, nơi hội quân của 3 cánh quân Đại đoàn 308 vào tiếp quản Thủ đô trong sáng 10/10/1954. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng nhất cả nước, trong nhiều năm qua, Hà Nội đã chú trọng đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch, qua đó thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, mang đến nguồn thu quan trọng cho thành phố.

Tuy nhiên, trong gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã khiến hầu hết các doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động. Hiện ngành du lịch Hà Nội đang xây dựng, đề xuất các giai đoạn mở cửa dựa trên hướng dẫn “thích ứng an toàn với dịch COVID-19”.

Trung tâm du lịch của cả nước

Với bề dày lịch sử trên một nghìn năm tuổi, Hà Nội là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 6.000 di tích lịch sử, văn hóa - nhiều nhất trong cả nước.

Nhiều di tích đã được UNESCO công nhận như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cùng hàng loạt các di tích quốc gia đặc biệt như chùa Một Cột, di tích Cổ Loa, Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, đền Sóc, khu di tích và danh thắng Hương Sơn...

Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật như Hội Gióng, Hội đền Cổ Loa, lễ Hội Đống Đa, các lễ hội của Thăng Long tứ trấn, lễ Hội Phủ Tây Hồ, lễ Hội Chùa Hương (lễ hội hành hương lớn nhất và dài nhất cả nước)... tạo sức hấp dẫn bền vững đối với du khách.

 

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm đến 59% tổng số làng nghề của toàn quốc. Nhiều làng nghề thủ công truyền thống từ lâu đời với những sản phẩm độc đáo được ưa chuộng và rất thu hút khách du lịch như: gốm Bát Tràng, lụa Hà Đông, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, gốm Hương Canh...

Đặc biệt, một điểm khác tạo nên nét hấp dẫn riêng của Hà Nội là đặc trưng văn hóa ẩm thực tinh tế, phong phú và đa dạng, đã được ấn phẩm du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet xếp vào danh sách 10 thành phố ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới.

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã chú trọng đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch thu hút đông đảo du khách như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp và trang trại, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo hội nghị)…

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ du lịch cũng được đầu tư, nâng cấp; nhiều khách sạn 5 sao có quy mô lớn, thương hiệu đẳng cấp, chất lượng cao đi vào hoạt động.

Nhờ đó, lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch của Hà Nội liên tục tăng trưởng qua các năm. Trong giai đoạn 2007-2015, tổng khách du lịch đến Hà Nội luôn chiếm khoảng 1/3 tổng khách du lịch cả nước với mức tăng bình quân là hơn 10%/năm; tổng thu từ khách du lịch cũng tăng ổn định, bình quân trên 15%/năm.

Năm 2016, tổng khách du lịch đến thành phố đạt 22 triệu lượt (4,1 triệu lượt khách quốc tế); năm 2017 là 23,8 triệu lượt (4,95 triệu lượt khách quốc tế); năm 2018 là 26 triệu lượt (5,7 triệu lượt khách quốc tế); năm 2019 là gần 29 triệu lượt (7 triệu lượt khách quốc tế).

Tổng thu từ khách du lịch cũng tăng đều qua các năm, năm 2017 là 70.958 tỷ đồng, năm 2018 là 75.815 tỷ đồng và năm 2019 là 103.807 tỷ đồng.

Qua đó, Hà Nội đã khẳng định được là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước (cùng với TP Hồ Chí Minh), một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á.

Thích ứng an toàn với dịch COVID-19

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước ta, nhất là đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, hoạt động du lịch Hà Nội cũng như cả nước bị “đóng băng”.

Theo các thống kê, có đến 95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động; 1.550 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề; khoảng 11.600 lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động; 100% điểm đến du lịch tạm dừng hoạt động và công suất xe lưu hành vận chuyển chỉ dưới 10%.

Tuy nhiên, trong khi hầu hết các doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động, nhiều bảo tàng, di tích đã ứng dụng công nghệ mới, thu hút khách tham quan. Đó là một cách làm sáng tạo để các điểm đến không “ngủ quên”, đồng thời góp phần phát huy giá trị di tích, phục vụ đời sống tinh thần của người dân.

Điển hình như, Bảo tàng Lịch sử quốc gia được biết đến là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D phục vụ hoạt động trưng bày.

Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phát huy tốt việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D, thu hút lượng lớn du khách tìm hiểu, tham quan qua công nghệ số.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội cũng đã chuyển sang tổ chức theo hình thức online với các triển lãm, trưng bày. Trung tâm còn giới thiệu các tour tham quan ảo 360 độ giới thiệu về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu và các sự kiện lớn của đất nước.

Tương tự như vậy, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify, nhằm đưa những câu chuyện lịch sử tiếp cận gần hơn đến công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ yêu lịch sử.

Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám sản xuất các clip kể câu chuyện lịch sử về các danh nhân gắn bó với trường Quốc Tử Giám xưa và các bài giới thiệu về Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để đưa lên fanpage lan tỏa rộng rãi tới công chúng, tạo điểm nhấn thú vị trong việc phát huy giá trị di tích.

Hiện nay, cả nước cũng như Hà Nội đang có những tín hiệu bước đầu trong khống chế dịch bệnh. Hà Nội đã thực hiện tiêm vaccine mũi 1 đạt trên 96% dân số trên 18 tuổi và trên 69% tổng dân số; hiện đang tiếp tục tiêm mũi 2.

Tình hình dịch bệnh đang có những tín hiệu tốt trong việc kiểm soát, thành phố dần nới lỏng các hoạt động kinh tế, xã hội. Đó là cơ sở để ngành du lịch Thủ đô xây dựng các phương án phục hồi, xúc tiến các giải pháp thu hút khách. Việc đưa hoạt động du lịch tái khởi động trở lại trên nguyên tắc đảm bảo an toàn đang được ngành du lịch rốt ráo thực hiện, với những kỳ vọng không nhỏ của những người làm du lịch.

Theo chia sẻ của ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, trong tình hình hiện nay, du lịch nội địa vẫn là cứu cánh của doanh nghiệp, giúp nhiều đơn vị tham gia vào mảng thị trường này khi khả năng đón khách quốc tế chưa thể xác định cụ thể đến thời điểm nào.

Muốn vậy, không còn cách nào khác là phải đảm bảo an toàn trong phát triển du lịch. Theo đó, chương trình du lịch an toàn là tour và dịch vụ du lịch phải khép kín, không thể tự do, linh hoạt như trước đây.

Việc xây dựng tuyến điểm tham quan, dừng nghỉ… phải đảm bảo an toàn. Cơ sở lưu trú cần có biện pháp tránh để khách tiếp xúc nhiều với nhau, có thể bố trí phòng cho các nhóm khách hợp lý.

Về phía các doanh nghiệp lữ hành, cần nghiên cứu, đánh giá và xây dựng kế hoạch cho việc sẵn sàng đón khách trở lại, trên nguyên tắc: du khách, điểm đến và dịch vụ an toàn.

Ông Phùng Quang Thắng khẳng định, để kết nối du lịch an toàn cần có sự tham gia của các ban, ngành, bên cạnh nỗ lực của ngành du lịch. Bởi, trong lúc này, điều kiện đi lại trong và ngoài tỉnh, thành phố, thông tin các vùng "xanh, đỏ, vàng" phục vụ hoạt động du lịch, độ phủ vaccine cho người lao động trong ngành du lịch… rất quan trọng đối với du khách. Trong khi đó, giải quyết được vấn đề này cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đã xây dựng, đề xuất các giai đoạn mở cửa dựa trên hướng dẫn “thích ứng an toàn với dịch COVID-19” của Bộ Y tế.

Khi mở cửa đón khách trở lại, ngành du lịch Hà Nội tập trung xây dựng điểm đến an toàn và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin làm đa dạng các sản phẩm mới phục vụ thu hút khách du lịch nội địa.

Sở Du lịch chủ trì thí điểm xây dựng các điểm đến an toàn, để từ đó nhân rộng. Một mặt, Sở thúc đẩy liên kết phát triển du lịch nông thôn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi du lịch, Sở Du lịch cũng đang nghiên cứu các nội dung, chương trình phát triển ẩm thực gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố./.

(Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark