17/01/2010 | 07:39:00

Bị bạn gái "đá" vì ham mê vũ điệu đường phố

Say mê vũ điệu đường phố, nhưng các B-boy vẫn muốn lựa chọn nghề nghiệp khác trong tương lai. (Ảnh: Nguyễn Hà/Vietnam+)

Đỗ xịch xe máy ở vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội), thoắt cái, Thạch Sơn Tùng đã nhảy qua mấy bậc thềm, vào nhà bát giác. Ở đây, một nhóm thanh niên đã tụ tập.

Vứt chiếc áo khoác vào “đống” áo quần đã chình ình từ trước, Tùng nhanh nhảu nối chiếc máy MP3 vào chiếc loa cũ, gắn với ắcquy.

Tiếng nhạc nổi lên, nhóm thanh niên bắt đầu những điệu nhảy của mình...

Bị người yêu “đá" vì... mê hip-hop

Mới 6 giờ chiều, giữa tiết trời mùa đông lạnh ngắt mà chỉ chừng 15 phút quay cuồng cùng tiếng nhạc, mồ hôi trên trán của Tùng đã thành giọt. Trên sân khấu ấy, các thành viên lần lượt thể hiện mình với những vòng xoay Air-Flare, Nike-kick, Hand-Stand… rực lửa.

Một lúc, chừng thấm mệt, Tùng từ từ rút ra ngoài, dựa lưng vào lan can của nhà bát giác, xem các bạn luyện tập. Tham gia nhảy cùng nhóm Halley đã được 5 năm, Tùng là một trong những “gạo cội” của nhóm nhảy, với 10 thành viên này.

“Đã tham gia thì đam mê lắm anh ạ,” Tùng kể. Bởi thế, khi mới đi tập, dù bị bố mẹ ngăn cản vì sợ con đua đòi, Tùng vẫn tìm cách “vượt rào” ra nhảy cùng bạn bè. Lâu dần, thấy con mình khỏe khoắn hẳn lên, bố mẹ Tùng hỏi rõ sự tình và đồng ý để con mình đi bởi “âu cũng là cách... tập thể dục.”

Trần Bảo Tâm, học sinh lớp 11 trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) chia sẻ, trong hip-hop có lửa, chính vì thế người diễn phải có lửa và người xem cũng phải có lửa. Từ phía người diễn và phía người xem cần phải tiếp sức và truyền được lửa cho nhau thì buổi diễn mới sôi động và thực sự là không gian sống của hip-hop.

Tâm nhớ mãi một lần đi diễn ở trường Đại học Công nghiệp Hà Nội 1: “Sân khấu chỉ là một cái bục nhỏ bằng gỗ, nhưng khi bọn em nhảy, cả sân vận động như ùa lên, phía trên tầng cao các tòa nhà ký túc xá sinh viên đứng kín và hò hét, vỗ tay sôi động, ầm ĩ cả khu. Chính vì thế, người biểu diễn cũng rất hứng khởi và nhảy hết mình. Ban đầu còn nhảy trên sân khấu, sau nhảy hết xuống cả sân bêtông, chỗ khán giả đứng nên rất đau tay nhưng phải về nhà mới phát hiện ra...”

Đam mê, cống hiến, nhưng những B-Boy (cách gọi của “cư dân hip-hop) cũng không ít lần chịu cảnh “đổ máu.” Tùng nhớ như in năm 2007, khi “thi đấu” cùng nhóm nhảy khác ở Hà Nội, do sơ suất trong lúc “quay”, Tùng đã bị gẫy tay. Mấy tháng trời “ăn dưỡng,” chân Tùng như... bị cùm, và ngay khi tháo bột, Tùng đã lập tức quay lại “sàn nhảy” ở nhà bát giác.

Không chỉ Tùng, một thành viên khác của nhóm cũng từng bị đứt gân tay khi chống tay để quay trên sàn kính trong một buổi biểu diễn. Sau khi lành vết thương, Quân – tên của B-Boy nọ - lại tiếp tục nhảy và giờ là một trong những thành viên của nhóm nhảy Big Toe.

Có lẽ, buồn nhất của những chàng trai B-Boy là chuyện bị bạn gái “đá” chỉ vì quá ham đi nhảy. Một thành viên của Halley chen vào câu chuyện, kể rằng đã từng có bạn trong nhóm phải đứng trước sự lựa chọn hip-hop hay... người yêu vì cô gái không chiu được cảnh lúc nào chàng trai cũng “yêu nhảy hơn mình.”

“Ngày nào bọn em cũng tập từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối, chỉ không tập vào những hôm mưa to, ngày lễ tết, hoặc khi Hà Nội có công việc ở khu vực này, cơ quan chức năng... đến đuổi,” Tùng nói.

Chỉ là thú vui

Theo tìm hiểu của phóng viên Vietnam+, ở các công viên, vườn hoa Lênin, khu vực nhà bát giác, nhiều nhóm thanh niên quây tụ để nhảy hip-hop. Họ gồm rất nhiều lứa tuổi, ngành nghề. Chỉ tính riêng ở nhóm Halley, có người làm thiết kế, có người kinh doanh, học sinh…

Tùng bảo, trong 5 năm tham gia nhập Halley, cậu đã chứng kiến việc nhiều người gia nhập nhưng cũng không ít người phải nói câu giã từ với “trò chơi” hip-hop hoặc chuyển sang nhóm khác.

“Đa phần, người nghỉ nhảy hip-hop vì lý do công việc, gia đình nhưng lại vẫn thường xuyên ‘tụ tập’ cùng nhóm khi rảnh rỗi,” Tâm kể.

Hoạt động của giới hip-hop đường phố cũng khá phong phú. Nhiều cuộc “thi đấu” đã diễn ra giữa các nhóm, khiến những cuộc “so chân” hết sức căng thẳng và hồi hộp. Vừa qua, đội Halley đã đoạt giải 3 trong cuộc thi do Yamaha tổ chức, với giải thưởng 3 triệu đồng. Thậm chí, có lần, nhóm Halley đã rủ nhau đóng tiền, đi “du đấu” bên Singapore để học hỏi kinh nghiệm.

Thực tế, nhiều nhóm nhảy đường phố đã tạo dựng được uy tín nhất định cho mình. Nhóm Halley đã được nhiều đơn vị, công ty mời đi biểu diễn trong lễ khai trương, quảng cáo... Theo ước tính của Tùng, thì mỗi “sô” diễn như vậy, cậu được “cátsê” khoảng 300.000 đồng. Mỗi tháng, nhóm nhận được khoảng 10 lần đi diễn.

Khi được hỏi việc ai sẽ dàn dựng điệu nhảy cho nhóm, các B-Boy đều nói mình lên mạng, tìm những video-clip nhảy hip-hop của nước ngoài rồi học hỏi, cải tiến theo.

Nhảy hip-hop, vừa khỏe người, đôi lúc lại “kiếm tiền” được, nhưng Tùng và Tâm đều cho biết đó không phải là “nghề kiếm cơm” trong tương lai. Sắp tới, Tùng – chàng sinh viên trường Cao đẳng Du lịch - sẽ mở một cửa hàng kinh doanh quần áo và Tâm theo ước mơ thi vào Đại học.

Song, họ đều khẳng định, mình sẽ cống hiến cho những vũ điệu đường phố đến khi nào không thể. Bởi, tình yêu của những chàng B-Boy này dành cho hip-hop là quá lớn./.

Trung Hiền-Nguyễn Hà (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark