10/12/2012 | 09:22:00

Các đợt dựng bia và kiến trúc đặc trưng của bia tiến sĩ

Những năm dựng bia rất phù hợp với đặc điểm nghệ thuật thể hiện trên các bia giúp ta có thể phân chia 82 tấm bia còn lại ở Quốc Tử Giám là 3 loại rõ rệt:

- Loại 1 gồm 14 bia dựng từ niên hiệu Hồng Đức năm thứ 15 (1484) tới niên hiệu Đại Chính năm thứ 7 (1536)

-Loại 2 gồm 25 bia dựng vào niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 1 (1653)

- Loại 3 gồm 43 bia dựng từ niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 13 (1717) cho tới hết.

Bia loại 1 được dựng trong vòng 53 năm khoảng cuối thế kỷ 16. Thời này chế độ phong kiến đang trên đà đi lên. Việc thi cử học hành đang được hết sức chú ý và đi vào quy củ. Nho giáo đang dần chiếm địa vị cao trong quốc giáo. Song, ở thời đầu lê này Phật Giáo cũng chưa lép vế lu mờ. Về mặt nghệ thuật, nói chung các công trình của thời này một mặt phát triển với những đặc điểm mới, mặt khác còn giữ được nhiều nét truyền thống Lý – Trần.

Tuy nhiên về việc dựng bia Tiến sĩ thì đây lại là giai đoạn đầu không tránh khỏi giản đơn, quy mô bình thường.

* Bia loại 1: khác hẳn các bia của 2 loại sau, kích thước nhỏ bé, trung bình cao từ 150cm đến 155cm, rộng từ 100cm đến 110cm, dày từ 15cm đến 18cm. Trán bia bé, hẹp và dẹt. Những đặc điểm này của hình dáng bia ta thường thấy ở các bia thời Trần.

Rùa đế bia loại 1 rất sinh động, đầu cao, mõm có dáng mỏ chim, miệng rộng có 2 răng nanh, mắt to, một số rùa còn lại có lông mày, mép có nhiều tua

Thana rùa tượng trưng, mai trơn nhẵn, sống lưng có gờ nhỏ, đuôi nhỏ vắt ngược.

Chân rùa cũng chỉ có dáng tượng trưng, có 5 ngón bán vào thân.

Nhìn chung rùa cũng còn mang đậm nét những rùa đế bia thời Thần và được gia công khác công phu đáng lưu ý trong nghệ thuật tạc đá.

Về trang trí ở bia loại 1, những nét chạm khắc giản đơn và ít ỏi. Thường là những hình hoa lá, mây lửa và mặt nguyệt. Đặc biệt trán bia ở đây không hề thấy chạm rồng.

Hoa lá quanh diềm bia có niên hiệu Hồng Đức bố cục thành những đường ngoằn ngoèo liên tục chen vào đó những hoa cúc, hoa sen, những hình bánh xe, hình nấm, hình đồng tiền v.v…Hoa cúc hoa sen là đề tài trang trí của nghệ thuật Phật giáo, từ thời Lý – Trần cho tới hầu như suốt cả lịch sử phòng kiến Việt Nam đều tồn tại và có chăng chỉ phát triển theo từng giai đoạn khác nhau và thể hiện khác nhau mà thôi. Hình bánh xe rõ ràng hơn, là bánh xe luân hồi (xa luân) của đạo Phật. Đề tài trang trí ở thời mà Nho giáo đang phát triển nhưng Phạt giáo chưa suy tàn này nếu như còn những hình ảnh nói trên tưởng cũng rất phù hợp với quy luật phát triển mà thôi.

Đồng tiền là một trong “bát bửu” của Lão giáo, thường được trang trí trong điêu khắc, hội họa, trên đồ sứ. Trên tấm bia dựng vào niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 5 (1513) còn có hình đôi sừng tê chạm ở 2 bên trán bia, đối xứng nhau qua hình mặt nguyệt. Sừng tê giác cũng là một trong “bát bửu” của Lão giáo. Đây lại thêm một dẫn chứng nữa về sự kế thừa nghệ thuật trang trí của những thời trước. Vào thời Trần, Phật giáo và Đạo giáo đều được phát triển. Ngay trong chế độ thi cử thì vào niên hiệu Thiên ứng Chính Bình năm thứ 16 (1247) vua Trần Thái Tông đã tổ chức khoa thi tam giáo. Thái Tông chấn hưng nên Quốc học trên nền tảng tinh thần Tam giáo. Như vậy dấu ấn của Phật giáo và Lão giao còn lưu lại tới thời Lê sơ thật là lẽ bình thường.

* Bia loại 2 là những di tích quý giá nhất trong tất cả những di tích bia ở Quốc Tử Giám về mặt nghệ thuật trang trí. Số bia này hiện nay còn 25 tấm đều được dựng vào niên hiệu Thịnh Đức năm thứ nhất (1653), đời vua Lê Thần Tông.

Lịch sử ở khoảng cuối thế kỷ 17 này đang trên đà khủng hoảng nghêm trọng. Giai cấp thống trị xa hoa trụy lạc. Triều chín rối ren. Vua Lê không nắm thực quyền mà thực quyền nắm cả trong tay chúa Trịnh. Chiến tranh Trịnh – Mạc rồi Trịnh – Nguyễn kéo dài, nền kinh tế quốc gia từng bước lao theo thế suy đồi.

Chính trong hoàn cảnh này nghệ thuật lại được phát triển hơn. Do cuộc sống xa hoa mà việc xây dựng cung điện lâu đài phát triển. Tầng lớp thợ thủ công ngày càng đông đảo từ đó xuất hiện nhiều công trình có giá trị. Mâu thuẫn giai cấp càng tăng, tinh thần đấu tranh của nhân dân chống bọn thống trị phong kiến càng cao. Một trong những hình thức đấu tranh là văn học nghệ thuật. Văn học dân gian phát triển, nhiều tác phẩm có giá trị chống phong kiến ra đời. Về hội họa cũng vậy, tranh dân gian có tính đa phong còn lại tới nay vẫn vô cùng sinh động có sức hấp dẫn cả trong những triển lãm hội họa thế giới. Về điêu khắc trên đá hoặc trên gỗ, cũng còn lưu lại cho tới nay khá nhiều tác phẩm rất quý nhằm châ biếm đả kích bọn thống trị.

Là những công trình điêu khắc đá, bia loại 2 được dựng trong hoàn cảnh lịch sử như vậy, cho nên đã tỏ ra hơn hẳn về mặt giá trị nghệ thuật so với các loại khác.

Nhìn chung bia loại 2 cao to, thường cao từ 155cm tới 170cm, rộng từ 100cm tới 125cm và dày từ 20 tới 30cm. Trán bia cong vồng lên gần thành hình bán nguyệt. Đề tài trang trí trên trán và diềm bia phong phú, kinh tế.

Trán bia đều chạm 2 rồng chầu mặt nguyệt, song rồng được chạm ở nhiều dạng khác nhau: có loại chỉ là nửa thần rồng hiện lên ở góc bia, có loại hình rồng đầy đủ. Nói chung hình rồng được chạm tỉ mỉ công phu từ đuôi, vảy, vây, chân, mắt, mũi, râu, bờm với phong cách tả thực, mây lửa (hình vút nhọn như ngọn lửa, có người gọi mà mây kiếm) là đặc điểm chung và có mặt trong tất cả mọi tấm bia. Cũng có bia thay đôi rồng bằng đôi chim phượng hoặc đôi long mà (Long mã tạc trên trán bia là loại hình ít thấy).

Tính đa dạng của trang trí trên trán bia, một loại di vật vốn thường bị những quy định khắt khe của chế độ phong kiến ràng buộc, chứng tỏ lễ giao phong kiến đã bị phá vỡ, nghệ thuật dân gian phát triển và người nghệ sĩ đã từ đấy phát huy năng lực sáng tạo của mình.

Tính phong phú và hiện thực được thể hiện rõ nét hơn trên diềm bia loại 2. Vài công thức nghèo nàn xưa kia đã bị phá vỡ.

Đề tài hoa lá vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn. Song nếu trước kia ta chỉ gặp những hoa dây, lá dây giản đơn nghèo nàn thì bây giờ ta gặp nhiều hình, nhiều loại, phong cách tả thực, đường nét uyển chuyển hơn: sen, mẫu đơn, cúc, mai, hồng, lựu v.v. Kết hợp với lá, với cành, với nụ, những bông hoa đã được bố cục rất chặt chẽ, cân đối. Hình mẫu động vật được chạm khắc rất sinh động ở diemf bia loại này. Có chim các loại, thú các giống. Ở đây còn gặp cả hình người.

Chim có công phượng, cò, sáo, vịt, vạc, chào mào, trĩ, sẻ v.v.chim đứng, chim đi, chim vỗ cánh, chim quay đầu về lưng ngủ, chim kết hợp với hoa lá, cành cây tạo thành một đề tài trọn vẹn như trúc điểu, tùng điểu v.v…

Về thú vật ta bắt gặp ở loại bia này những hình khi bắt chim, hổ săn nai, hiêu mẹ liếm con, ngựa phi, hổ chạy, hổ ngồi. Đường nét chạm đục mỗi con mỗi vẻ rất sinh động, tươi vui, hóm hỉnh.

Hai cảnh sinh hoạt của con người được chạm ở diềm bia khoa Quí Mùi, niên hiệu Phúc Thái năm thứ 1 (1643). Bên trái là cảnh 2 người đội mũ, mặc áo thụng, tay vòng chắp trước ngực. Phía trước là một con trâu, phía sau là một cài cày. Đây chắc hẳn là hình ảnh “khuyến nông” và 2 người kia hẳn là 2 vị quan coi việc canh nông. Bên phải cũng có 2 người, một người ngồi cao hơn, áo chẽn tay cầm đao, một người đứng dưới thấp đội mũ, mặc áo thụng, tay chắp trước ngực. Cảnh bên này khó giải thích hơn song phong cách cũng rất khoáng đạt.

Rùa đế của bia loại 2 nói chung được tạc đơn sơ nhưng khỏe mạnh, mang cái đẹp của những phác thảo, tượng trưng và gợi cảm.

Đầu rùa bẹt, sống mũi cao, mắt tròn lồi, cổ rụt, miệng rộng không răng và chi là một khớp đá nhô ra không ngón, không móng, hoàn toàn tượng trưng. Phía dưới rùa nói chung nét đục còn nguyên vết phác thảo tưởng như chưa làm xong.

Tất cả những tấm bia loại 2 cùng được dựng trong 1 năm (1653) cho nên không thể nhìn được sự diễn biến từng bước của cả một thời gian nửa thế kỷ, tuy vậy cũng có thể đại diện được cho đặc điểm nghệ thuât điêu khắc đá của thời kỳ này.

* Bia loại 3 gồm 43 tấm dựng từ năm 1713 tới 1780. Thời ký này triều đình nhà Lê đã tới độ suy tàn. Chế độ phong kiến đã bước vào giai đoạn khủng hoảng. Nền kinh tế sa sút, đời sống nhân dân rất thấp kém.

Nho giáo cũng bước sang giai đoạn suy đồi. Ngay từ thời trước đó nửa thế kỷ những người theo Nho học đã chẳng có mấy ai còn đáng gọi là làm rạng rỡ cho sử sách. Lê Quý Đôn đã viết trong sách Kiến văn tiểu lục, phần Tài phẩm như sau:

“ Tôi thường bàn luận, triều đại Tiền Lê, phong độ sĩ phu đại khái có 3 lần biến đổi:

- ….

….

- Từ năm Đoan Khánh trở về sau, lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh môi ngày một thịnh, người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm nhún nhường trong triều dường như không được nghe những lời can gián, gặp có việc thì rụt rè cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân, đầu người gọi là bậc danh nho cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa, rồi nào thơ, nào ca trao đổi. Khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không thể nào nói cho xiết được”.

Số khoa thi, tính từ niên hiệu Vĩnh Thịnh, tổ chức đều, bia Tiến sĩ cũng dựng kịp thời nhưng thật là chiếu lệ. Trình độ sĩ tử thấp kém. “Các bậc tiền bối soạn sẵn từng bài, lời lẽ rắn giỏi trang nhã, bọ hậu sinh cùng nhau rập theo bản cũ, quan trường chấm thi chỉ thải bỏ bài nào thối nát mà thôi”.

Việc dựng bia cũng không nhất thiết được nhà nước dùng công quỹ quốc gia lo liệu. “Niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 13 (1717) lại hạ lệnh truy lập bia người đỗ 11 khoa, người nào hiện còn sống thì những người ấy tự lo liệu lấy chi phí, đều hạ lệnh cho bầy tôi giữ việc từ hàn chia nhau soạn văn bia; mấy khoa sau về việc lập bia, thì người Tiến sĩ mới tự lo liệu lấy, rồi xin văn bia của triều thần, trong bia có chép quan chức và tên người biên soạn và người nhuận sắc.

Được dựng trong hoàn cảnh lịch sử như trên, bia loại 3 tất nhiên phải lùi một bước khá dài về mọi mặt so với loại 2.

Về mặt khối lượng bia loại 3 rất lớn, thường cao từ 170cm đến 190cm, rộng từ 120 tới 130cm, dày từ 20 tới 25cm. Tới cuối triều Cảnh hưng có bia cao tới 214cm, rộng 137cm và dày 30cm.

Về mặt trang trí, bia loại 3 mang nặng tính chất công chức, khuôn mẫu, cung đình.

Trán bia vẫn giữ đề tài 2 rồng chầu mặt nguyệt. Con rồng bia được cách điệu khá cao, có khi cả thân rồng mang hình dáng của những khối mây, chỉ có đầu rồng là rõ rệt. Có khi mới nom chỉ thấy có mấy và một cụm mây nào đó được thể hiện thành dạng mồm của rồng mà thôi.

Diềm bia lấy đề tài hoa lá làm mẫu trang trí chủ yếu. Hoa lá nhiều khi cũng cách điệu tới mức không còn nhận ra được là loại hoa gì. Nhìn chung các loại hoa lá dù là hoa dây, lá lật, hoa cúc, hoa chanh, hồi văn v.v…tất cả đều chỉ là những công thức có sẵn lặp đi lặp lại, không đòi hỏi người thợ khắc phải mất công sáng tạo chi cả.

Rùa của bia loại 3 dễ nhận nhất ở chỗ mai rùa có chạm những hình 6 cạnh bắt chước những hình có thật trên mai rùa.

Đầu rùa cũng được bắt chước như vật thật, mõm nhọn, mắ nhỏ, cổ nhiều ngấn nhăn.

Chân rùa tạc đủ 5 ngón, có con chân thò hẳn ra ngoài ở tư thế con rùa khi bò.

Nhìn chung việc tạo những con rùa loại bia này thể hiện rõ sự bắt chước vật thật một cách sao chép thiếu sáng tạo cho nên đường nét tuy nhiều vẫn không đạt được phần sinh động gợi cảm.

Tóm lại 82 tấm bia Tiến sĩ còn lại ở Quốc Tử Giám Hà Nội được dựng rải rác trong suốt thời gian thừ 1484 tới 1779 đã phản ánh một giai đoạn phát triển ngành điêu khắc đá suốt 3 thế kỷ của lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Giá trị nghệ thuật của từng tấm bia có khác nhau, song toàn bộ những di vật này xứng đáng được bảo tồn như những vốn quý của kho tàng văn hóa Việt Nam.

* *

*

Quanh những tấm bia Tiến sĩ ta còn có thể tìm hiểu được không ít những điều bổ ích trong việc nghiên cứu lịch sử giáo dục của nước ta về thời Lê.

Nho giáo khởi nguồn từ Trung Quốc rồi truyền sang Việt Nam. Ở Việt Nam việc thi cử có từ thời Lý nhưng cho tới thời Lê, Nho giáo mới chiếm được địa vị chính thống. Các trường Việt Nam dạy bằng kinh sách Trung Quốc, chế độ thi cử nhiều điều cũng phỏng theo Trung Quốc, nhưng nếu chỉ giản đơn cho rằng ta dập khuôn Trung Quốc thì lại là một sai lầm lớn.

Lê Quý Đôn chép:

“Bản triều từ trung hưng đến nay, đối với người đỗ khoa Tiến sĩ đãi ngộ rất hậu, bổ dụng rất cao:

1 – Ban cho mũ áo và cân đai triêu phục, cho vinh qui về quê hương có đủ các hạng cờ quạt, nghi trượng, phường trống và phương nhạc đón rước;

2 – Viên quan có trách nhiệm bắt dân làng trước hết dựng phủ đệ cho Tiến sĩ.

3 – Không những người đỗ tam khôi hoặc ứng thi Chế kho trúng cách được bổ vào viện Hàn lâm mà có người đỗ Đồng tiến sĩ cũng được bổ giữ chức quan trong các khoa, các đạo không phải bổ làm quan ở phủ hoặc huyện;

4 – Trong mỗi khao, một người đỗ trẻ tuổi được bổ giữ chức Hiệu thảo;

5 – Người nào bổ quan ở ngoài các trấn thì bổ vào 2 ty Thừa chính hoặc Hiến sát, đều trao cho chưởng ấn chính thức, không phải giữ chức tá nhị.

Năm ân điển này, so với việc đặt khoa mục ở Trung Quốc từ xưa đến nay chưa từng có.

Những ân điển trên đây hầu như đều có nhắc tới trong tất cả các bài văn bia như một công thưc của từ thần.

Nội dung giáo dục cũng có phải đâu chỉ tiếp thu ở Trung Quốc mà không biết thay đổi sao cho thích hợp với nước ta. “Đời Chính Hòa, triều đình coi trọng việc văn, ưu tiên việc học, mới bảo cho sĩ tử khắp nơi biết: lời văn phải cho điên nhã, thể văn phải cho hôn thuần, bỏ hẳn lối dập khuôn cũ, phải có sinh ý mới là hay, nhà Quốc học phải theo đấy mà dạy dỗ, các khoa thi phải theo đấy mà chọn người.

Vào thời này ở Trung Quốc đang chuộng văn bát cổ trang sức phù phiếm, ngay ở Trung Quốc thời Càn Long cũng từng phải hạ du: “Văn chương bát cổ thực không quan thiết gì với chính sự, từ nay về sau, vĩnh viễn đình chỉ lối văn chương bát cổ, trang sức phù phiếm ấy các đầu bài thi chỉ xoáy trong các bài sách, bài luận, bài biểu, bài chế có quan hệ đến việc nước việc dân.

Ở Việt Nam thời Chính Hòa, vua đã “hạ chiếu cho lớp người đi học phải bỏ cái lối viết ngầm, nhìn vụng trước kia…mùa xuân năm Bính Tuất đó, ngài ra lệnh cho các quan Đê điệu, Tri cống cử và Giám thi họp thi các hạng cống sĩ trong nước, các quan chỉ huy, thị đề thi phải tuân theo các loại văn đời Hồng Đức để ra bài, các cử nhân tới thi cũng phải theo các thể văn đời Hồng Đức để đua tài.

Việc dựng bia Tiến sĩ khởi đầu cũng là chế độ của Trung Hoa. Việt Nam bắt đầu dựng từ năm 1484, thời Hồng Đức. Nhưng thể thức bố cục văn hóa có khác. Bia nhà Quốc học thời Minh dựng ở 2 bên con đường chính trước sân, mặt trước chép họ tên viên quan phụng sắc soạn văn bia, phụng sắc viết chữ triện vào bia, mặt sau chép văn ba, lời văn ngụ ý khuyên răn. Bia làm bằng đá cao 8,9 thước, chia làm 2 khoảng, trên chép văn bia, dưới chép tên. Triều Thanh chỉ chép: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế hạ chế: ngày….tháng….năm ban cho Tiến sĩ cập đệ và xuất thân bao nhiêu người. Nay cáo thị. Sau liệt kê họ tên, quán chỉ người đỗ, không chép lời văn.

Bia Tiến sĩ của nước ta khắc hẳn. Văn bia soạn công phu lời văn có sức thuyết phục mạnh mẽ; trước là văn bia sau là họ tên người đỗ mà không chia làm 2 khoảng trên dưới; người soạn, người viết, người viết chữ triện, thậm chí người khác đều có tên rành mạch nhưng khắc ở sau cùng; như vậy vị trí chủ thứ rõ ràng đầy đủ, không những chỉ là một tấm bia khích lệ mà còn là tư liệu khoa học trọn vẹn cho đời sau tìm hiểu nghiên cứu được rõ ràng.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark