10/07/2019 | 14:41:00

Bức tranh’ Hà Nội - những mảng màu đối nghịch

Cột cờ Hà Nội - một “chứng nhân” của lịch sử Hà thành. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu/ Một thời đạn bom, một thời hòa bình…”

Người Hà Nội, dẫu ở trên mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến hay tha hương nơi đất khách, mỗi lần nghe câu ca ngọt ngào, sâu lắng ấy lại lặng đi, rưng rưng nhớ về đất và người Thăng Long-Kẻ Chợ.

Hà Nội đã trải qua một chặng đường nhiều biến động, đau thương, mất mát nhưng cũng không ít vinh quang, kiêu hãnh. Trên hành trình hội nhập, Hà Nội vừa mang theo niềm tự hào về những giá trị thiêng liêng của lịch sử, những thành tựu, bước tiến về mọi mặt đời sống vừa chứa đựng khát vọng về sự đổi thay, vươn mình theo thế “rồng bay” cùng cả dân tộc.

Trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, hướng tới tương lai, Hà Nội đã để lại ấn tượng đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế là một thành phố có chiều sâu văn hóa; một đô thị an toàn, thân thiện, năng động; một không gian giao hòa của truyền thống và hiện đại - điểm đến của hòa bình.

Ngày 16/7/1999, Hà Nội chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” tại Thủ đô La Paz (Bolivia). Đặc biệt, Hà Nội là thành phố duy nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vinh dự đón nhận danh hiệu này.

“Trong suốt hai thập kỷ qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực phát triển để xứng đáng với tên gọi này,” ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết.

Nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu của UNESCO, VietnamPlus giới thiệu tới bạn đọc loạt bài: "Hà Nội: Từ thành phố vì hòa bình đến đô thị sáng tạo."

Bai 1: ‘Buc tranh’ Ha Noi - nhung mang mau doi nghich hinh anh 1Hà Nội là Thủ đô duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được UNESCO vinh danh là "Thành phố vì hòa bình." (Ảnh: Đình Na/TTXVN)

Bài 1: ‘Bức tranh’ Hà Nội - những mảng màu đối nghịch

“Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 60km!... Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 50km!...” Xem lại cuốn phim tư liệu về Thủ đô những ngày “rực lửa,” nghệ sỹ nhân dân Lan Hương bỗng lặng đi.

“Trở thành chứng nhân của lịch sử là một điều rất đáng trân trọng nhưng những trải nghiệm như trên không nên lặp lại nhiều trong cuộc đời mỗi con người,” một “Em bé Hà Nội” khi xưa bảo.

Từ hình ảnh mũ rơm, hố bom…

Hơn 40 năm đã trôi qua, từ một cô bé đầu đội mũ rơm, vai đeo túi chữ thập (đựng bông băng, thuốc đỏ) tung tăng tới trường, Lan Hương đã trở thành một người đàn bà luống tuổi, bước qua nhiều ngã rẽ, nếm trải đủ những va đập, thăng trầm trên đường đời. Ấy vậy mà, mỗi khi bất chợt nghe lại những âm thanh xưa cũ trên loa phóng thanh hay tiếng còi hú, mường tượng lại cảnh pháo phòng không sáng rực trời cùng tiếng máy bay gầm rít ở Hà Nội trong những năm 1960s, 1970s, chị vẫn thấy thảng thốt, lạnh toát nơi sống lưng, mồ hôi vã ra…

Trấn tĩnh lại, hít một hơi thật sâu, Lan Hương kéo khung cửa, hướng đôi mắt về dòng người, xe tấp nập ngược xuôi. Những mảnh ký ức mờ nhòe, vụn vỡ được kết nối thành một mạch nguồn chung, hình dung về sự đổi thay, chuyển mình của Hà Nội theo thời gian. Hồi ức của những em bé Hà Nội khi xưa như chị có cả nỗi bi thương cùng sự trong veo, hồn nhiên; có cả sự dữ dội và vẻ dịu êm như Hà Nội vẫn luôn có những phút yên bình, lặng lẽ, tĩnh tại xen giữa những ồn ào, náo nhiệt của một đô thị hiện đại đang chuyển mình từng ngày

Đầu thập niên 1970s, Lan Hương còn là một cô bé bướng bỉnh với hai mái tóc lúc lắc trên vai, ngày ngày chạy tung tăng từ khu tập thể trên phố Hoàng Hoa Thám đến trường tiểu học Chu Văn An, khu làm việc của các cô chú ở xưởng phim truyện trên phố Thụy Khuê.

“Khi ấy, Hà Nội chủ yếu được hình dung với những khu phố Hàng… Nhắc đến khu Thanh Xuân, Cầu Giấy, ai cũng thấy… xa. Khu vực đó đã được coi là ngoại ô rồi. Tôi nhớ mãi, đoạn đường Bưởi, Hoàng Quốc Việt thuở trước chỉ là những bãi đất hoang. Trên đó có khu chợ, người buôn kẻ bán đủ mặt hàng từ tre nứa đến lợn, gà, trâu, bò… Ấy vậy mà giờ đây, khu ấy chỉ toàn nhà cao tầng san sát, người xe nườm nượp…,” người nghệ sỹ cả đời gắn bó với Hà Nội chậm rãi kể.

Bên cạnh tiếng trống trường, tuổi thơ của những em bé Hà Nội giai đoạn ấy còn pha lẫn tiếng còi báo động, tiếng máy bay gầm rít. Thời gian trôi đi mang theo ký ức về những buổi nô đùa bên miệng hố bom. Đồ chơi của lũ trẻ chỉ vẹn vẹn có chiếc diều tự làm, mấy hòn sỏi để chơi ô ăn quan hay sợi dây dù, dây thừng để cùng bày trò nhảy dây…

Bai 1: ‘Buc tranh’ Ha Noi - nhung mang mau doi nghich hinh anh 2Tạo hình của “Em bé Hà Nội” Lan Hương trong bộ phim cùng tên của cố đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Hải Ninh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Gia đình nào có người đi nước ngoài, mang về con búp bê hay lật đật của Nga là… sang lắm. Đó là cả một ‘bầu trời’ xa xỉ! Tất cả sẽ được bày biện trang trọng, cẩn thận trong chiếc tủ ly ở phòng khách, chỉ những dịp đặc biệt mới được mang ra chơi dưới sự giám sát nghiêm ngặt của người lớn! Tôi cũng có một cô búp bê Nga như vậy nhưng mỗi năm cũng chỉ được ôm ấp vài ba lượt, trong dịp Trung Thu hay Tết Nguyên đán,” nghệ sỹ Lan Hương nhớ lại.

Ký ức về những tháng ngày gian khó là hành trang theo chị trên suốt chặng đường đời. Để giờ đây, mỗi lần tự thả lỏng, xếp gọn sang một bên những lo toan thường nhật, tách mình khỏi những ràng buộc lỉnh kỉnh của những mối quan hệ… để ngắm nhìn cuộc sống, Lan Hương lại mừng mừng tủi tủi và nghĩ: “Hà Nội khác quá! Những em bé Hà Nội bây giờ cũng thật khác xưa!”

Lan Hương chậm rãi nhấp một ngụm trà, nhìn chiếc xe buýt chở học sinh vừa lướt phía qua trước mặt. Trên xe, có cô bé ngước đôi mắt trong veo nhìn lên bầu trời đầy thích thú, có những cậu bé tinh nghịch đang khua tay diễn trò, cười rạng rỡ. Không có nhiều cô bé thắt hai bím tóc như xưa. Mũ rơm, đồ chơi tự chế đã được thay thế bằng đủ loại trang phục, phụ kiện, đồ vật màu sắc rực rỡ, tươi mới…

“Hạnh phúc nhất là việc các em sẽ không phải trải qua cảm giác như chúng tôi khi xưa: đang tung tăng rảo bước trên đường, bỗng có tiếng còi báo động máy bay địch hú lên. Sợ hãi! Hoảng loạn! Mỗi người vội vã tìm và lao nhanh xuống một hầm trú ẩn. Thường ngày, những căn hầm trú ẩn ẩm thấp, nước mưa đọng thành vũng; giun, dế, ếch, nhái bò lổm nhổm. Cánh con gái sợ lắm, khóc thét! Ấy vậy mà, khi âm thanh báo động vang lên, nơi đáng sợ ấy lại thành chốn an toàn,” nghệ sỹ nhân dân Lan Hương nhớ lại.

…đến khung cảnh đại lộ thênh thang

Có chung cảm thức trên, đại tá-nhà văn Chu Lai bảo, trước đây, dù có nằm mơ, ông cũng không mường tượng được có ngày Hà Nội vươn mình đổi thay, thực hiện được “lột xác” ngoạn mục để trở thành một đô thị hiện đại, tấp nập nhưng vẫn không mất đi vẻ thanh bình, lãng mạn như hôm nay.

“Bây giờ, phần đông không còn nói chuyện ‘ăn no, mặc ấm’ nữa, câu chuyện dần chuyển sang ‘ăn ngon, mặc đẹp.’ Thế mà, tuổi thơ của tôi ám ảnh chuyện cái đói dữ dội lắm. Trong căn phòng chật chội ở khu tập thể, một thằng nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn, lại nghịch ‘nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò’ như tôi thường xuyên vật lộn với những… đêm đói. Nhiều lần, đói cồn cào, không ngủ nổi, tôi phải lùng sục khắp các xó xỉnh của khu tập thể, lần mò từng cái nồi xem còn chút gì có thể ăn được không. Hà Nội một thời thiếu thốn!” nhà văn nhớ lại.

Mãi đến sau này, khi trở thành một người lính đặc công hoạt động ở vùng ven Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ, ông mới dần quên nỗi ám ảnh về cái đói. Trong ký ức của vị đại tá già, Hà Nội ở thời điểm ông khoác balô lên vai, tạm xếp lại phía sau những hoài bão của tuổi trẻ để bước chân vào chiến trường vẫn còn là một vùng đất nghèo, chìm trong những đám bùn, sự hiu hắt. Tiếng tàu điện leng keng, hình ảnh những chiếc đèn dầu leo lét, heo hắt hay những ngày xếp hàng dài đợi mua thực phẩm… trở thành một phần ký ức khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Hà thành.

Bai 1: ‘Buc tranh’ Ha Noi - nhung mang mau doi nghich hinh anh 3Hình ảnh Hà Nội của thời đã xa. (Ảnh: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Vượng)

Hòa bình lặp lại, sau mỗi chuyến đi nước ngoài, trở về đến sân bay, một nỗi buồn lại xâm lấn, hiện hữu trong tâm thức nhà văn khi cảnh lam lũ, nghèo khó vẫn hiện hữu hai bên đường dẫn từ sân bay Nội Bài về nội thành: những thửa đất khô cằn; những mái nhà cấp bốn liêu xiêu trong nắng mưa; đường xá mấp mô; người nông; dân gồng mình thồ những gánh hàng hóa; hay thấp thoáng bóng dáng những cặp vợ chồng mướt mải đẩy những xe chở nặng đủ thứ lỉnh kỉnh, dắt theo những đứa trẻ bước đi xiêu vẹo trên hành trình vào thành phố mưu sinh, học tập…

“Ấy vậy mà, trong những năm trở lại đây, mọi chuyện đã thật khác. Một lão già có nửa đời gắn với trận mạc, những chuyến đi như tôi như trải qua một giấc mơ: những khu tập thể chật chội, ẩm thấp đã không còn, thay vào đó là những tòa nhà cao tầng đầy đủ tiện nghi, đèn điện sáng trưng, lấp lánh. Mỗi khi có dịp băng qua những cung đường như đại lộ Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân, vẻ hiện đại, không gian khoáng đạt dội vào lòng tôi cảm giác rất khó diễn tả,” vị đại tá già bồi hồi chia sẻ.

Trong phút xúc động, mừng mừng tủi tủi, ông nghẹn giọng bảo: “Xương máu của cha anh đổ xuống đã không uổng!”

Bai 1: ‘Buc tranh’ Ha Noi - nhung mang mau doi nghich hinh anh 4Diện mạo đô thị khu vực phía Tây của Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. (Ảnh: Trọng Đạt/TXVN)

Từ một Thủ đô phải trải qua những năm dài kháng chiến, Hà Nội vươn mình đổi thay, trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, năng động, chủ động hội nhập. Đến nay, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” nhờ những đóng góp tích cực trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình và những nỗ lực không ngừng trong công cuộc kiến thiết, xây dựng và phát triển thành phố.

Cụ thể, Hà Nội đã đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO về: Sự bình đẳng trong cộng đồng; Xây dựng đô thị; Giữ gìn môi trường sống; Thúc đẩy phát triển văn hoá-giáo dục; Chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.

Nỗ lực không ngừng trong quá trình gìn giữ, phát huy giá trị danh hiệu ấy đã tạo nên một Hà Nội lạ mà quen trong mắt chính người dân nơi này cũng như bạn bè trong nước, quốc tế.../.

An Ngọc (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark