22/09/2009 | 08:37:00

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Nơi giáo dục tinh thần yêu nước

Nằm trong quần thể khu di tích lịch sử-văn hóa quan trọng bậc nhất của thủ đô Hà Nội và của cả nước, cùng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà sàn Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành “địa chỉ đỏ”, một trong những nơi thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (ngày 2/9/1969), thể theo nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng về Người.

Ngày 25/11/1970, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng.

Bảo tàng Hồ Chí Minh ở số 19 phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội, được khởi công xây dựng ngày 31/8/1985 và khánh thành ngày 19/5/1990, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công trình Bảo tàng do kiến trúc sư trưởng người Nga Garôn Ixacôvích thiết kế và được xây dựng với sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Liên Xô. Tòa nhà bảo tàng là khối hình vuông vát góc, cao 3 tầng gần 20m, mỗi chiều dài 70m mang biểu tượng một bông sen trắng thanh tao, gợi nhớ tới Làng Sen, quê hương của Người.

Bốn khối hình vuông ở tầng trên cùng vừa là cánh sen, vừa là 4 khuôn cửa hướng trông ra đường Hùng Vương, nhà sàn của Bác, đường Ngọc Hà, Phố Nguyễn Thái Học. Chính những sự cách điệu từ 4 khối hình vuông này đã gắn kết kiến trúc của công trình với cảnh quan thiên nhiên chung quanh. Từ đường Hùng Vương theo phố Chùa Một Cột dẫn tới cửa chính của Bảo tàng, con đường như gạch nối giữa truyền thống lịch sử với thời đại Hồ Chí Minh.

Mặt trước Bảo tàng, trên hình vuông 8m mỗi cạnh là bức phù điêu lớn hình quốc kỳ và búa liềm đan quyện vào nhau thể hiện tư tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - mục tiêu con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và đang đi tới.

Hồ nước tròn nhân tạo có đường kính 18m với hòn non bộ bằng đá thiên nhiên vùng Hoa Lư (Ninh Bình) cao hơn 7m cạnh tòa nhà tạo thêm khung cảnh khu bảo tàng thêm sống động, gần gũi. Với diện tích 18.000m2, trong đó có 13.000m2 sử dụng, Bảo tàng Hồ Chí Minh trở thành bảo tàng lớn nhất và hiện đại nhất nước ta.

Bảo tàng có hơn 12 vạn tài liệu và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được bảo quản, trưng bày, đã giới thiệu cho đồng bào cả nước và khách quốc tế về thời đại Hồ Chí Minh với 3 nội dung chính:

- Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam thực hiện Di chúc của Người. Đây là nội dung chính gồm có 8 chủ đề.

- Đất nước và con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, gồm 6 tổ hợp hình tượng.

- Các mốc lịch sử thế giới có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay, gồm 8 gian chuyên đề.

Gian trung tâm của Bảo tàng là nơi đặt tượng đồng toàn thân đứng của Hồ Chủ tịch. Tượng cao 3,5m, trên bệ 0,6m, nặng 3 tấn. Tượng Bác Hồ đặt trên nền cây đa, mặt trời, biểu tượng của ánh sáng và sự trường tồn của dân tộc.

Hai biểu tượng nổi bật "dựng nước" và "giữ nước" với "bọc trăm trứng, ngựa Gióng và Rùa vàng dâng gươm", cùng với lời dạy của Bác Hồ vĩ đại về truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất của tổ tiên: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...”, thể hiện sâu sắc mối liên hệ giữa dân tộc, non sông đất nước sinh ra Người và chính Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta.

Toàn bộ hiện vật, tài liệu, tranh ảnh được trưng bày tại Bảo tàng là sự kết hợp giữa thủ công và hiện đại, sự gắn kết hài hòa giữa cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ với dân tộc và thời đại, trong đó những cống hiến lớn lao của Người được thể hiện ở vị trí trung tâm và đậm nét nhất.

Từ ngày khánh thành và đưa vào sử dụng (ngày 19/5/1990) cho đến nay, mỗi năm Bảo tàng đã đón tiếp khoảng 1 triệu lượt người đến tham quan, trong đó có hàng trăm nghìn lượt khách quốc tế đến từ khắp các châu lục.

Ngoài nhiệm vụ phục vụ khách tham quan tại chỗ, Bảo tàng còn có nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy các di tích lưu niệm về Bác Hồ ở trong nước, các chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh ở các tỉnh và thành phố như: Khu di tích Kim Liên (Nghệ An), khu di tích Pác Bó (Cao Bằng), Di tích nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội), Di tích Vạn Phúc (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) và các chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh ở các tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh...

Những khu di tích lịch sử-văn hóa và chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh ở các tỉnh nói trên đã và đang trở thành những trung tâm văn hóa, trung tâm giáo dục lòng yêu nước, thu hút hàng triệu đồng bào trong nước và quốc tế đến thăm quan và tưởng nhớ đến Người.

Bảo tàng Hồ Chí Minh là trung tâm quan trọng và đầy đủ bậc nhất nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng còn là nơi thu hút nhiều học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tìm hiểu và nghiên cứu về Bác Hồ.

Bảo tàng có kho tư liệu phong phú hơn 20.000 cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được hiện đại hóa bằng công nghệ thông tin, đã và đang trở thành một địa chỉ đáng tin cậy và hấp dẫn nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Bằng kho tư liệu sách, ảnh, tài liệu... phong phú, Bảo tàng đã giúp đỡ nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều tổ chức quần chúng trong cả nước viết công trình nghiên cứu sách, kỷ yếu Bác Hồ với địa phương, đơn vị mình.

Ngoài ra, Bảo tàng còn chủ trì hoặc tham gia những Hội thảo khoa học quốc tế và trong nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia biên soạn, xuất bản những bộ sách quý như: Hồ Chí Minh Toàn tập, Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử, Hồ Chí Minh tiểu sử và sự nghiệp...

Một nhiệm vụ rất quan trọng được Bảo tàng Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, đó là công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật, tài liệu. Ngoài việc các cá nhân, đoàn thể trong và ngoài nước thường xuyên tự nguyện gửi tặng Bảo tàng những hiện vật, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng còn cử các cán bộ tổ chức, các đoàn khảo sát, sưu tầm những di sản của Bác Hồ ở trong và ngoài nước, bổ sung được nhiều hiện vật, tài liệu quý.

Công tác ghi hồi ký về Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện nhằm ghi lại những hồi ức, sự kiện, những kỷ niệm sâu sắc với Bác của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những học trò xuất sắc của Bác kể lại; những người phục vụ gần gũi Bác, những ai một lần trong đời vinh dự được gặp Bác. Tất cả đều được trân trọng, trở thành nguồn tư liệu quý giá nghiên cứu di sản tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ tài liệu, hiện vật, phim ảnh gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước, học tập tư tưởng, đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bồi dưỡng các thế hệ người Việt Nam kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark