28/04/2010 | 09:01:00

Bình Dương vươn lên từ những khu công nghiệp

Một góc thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN).

Sau 35 năm giải phóng, đặc biệt là sau 12 năm kể từ ngày được tách ra từ tỉnh Sông Bé, diện mạo Bình Dương hôm nay đã hoàn toàn thay đổi.

Nhờ chính sách “trải thảm đỏ” chào đón các nhà đầu tư, từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao nhất và năng động nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, Bình Dương liên tục đứng ở vị trí số hàng đầu.

Dân trông chờ khu công nghiệp


Ông Lê Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết trong những năm qua, việc định hướng phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa là một chính sách đúng đắn và hợp lòng dân. Bởi lẽ, công nghiệp hóa tới đâu thì đời sống của người dân được nâng cao đến đó, người dân được hưởng những thành quả như cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, thông tin... Đồng thời, một bộ phận người dân đã chuyển đổi nghề sang đầu tư kinh doanh nhỏ lẻ phục vụ khu công nghiệp; phúc lợi xã hội cũng phát triển song song.

Chính vì vậy, nơi nào chưa có khu công nghiệp tới, người dân nơi đó đều trông chờ.

Hiện nay, dân số Bình Dương có trên 1,480 triệu người (có đến 50% dân số là lao động nhập cư) với GDP bình quân ước đạt 21,5 triệu đồng/người.

Để giữ vững tốc độ tăng trưởng, Bình Dương luôn đặt mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội, trọng tâm là các khu công nghiệp.

Đến nay, Bình Dương đã tạo được mô hình kinh tế thu hút cả đầu tư trong và ngoài nước, chuyển đổi từ một tỉnh nông nghiệp thành một tỉnh mạnh về công nghiệp.

Hiện Bình Dương đã rất thành công và nổi tiếng với mô hình khu công nghiệp tập trung với 28 khu công nghiệp đã được thành lập (tổng diện tích 8.979ha), trong đó 24 khu đã đi vào hoạt động với 1.042 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt 7 tỷ 151 triệu USD (chiếm 55% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh).

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 87.727 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp trong nước đạt hơn 27.900 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 59.810 tỷ đồng.

Riêng từ đầu năm 2010 đến ngày 15/3 vừa qua, toàn tỉnh đã thu hút gần 312,800 triệu USD, trong đó có 21 dự án đầu tư mới với tổng vốn gần 156,830 triệu USD và 32 dự án điều chỉnh với với tổng vốn tăng hơn 155,960 triệu USD, nâng tổng dự án đầu tư nước ngoài toàn tỉnh lên 1.922 dự án, tổng vốn đầu tư 13 tỷ USD.

Dự án lớn mà Bình Dương đang tập trung đầu tư và phát triển là khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 với tổng diện tích 4.196ha, nằm tại trung tâm tỉnh, thuận lợi về mặt giao thông, gần sân bay, cảng biển và các dịch vụ khác.

Tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia vào dự án này.

Đầu tư có chọn lọc

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết năm 2006, tỉnh Bình Dương đã có chính sách chọn lọc các dự án đầu tư.

Cụ thể, tỉnh không nhận những dự án gây ô nhiễm môi trường, chỉ chọn những dự án đầu tư có công nghệ tốt để tạo ra nguồn nhân lực tốt.

Tỉnh đang "trải thảm đỏ" mời gọi những dự án đầu tư vào ngành công nghệ cao, tập trung hơn vào việc thu hút các dự án đầu tư lớn với công nghệ hiện đại, sạch từ Mỹ và châu Âu nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và ít ảnh hưởng đến môi trường, tạo sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, như lĩnh vực dịch vụ, tài chính, ngân hàng, viễn thông, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực...

Bình Dương đang đầu tư mạnh vào các khu công nghiệp mới có hệ thống hạ tầng đồng bộ để có thể thu hút các dự án công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực, mục tiêu là 60% số công nhân làm việc tại tỉnh được đào tạo vào năm 2010.

Đồng thời, tỉnh thành lập các trường dạy nghề và hợp tác với nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có tay nghề cao, cụ thể như Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Trường Đại học Quốc tế Việt Nam-Singapore...

Với chính sách phát triển kinh tế hiệu quả, trong những năm qua, nền kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương liên tục phát triển mạnh mẽ.

Năm 2009, dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhưng nhìn chung, các ngành sản xuất, kinh doanh của tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và khá ổn định so với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, thu ngân sách khoảng 12.770 tỷ đồng, tiếp tục đứng vị trí số 1 trong bảng xếp hạng kinh tế cấp tỉnh hàng năm./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark