14/12/2010 | 09:08:00

Bộ sưu tập mão miện tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Sau hơn 50 năm được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, những bảo vật tượng trưng cho quyền lực của triều đại phong kiến như kim ấn, ngọc tỷ truyền quốc, bảo kiếm, mão, miện mới đây lần đầu được giới thiệu tới công chúng.

Đây không phải là lần đầu tiên các bảo vật triều Nguyễn được trưng bày tại Hà Nội. Năm 1961, nhân dịp Quốc khánh 2/9, một số ít trong các bảo vật này cũng đã được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Số bảo vật triều Nguyễn được Bộ Tài chính của chính quyền cách mạng tiếp quản vào tháng 8/1945. Tiếp đó, kho bảo vật này được đưa về lưu giữ tại nhà Viễn Đông bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).

Năm 1961, khi trưng bày tại Hà Nội, một chiếc ấn vàng đã bị kẻ gian lấy cắp. Mặc dù đã tìm ra và kịp thu hồi, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vẫn chuyển kho bảo vật quốc gia này sang lưu trữ tại Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo an toàn. Những năm sau đó, kho bảo vật được đưa đi cất giữ lần lượt tại nhiều địa phương khác nhau, trước khi được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiếp nhận lại.

Dưới đây là bài viết bàn về bộ sưu tập mũ miện đang trưng bày tại bảo tàng lịch sử Việt Nam.

Mão Xung Thiên

Mão Xung thiên được các hoàng đế đội trong những đại lễ như đăng quang, thiết đại triều, thánh thọ. Mão làm theo mẫu quy định trong Tam Tài Đồ Hội của triều Minh. Nhưng các vật trang trí trên mão thì hoàn toàn theo quy định của Nguyễn triều, được ghi rõ trong Khâm định Đại nam Hội điển.

Vì là mão tối cao của bậc thiên tử, nên mão bao gồm cả hai tính văn và võ: Mão có dáng Viên phốc đầu của văn ban, nhưng lại có kèo vòng của các loại mão Hổ đầu và Kim khôi của võ ban.

Thân mão thuộc dạng Viên phốc đầu, có ba lớp. Lớp ngoài đan bằng tơ tầm theo lối Ô sa, quét nhựa cậy và sơn ta. Lớp trong đan bằng lông đuôi ngựa se thành sợi dọc, quết nhựa cậy. Trong cùng là lớp lót bằng nhiễu tơ tằm màu vàng.

Vòng quanh mão có 31 con rồng vàng, với 23 con ở mặt trước mão. Trong số 23 rồng phía trước thì phần trán mão có chín con rồng vàng, một con trực diện và tám con chầu. Trên viền của phốc đầu có bốn rồng. Chỗ rồng còn lại gắn trên kèo vòng và tam sơn. Nhóm tám con rồng đằng sau mão chia làm hai nhóm, mỗi bên bốn con làm thành hàng dọc chầu vào hai cánh xung thiên.

Ngọc trang trí mão gồm thủy soạn, hỏa tề và ngọc bạch. Thủy soạn trên mão của triều Nguyễn, dù là mão Xung thiên của hoàng đế, đều là pha lê thiên nhiên chứ không phải là kim cương như nhiều người lầm tưởng.

Ngọc thủy soạn gắn trên mão vua và hoàng thái hậu là các loại đá bán quý màu đỏ hoặc hồng, như quartz, garnet hay pha lê thiên nhiên. Đá quý như ruby không thấy dùng. Các viên hỏa tề đậm màu nhất trên mão của Thánh Cung Hoàng thái hậu cũng chỉ là đá garnet.

Ở phần trán mão còn có chín mây vàng, chín lửa vàng, chín viên thủy soạn cỡ lớn và trung, chín viên hỏa tề cỡ trung. Trên hai cánh Xung thiên đằng sau mão mỗi cánh có 13 viên thủy soạn cỡ trung và một con kim giao. Cánh được uốn cong vòng hình bán nguyệt hướng ra phía trước, để nếu nhìn từ phía trước chỉ thấy phần chóp cánh ló lên khỏi phốc đầu mà thôi.

Cái ngù lông đỏ của mão Kim khôi và Hổ đầu được thay thế bằng viên thủy soạn hình trứng thật lớn gắn trên phần phốc đầu của mão Xung thiên này. Hai miếng giống như trâm cài hai bên phía trước kèo vàng trên mão đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử thật ra là cặp khóa của hai cánh xung thiên đằng sau. Còn hai ngạch vàng ở hai bên thái dương mão, trước kèo, có lẽ đã bị thất lạc.

Đính kèm là hai ảnh mão Xung thiên của các hoàng đế triều Nguyễn với độ chính xác tuyệt đối. Một ảnh chân dung mặt trước mão Xung thiên của vua Đồng Khánh do họa sỹ Pháp vẽ rất chi tiết. Và một ảnh chụp ngang phần sau mão Xung thiên của vua Khải Định, cũng với chi tiết chân dung.

Miện (Bình Thiên)


Mão Bình thiên thuộc loại bình đính (bằng đầu). Ngày xưa tất cả các mão bình đính của vua quan đều gọi là bình thiên. Về sau, vua Minh Mạng quy định bình thiên của vương, công, quan lại phải gọi thẳng là bình đính cho có sự phân biệt.

Thân Miện có phần dưới tròn giống như của các loại phốc đầu, nhưng phần cổ hình vuông của Phương phốc đầu võ ban để đỡ tấm phương đỉnh. Miện cũng có ba lớp Ô sa, Mã vỹ và nhiễu vàng như Xung thiên.

Phía trước miện có 12 tua rủ, sáu bằng hột vàng và sáu bằng hột ngọc bạch, tượng trưng cho 12 tháng. Đằng sau cũng có 12 tua như thế. Các tua này giảm bớt số lượng tùy theo cấp bậc trên các miện của các cấp vương, công.

Mỗi tua có 12 hạt vàng hay ngọc bạch. Các hạt vàng hay ngọc trên mỗi tua được tạo khoảng cách bằng một viên cườm nhỏ hơn cùng chất liệu hay bằng hỏa tề. Mỗi tua, kể cả tua cườm rủ ở phần kết, chấm dứt ngay trên vòng liên đằng ở mép dưới miện.

Hiện trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội còn giữ được một mão Bình Đính của vương tước, và một mão Viên phốc đầu của bậc quan chánh Nhị phẩm. Phần thân mão (Ô sa, Mã vỹ) của hai mão này là mẫu chính xác nhất của phần thân của các mão Xung thiên và Miện đang được trưng bày, nếu muốn phục dựng.

Phần nhiễu vàng lót bên trong thì bất cứ người thợ làm đồ lên đồng nào hiện nay cũng có thể bồi được, điều quan trọng là phải dùng đúng nhiễu tơ tằm./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark