09/10/2021 | 14:31:00

67 năm giải phóng Thủ đô: Hà Nội phát triển hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại

Cùng với phát triển kinh tế xã hội, trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội còn chú trọng phát triển, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng. Nhờ đó, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp, văn minh, hiện đại hơn, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của cả nước.

Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị

Trong những năm qua, Hà Nội từng bước đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. Nhờ đó, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp, văn minh, khang trang, hiện đại hơn.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm được đưa vào sử dụng

Với sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực vượt bậc của nhân dân, các cấp chính quyền thành phố, Hà Nội đã xây dựng được một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đa dạng, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của cả nước.

Trong đó, việc tập trung huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư các dự án trọng điểm giao thông đã góp phần tăng nhanh diện tích đất đô thị dành cho giao thông từ 8,56% (năm 2015) lên 10,03% (năm 2020).

Trên địa bàn thành phố hiện có trên 23.000 km đường bộ, có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; mạng lưới đường sắt quốc gia; đường thủy trên các tuyến: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Công, sông Cầu...

Cả thành phố có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành thường xuyên qua lại. Với mạng lưới giao thông như vậy, Hà Nội đã có ưu thế để phát triển vận tải đa dạng trong cả lĩnh vực hàng hóa lẫn hành khách.

Đường bộ hiện là một trong những thế mạnh của Hà Nội với 11 tuyến đường vành đai, trục hướng tâm đi qua địa bàn thành phố.

Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc như đã nêu trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc mà Hà Nội là hạt nhân trung tâm. Đó là các hành lang: Lào Cai-Hà Nội-Quảng Ninh; Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Lạng Sơn-Bắc Giang-Hà Nội; Hà Nội-Thái Nguyên.

Bảo đảm đủ nguồn để cung cấp nước sạch cho đô thị và nông thôn

Thời gian qua, các dự án phát triển nguồn nước tại Hà Nội đã tăng lên đáng kể, đến hết năm 2019 đã có 4 dự án cấp nguồn hoàn thành, nâng tổng công suất nguồn cấp nước đạt khoảng 1.520.000m3/ngày đêm (năm 2015 đạt 920.000m3/ngày đêm). Nhờ đó, thành phố bảo đảm đủ nguồn để cung cấp nước sạch cho đô thị và nông thôn. Tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ đấu nối vào hệ thống nước sạch khu vực nông thôn đạt 78%.

Để phục vụ mục tiêu thoát nước, từ năm 2005 đến nay, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án thoát nước. Tuy nhiên, tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy hiện nay mới đạt được trên 276.0 00m3/ngày trong khi tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh khoảng 960.000m3/ngày. Hà Nội vẫn còn tồn đọng trên 10 trọng điểm về ngập úng khi có mưa lớn.

Đầu tư hệ thống trạm quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường không khí

Với mục tiêu bảo vệ, cải thiện môi trường để đô thị phát triển bền vững, thành phố Hà Nội đã đầu tư hệ thống trạm quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường không khí, nhất là ở những khu vực nguy cơ cao, từ đó nâng cao năng lực dự báo và có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm cụ thể với lộ trình rõ ràng.

Hiện nay, Hà Nội đang là một trong những thành phố đi đầu trong cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng môi trường đồng bộ, hiện đại, công bố công khai dữ liệu quan trắc môi trường…

Chính nhờ những số liệu được tổng hợp từ hệ thống quan trắc tự động liên tục, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác định nguyên nhân, truy tìm cụ thể từng nguồn thải gây ô nhiễm không khí, từ đó, tham mưu, đề xuất UBND thành phố đưa ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm cải thiện chất lượng không khí Thủ đô.

Phát triển hệ thống cây xanh, chiếu sáng đô thị

Đối với phát triển hệ thống cây xanh, chiếu sáng đô thị, thành phố đã đẩy mạnh thực hiện chỉ tiêu trồng mới một triệu cây xanh và đã hoàn thành vào năm 2018, về đích sớm hai năm; đồng thời, tiếp tục trồng thêm 600.000 cây xanh trong năm 2019 và 2020. Thành phố cũng ứng dụng bản đồ số GIS nâng cao chất lượng vận hành, giám sát hệ thống chiếu sáng, đạt tỷ lệ chiếu sáng 98%.

Phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại

Để phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã đề ra các mục tiêu và nhiệm vụ trong thời gian tới. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đô thị.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Đồng thời, triển khai chương trình phát triển đô thị, chú trọng kết nối phát triển giữa đô thị và nông thôn.

Xây dựng các khu đô thị mới hiện đại theo hướng đô thị xanh, thông minh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công. Quan tâm đầu tư hệ thống giao thông kết nối liên vùng.

Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh khớp nối hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, tăng diện tích giao thông tĩnh toàn đô thị. Tập trung đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng.

Về hạ tầng giao thông, sẽ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm (trục Tây Thăng Long, các tuyến vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục, vành đai 2 đoạn Mai Động-Ngã Tư Vọng, vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng-Giải Phóng, vành đai 4).

Triển khai đầu tư xây dựng các cầu vượt sông Hồng. Phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng. Đưa vào vận hành 2-3 tuyến đường sắt đô thị vận tải hành khách khối lượng lớn, tốc độ cao.

Đẩy nhanh xây dựng các bến xe, các bãi đỗ xe ngầm trong vành đai 3 và một số bãi đỗ xe ngầm, nổi và cao tầng, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 30-35% (giai đoạn 2021-2030).

Cùng với đó, thành phố sẽ hoàn thành các dự án phát triển nguồn và mạng cấp nước để bảo đảm cấp nước sạch trên địa bàn thành phố đạt 100% đối với cả khu vực đô thị và nông thôn; đầu tư thêm 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định nhằm hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố (giai đoạn 2021-2024)...

Để làm tốt công tác phát triển đô thị của Thủ đô, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, Hà Nội cần sớm hoàn thành việc lập chương trình phát triển đô thị cho toàn thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Xây dựng để nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị (sửa đổi) trên cơ sở tháo gỡ vướng mắc trong quy hoạch.

Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cũng kiến nghị, Hà Nội cần lồng ghép một số nội dung mới về thực tiễn phát triển trong thực hiện quy định của Luật Thủ đô, tạo điều kiện cho thành phố phát triển mạnh hơn theo định hướng đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, giải quyết các vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng đô thị./.

Minh Hiếu (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark