27/01/2012 | 14:54:00

Các đường phố Hà Nội theo vần B (phần 1)

Đa Phúc

Đường: dài 1,2km; vốn là một đoạn quốc lộ 3, từ ngã tư trung tâm thị trấn Sóc Sơn đến hết địa giới thị trấn Sóc Sơn, thuộc thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn. Tên mới đặt 12-2006.

Đa Phúc trước là tên một phủ thuộc tỉnh Phúc Yên, năm 1968 là một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phú, năm 1978 huyện Đa Phúc và Kim Anh nhập thành huyện Sóc Sơn thuộc ngoại thành Hà Nội.

Đa Tôn

Đường: dài 1,6km; từ ngã ba đê Xuân Quan đi vào xã Đa Tốn, qua chợ Bún, trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đa Tốn đến ngã ba cạnh chùa Lê Xá, trên địa bàn xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Đặt tên tháng 6-2008.

Đa Tốn là một xã thuộc huyện Gia Lâm, gồm có 5 thôn: Đào Xuyên, Khoan Tế, Lê Xá, Ngọc Động, Thuận Tốn, vốn là các xã thôn thuộc tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh trước 1945, sau nhập thành xã Đại Hưng, tới năm 1961 thuộc Hà Nội, từ 1965 lấy lại tên cũ Đa Tốn.

Thuận Tốn tên nôm là làng Bún, có chợ. Chùa Đào Xuyên có pho tượng Quan âm thiên thủ, thiên nhãn, niên đại thế kỷ XVI thời Mạc, một tác phẩm điêu khắc tuyệt vời, có thể xếp vào loại tượng cổ kiệt tác ở nước ta.

Đại Cồ Việt

Đường: dài 1,5km; từ Ô Cầu Dền (cuối phố Huế), đầu phố Bạch Mai đến ngã tư Kim Liên - Lê Duẩn - Giải Phóng (cạnh góc tây nam công viên Thống Nhất và trường Đại học bách khoa).

Vốn là đoạn tường thành vòng giữa của La Thành hoặc Đại La Thành bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa, chạy trên đất của nhiều thôn thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng. Thời Pháp thuộc là 3 đoạn đường số 164, 202, 222 (voie 164, 202, 222).

Đại Cồ Việt là quốc hiệu nước ta thời Đinh. Sau khi dẹp xong các sứ quân, thống nhất non sông, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua (Đinh Tiên Hoàng) năm 968; lập đô ở Hoa Tư, Ninh Bình. Quốc hiệu này tiếp tục được nhà Tiền Lê và đầu nhà Lý sử dụng, đến năm 1054 nhà Lý mới đổi là Đại Việt.

Đại La

Phố: dài 750m; từ ngã tư Trung Hiền (cuối phố Bạch Mai) chạy đến ngã tư Vọng cũ, nối với đường Trường Chinh. Phố có nhiều ngõ hai bên.

Vốn là đoạn tường lũy phía nam của vòng ngoài thành Đại La xưa, chạy qua cống Đen trên sông Sét.

Đất của các phường Hồng Mai, Kim Hoa, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương và làng Phương Liệt, huyện Thanh Trì cũ.

Nay thuộc các phường Trương Định, Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng. Chỗ góc ngã tư Vọng trước đây có Sở Vô tuyến điện do Pháp xây dựng.

Thời Pháp thuộc gọi là đường Vòng (route Circulaire). Còn một phố trước gọi là Đại La - Kim Mã, nay là đoạn đầu phố Giảng Võ.

Đại Đồng

Ngõ: ở phố Khâm Thiên, chỗ số nhà 160, rẽ vào làng Văn Chương cũ. Nay thuộc phường Khâm Thiên, quận Đống Đa.

Tên cũ là ngõ Giếng.

Đại Từ

Phố: dài 1,1km; từ quốc lộ 1 rẽ qua cầu Tiên đến cổng làng Đại Từ cũ. Nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Tên mới đặt tháng 8-2005.

Đại Từ là tên xã thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông trước Cách mạng tháng Tám. Sau là một thôn của xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (2004), nằm cạnh đầm Đại còn gọi là đầm Linh Đường, nên làng còn có tên gọi là làng Đầm. Làng thờ một vị thủy thần tên là Bảo Ninh, tương truyền là học trò của thầy Chu Văn An, do giúp dân gọi mưa chống hạn, trái lệnh trời nên đã bị chết nổi xác ở đầm Đại. Dân vớt xác thuồng luồng chôn ở gò cao gần đó và lập miếu thờ thần.

Đào Duy Anh

Phố: dài 610m; từ ngã tư Kim Liên: Đại Cồ Việt - Giải Phóng vào khu tập thể Kim Liên - Trung Tự, đến phố Phạm Ngọc Thạch.

Đất phường Kim Hoa (sau đổi là Kim Liên), tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa.

Phố mới có từ khi xây dựng khu nhà ở Kim Liên, dân tự đặt và có ghi trên bản đồ là phố Kim Liên. Từ năm 1995 mới chính thức mang tên này.

Đào Duy Anh (1904 - 1988) người làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, Hà Đông, nay thuộc Hà Nội, nhà văn hoá, nhà bách khoa thư hiện đại, nhà nghiên cứu sử học, văn học, ngôn ngữ học, tác giả nhiều cuốn tự điển (Hán - Việt, Pháp - Việt, Truyện Kiều) và sách nghiên cứu, lý luận có giá trị. Ông từng tham gia sáng lập báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, làm thư ký toà soạn. 1927 vào Đảng Tân Việt, mở Quan Hải tùng thư - cơ quan tuyên truyền yêu nước của Đảng này. Sau Cách mạng ông giảng dạy ở các trường Đại học Sư phạm, Tổng hợp, rồi về công tác ở Bộ Giáo dục, Viện Sử học. Được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000).

Đào Duy Hưng

Đường: dài 2,4km, từ quốc lộ 3 (đường vào cửa tây khu di tích thành Cổ Loa) đến đường vòng Thành Trung đi đền An Dương Vương, trên đất xã Cổ Loa, Đông Anh.

Đặt tên tháng 6-2008.

Đào Duy Tùng (1924 - 1998) người xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Tháng 4-1945, ông lãnh đạo Việt Minh xã cướp chính quyền huyện, vào Đảng Cộng sản (9-1945) tham gia thường vụ huyện ủy, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh. 1947 Tỉnh ủy viên Phúc Yên. 1949 Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên. 1950 Thường vụ tỉnh ủy rồi Phó Bí thư tỉnh Cao Bằng. 1953 sang Trung Quốc học trường Mác - Lênin, về nước làm Vụ trưởng Vụ Huấn học Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng. 1962 Phó trưởng Ban Tuyên giáo. 1965 kiêm Tổng biên tập tạp chí Học tập. 1976 Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. 1980 Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mác - Lênin. 1981 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa V, VI. 1982 Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. 1986 Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. 1988 Ủy viên Bộ Chính trị. 1991 - 1996 là Thường trực Ban bí thư. Huân chương Độc lập hạng Nhất. Huân chương Hồ Chí Minh.

Đào Duy Từ

Phố: dài 290m; từ cửa Ô Quan Chưởng (Hàng Chiếu), đến phố Lương Ngọc Quyến, cắt ngang qua các ngã tư với phố Nguyễn Văn Siêu - Chợ Gạo, Hàng Buồm - Mã Mây.

Đất các thôn Hương Bài, Kiên Nghĩa, tổng Tả Túc và thôn Ngư Võng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đình, đền Hương Nghĩa ở số nhà 13B.

Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là hai phố: phố Sông Đào cũ (rue de I’an - cien canal) từ Hàng Chiếu đến Hàng Buồm; phố Đào Duy Từ (đoạn còn lại). Sau Cách mạng nhập làm một: phố Ngô Văn Sở. Thời tạm chiếm đổi là phố Đào Duy Từ.

Ngõ: từ phố Đào Duy Từ sang phố Tạ Hiện. Dân quen gọi là ngõ Sầm Công. Thời tạm chiếm còn có lên là ngõ Tôn Thất Yên.

Đào Duy Từ (1572 – 1634) người huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá, con một gia đình nghệ sĩ tuồng vào Đàng Trong theo chúa Sãi chống họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Ông giúp chúa Nguyễn đắp luỹ Thầy (gồm 2 lũy Trường Dực, Nhật Lệ) ở Quảng Bình, được coi là Khai quốc công thần. Tác giả Hổ trướng khu cơ (sách binh pháp), tuồng Sơn Hậu, khúc ngâm, Ngọa Long Cương Văn…

Đào Tấn

Phố Đào Tấn (ảnh: Vũ Hưng)

Phố: dài 900m; từ phố Liễu Giai đến phố Nguyễn Văn Ngọc; lúc đầu chỉ dài 270m, tháng 12-2004 điều chỉnh nối dài thêm 630m đến đường Bưởi. Đi bên cạnh khu khách sạn Daewoo. 

Đất trại Thủ Lệ, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Ngọc Khánh và Cống Vị, quận Ba Đình.

Phố mới đặt tên tháng 1-1998.

Đào Tấn (1845-1907): nhà soạn tuồng lớn nhất nước ta. Ông người phủ Tuy Phước, Bình Định, đỗ cử nhân năm 1867  thời Tự Đức, sung chức Hiệu thư, Thị độc, Nội các, Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ Tĩnh), Công bộ Thượng thư bộ Công.

Tác giả nhiều vở tuồng pho: Diễn Võ đình, Trầm hương các, Hộ anh đàn, Hoàng Phi Hổ quá quan..., nhuận sắc nhiều vở tuồng cổ: Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương... và tập lý luận sân khấu giá trị: Hý trường tuỳ bút.

Đặng Dung 

Phố: dài 300m; từ phố Nguyễn Trường Tộ đến phố Phan Đình Phùng, cắt ngang qua phố Quán Thánh.

Đất thôn Châu Long, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc là hai phố và đường: Điơlơphít (rue Dieulefils); đường 94 (voie 94). Sau Cách mạng nhập lại mang tên này.

Đặng Dung (? – 1414) người Hoá Châu (Quảng Trị) ra ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, là con Đặng Tất. Ông làm tướng cuối đời Trần, từng tham gia các trận Hàm Tử, Yên Mô, Chí Linh, Thái Già năm 1413. Năm sau, ông và vua Trùng Quang bị quân Minh bắt. Trên đường giải về Yên Kinh, cả hai đã nhảy xuống sông tự tử./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark