27/01/2012 | 09:51:00

 Các đường phố Hà Nội theo vần B (phần 2)

Bích Câu

Phố: 210m; từ phố Cát Linh đến phố Đoàn Thị Điểm.

Đất thôn Cận Tú Uyên, phường Bích Câu, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa.

Thời Pháp thuộc là phố Gơrápphơi (rue Graffeuil). Tên mới đặt năm 1964.

Bính Câu: (Ngòi Biếc) nơi diễn ra cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa Tú Uyên và Giáng Kiều, đã được Đoàn Thị Điểm ghi lại trong Truyền kỳ tân phả. Nay còn đền thờ Bích Câu đạo quán ở phố Cát Linh gần đó.  
  
Bồ Đề

Phố: dài 1,2km + 400m từ ngõ 118 Nguyễn Văn Cừ đến đê sông Hồng.

Đất xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm trước đây. Nay thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên. Nối dài thêm 400m từ số 1 ngõ 118 đến số 85 ngõ 118 (12-2006). Tên mới đặt tháng 8-2005.

Bồ Đề nguyên là 4 làng cổ Ái Mộ, Lâm Du, Ngọc Lâm, Phú Viên, thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh trước Cách mạng. 1945 nhập làm xã Hồng Tiến, quận VIII ngoại thành Hà Nội. 1961 trả lại thuộc huyện Gia Lâm. 1964 đổi lên thành xã Bồ Đề. 2004 là quận Long Biên, thuộc nội thành, Bồ Đề trở thành phường. Tên Bồ Đề làm nhớ lại mảnh đất Lê Lợi và Nguyễn Trãi dựng đại bản doanh bao vây quân Minh trong thành Đông Quan, có lập lầu quan sát rất cao trên hai cây bồ đề để nhìn vào thành. Đại bản doanh này được gọi là dinh Bồ Đề, bến sông Hồng ở đây cũng gọi là bến Bồ Đề.

Ca dao cổ có câu:
Nhong phong ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn.
Chùa Bồ Đề là một di tích đã được xếp hạng quốc gia.


Bùi Ngọc Dương


Phố: dài 400m; từ phố Thanh Nhàn qua trường Đảng quận Hai Ba Trưng đến phố Hồng Mai.

Đất phường Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm. huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng. Tên mới đặt tháng 7-1999.

Bùi Ngọc Dương (1943 - 1968): Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 1966, anh tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, rồi tham gia quân đội vào chiến đấu ở miền Nam. Tháng 1-1968, Bùi Ngọc Dương dẫn đội công binh mở đường đánh vào căn cứ chỉ huy của Mỹ ở Khe Sanh. Bị thương nặng vào chân, anh cắn răng chịu đau, tựa tưng vào thành công sự, tiếp tục chỉ huy trận đánh cho đến lúc ngã xuống hy sinh anh dũng.

Bùi Thị Xuân

Phố: dài 730m, từ phố Nguyễn Du đến phố Đoàn Trần Nghiệp: cắt ngang các phố Trần Nhân Tông, Tuệ Tĩnh, Tô Hiến Thành.

Đất các thôn Thuần Mỹ, Đông Hạ, Phúc Lâm Tiểu, tổng Tá Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng. Đình Hồi Mỹ ở số 9. Nhà số 41 từng là nơi ở và làm việc của Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ Hoàng Văn Thụ (1939).

Thời Pháp thuộc là phố Đuyvinhô (rue Duvigneau). Thời tạm chiếm là phố Huyền Trân Công Chúa. Tên mới đổi từ 1964.

Bùi Thị Xuân (? - 1802): người phủ Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, vợ Trần Quang Diệu, cả hai đều là tướng tài của Tây Sơn, lập nhiều võ công. Đến thời vua Quang Toản thất thế, vợ chồng bà và con gái bị Nguyễn Ánh bắt và giết hại năm 1802 bằng voi giày. Bà hy sinh lẫm liệt, giữ tròn tiết tháo. 

Bùi Xương Trạch

Đường: dài 1,5km; từ ngã ba phố Khương Trung – Khương Hạ chạy trên đất phường Khương Đình quận Thanh Xuân đến địa phận phường Định Công quận Hoàng Mai, tháng 8-2005 kéo dài thêm 300m.

Đất xã Khương Đình, huyện Thanh Trì trước đây, nay thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.
Đường mới đặt tên tháng 7 năm 2001, trước dân gọi là đường Xóm Cò.

Bùi Xương Trạch (1451-1528): danh nhân thời Lê sơ, sinh ở làng Định Công, huyện Thanh Trì sau chuyển sang cư ngụ ở làng Thịnh Liệt cùng huyện, lập ra dòng họ Bùi khoa bảng. Ông đỗ tiến sĩ khoa 1478, được cử vào Hàn lâm Viện, làm đến chức Thượng thư Bộ Binh, Đô ngự sử, Tế tửu Quốc Tử Giám, tước quảng Văn hầu, lúc mất truy tặng là Thái phó Quảng quận công. Ông là tác giả bài ký Quảng Văn Đình nổi tiếng. Là một vị quan thanh liêm, kiệm ước. 

Bưởi


Đường: dài gần 2km; từ ngã tư Cầu Giấy qua ngã ba Cống Vị đến chợ Bưởi.

Vốn là vòng thành đất ngoài cùng của thành Đại La xưa, chạy bên bờ đông sông Tô Lịch, thuộc Thập tam trại, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc các phường Ngọc Khánh, Cống Vị, quận Ba Đình; Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.

Kẻ Bưởi là tên gọi vùng đất cổ gồm các phường Yên Thái, Hồ Khẩu, Bái Ân, Nghĩa Đô, Trích Sài của Thăng Long xưa, có nghề làm giấy và dệt lĩnh nổi tiếng.

Tên mới đặt năm 1986./.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark