25/01/2012 | 15:43:00

Các đường phố Hà Nội theo vần B (phần 1)

Bà Huyện Thanh Quan

Phố: dài 245m; từ đầu đường Điện Biên Phủ cắt ngang phố Chùa Một Cột đến phố Lê Hồng Phong. Đất thuộc Tiền Dinh góc tây nam thành cổ thời Nguyễn. Nay thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc là phố Công sứ Môren (rue Résident Morel).

Bà Huyện Thanh Quan - nhà thơ đầu thế kỷ XIX - tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người làng Nghi Tàm (Quảng An – Tây Hồ). Bà học rộng, được vua Minh Mạng (1841-1847) mời vào Huế làm Cung trung giáo tập, dạy các cung phi và công chúa, lấy chồng là Lưu Xuân Ôn ở làng Nguyệt Áng, Thanh Trì. Ông đỗ cử nhân năm 1828, được bổ làm tri huyện Thanh Quan (Thái Thụy, Thái Bình). Bà còn để lại một số bài thơ hay được lưu truyền rộng rãi. 

Bà Triệu

Phố Bà Triệu (ảnh: Vũ Hưng)

Phố: dài 1,9km; từ phố Hàng Khay - Hồ Gươm chạy cắt ngang các phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du, Trần Nhân Tông, Tuệ Tĩnh, Tô Hiến Thành, Đoàn Trần Nghiệp, Lê Đại Hành, tới đường Đại Cồ Việt.

Đất thuộc các thôn: Vũ Thạch, Phúc Lâm, Phục Cổ, Hồi Mỹ, Long Hồ (tổng Tả Nghiêm) và thôn Thể Giao (tổng Tiền Nghiêm), huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc các phường Tràng Tiền, Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm). Nguyễn Du, Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng). Phố có các di tích: đình - chùa Vũ Thạch ở đầu phố (xếp hạng năm 1986), đình Phụ Khánh và chùa Chân Tiên số 151 (xếp hạng năm 1990), chùa Vân Hồ (xếp hạng năm 1989).

Tên dân gian ngày trước gọi đoạn đầu là phố Hàng Giò, từ ngã tư Trần Hưng Đạo đến ngã năm phố Nguyễn Du là dốc Hàng Kèn hoặc dốc Miếu Cây Thị.

Thời Pháp thuộc là 2 phố: phố Gia Long (đến phố Nguyễn Du); phố Lê Lợi (Đường 75 cũ).

Sau cách mạng: phố Gia Long đổi thành phố Mai Hắc Đế, phố Lê Lợi đổi thành phố Bà Triệu.

Thời tạm chiếm: phố Mai Hắc Đế đổi lại là phố Gia Long.

Sau hoà bình: nhập cả hai phố thành phố Bà Triệu.

Ngõ: ở bên số chẵn phố; đoạn gần cuối phố, thông với phố Nguyễn Bỉnh Khiêm và  phố Tô Hiến Thành. Xưa có tên gọi Trường Bắn.  Thời Pháp thuộc là đường G2 (voie G2).

Bà Triệu: hay Triệu Ẩu (226 - 248) tên thật là Triệu Thị Trinh, người Sơn Trung (Nông Cống - Thanh Hoá), sinh năm 226. Năm 227 cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa chống quân thống trị nhà Ngô, ở Ngàn Nưa, lập căn cứ Bồ Điền (Hậu Lộc), sau bị Lục Dận đem quân sang bao vây. Thế cùng lực tận, bà tuẫn tiết trên ngọn Tùng Sơn (Hậu Lộc - Thanh Hoá), năm 248. Nay ở đó còn lăng mộ và đền thờ bà.

Bạch Đằng

Đường: dài 3,1km; chạy dọc theo bờ nam sông Hồng, nối phố Phúc Tân từ đường Hàm Tử Quan đến cổng Cảng Hà Nội.

Đất bãi của các làng chài Thủy Cơ, sau là thôn Cơ Xá, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nay chạy qua các phường Chương Dương - quận Hoàn Kiếm, phường Bạch Đằng, Thanh Lương - quận Hai Bà Trưng. Miếu Hai Bà Trưng thuộc phường Bạch Đằng là di tích đã xếp hạng năm 1993.

Bạch Đằng: là tên một nhánh thuộc hệ sông Hồng và sông Thái Bình đổ ra cửa Nam Triệu, nơi diễn ra ba lần đánh thắng quân xâm lược phương Bắc trong lịch sử nước ta: năm 938 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, năm 981 Lê Hoàn thắng Tống, năm 1288 Trần Hưng Đạo đại phá quân Mông - Nguyên. 

Bạch Mai

Phố Bạch Mai (ảnh: sưu tầm trên Internet)

Phố: dài 1,4km; từ Ô Cầu Dền (chỗ ngã tư Đại Cồ Việt - phố Huế - Trần Khát Chân - Bạch Mai) đến ngã tư Trung Hiền - chợ Mơ, nối với đường Trương Định.

Đây vốn là đường thiên lý cũ từ phía nam, qua trạm Hoàng Mai vào Kinh thành. Đất phường Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Đời Tự Đức tránh huý, đổi là Bạch Mai. Hai bên phố có nhiều ngõ ngách đi vào các xóm, làng cũ trong vùng Kẻ Mơ.

Nay thuộc các phường Cầu Dền, Bạch Mai, Trương Định, quận Hai Bà Trưng. Trong phố có các di tích đã được xếp hạng:

- Văn chỉ Thọ Xương, đình Đại (năm 1997), chùa Liên Phái (năm 1962), đền, chùa Hương Tuyết (năm 1992).

- Nhà số 154 là nhà cũ của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, một yếu nhân của Đảng Cộng sản Đông Dương những năm mới thành lập.

Bãi

Ngõ: từ phố Cát Linh, chỗ gần ngã tư Giảng Võ – Giang Văn Minh, chạy qua mương Hào Nam.

Đất trại Thịnh Hào, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ, nay thuộc hai phường Cát Linh và Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. 

Bãi Than Vọng

Cách Ngã tư Vọng 300m về phía nam, nay là khu dân cư số 11 phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng. Khu tập thể Văn phòng Quốc hội ở trọn 2 ngõ 255 và 259 phố Vọng.

Bảo Khánh

Phố: dài hơn 100m; từ phố Lê Thái Tổ bên hồ Gươm đến phố Hàng Trống, thẳng trước cửa đình Đông Hương, chạy bên cạnh Toà báo Nhân Dân.

Đất thôn Báo Thiên Tự, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ Sau đổi thành thôn Báo Khánh (thường đọc sai là Bảo Khánh).

Nay thuộc phường Hàng Trống, quân Hoàn Kiếm. Phố có đình Trúc Lâm do dân thợ da làng Chắm dựng, thờ Thành hoàng quê gốc.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Pôchiê (rue Pottier).

Ngõ: từ phố Báo Khánh đi thông sang ngõ Hàng Hành. Thời Pháp thuộc là đường 271 (voie 27), thường gọi nhầm là Bảo Khánh. 

Bảo Linh

Phố: dài 250m; từ trạm bơm nước Phúc Tân ngoài bãi sông Hồng chạy qua trụ sở UBND phường Phúc Tân, vào đến đường Hồng Hà ở cạnh đê Trần Nhật Duật. Nay thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Tên mới đặt tháng 7-1999.

Bảo Linh: tên một thôn cũ - trước gọi là thôn Trừng Thanh Trung Bảo Phiệt - từ ngoài bãi vào đến phố Hàng Thùng bây giờ, thuộc tổng Tả Túc (sau là Phúc Lâm), huyện Thọ Xương. 

Bát Đàn

Phố: gần 250m; nối phố Hàng Bồ đến phố Phùng Hưng, chạy ngang qua ngã tư Hàng Điếu - Hàng Gà và chạm đầu phố đường Thành.

Đất thôn Nhân Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Còn đình Nhân Nội ở số nhà 33. Phố trước chuyên bán bát, đĩa, đồ gốm (còn gọi đồ đàn).

Nay thuộc hai phường Hàng Bồ và Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Hàng Chén (rue Vieille des Tasses). 

Bát Sứ

Phố: gần 200m; từ phố Hàng Vải đến phố Bát Đàn, cắt ngang qua phố Hàng Phèn.

Đất thôn Đông Thành, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Trước chuyên bán đồ sứ. Nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Hàng Chén (rue des Tasses), bao gồm cả phố Hàng Đồng bây giờ. 

Bắc Sơn

Đường: hơn 300m, thẳng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ phố Hoàng Diệu đến đường Độc Lập cạnh quảng trường Ba Đình. Đường đôi, có bồn hoa ở giữa. Đầu đường, năm 1994 xây Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Vốn là đất trong Thành Nội cổ.

Nay thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc là phố Đume (rue Paul Doumer). Sau Cách mạng: đường Nhân Quyền. Thời tạm chiếm: Đường Nguyễn Lâm.

Bắc Sơn: là tên một châu (nay là huyện) thuộc tỉnh Lạng Sơn. Nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp ngày 27-9-1940 do Đảng Cộng sản lãnh đạo, sau bị quân Pháp đàn áp, lực lượng cách mạng rút vào rừng, năm 1941 lập đội du kích Bắc Sơn và chiến khu Bắc Sơn cho tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark