05/03/2012 | 15:11:00

Các đường phố Hà Nội theo vần C (phần 2)

CẦU ĐẤT

Phố: dài 260m, từ đường Hồng Hà, cạnh đê đường Trần Quang Khải, gần Bảo tàng Lịch sử, đến đường Bạch Đằng ở ngoài đê sông Hồng.

Tên này thành phố chính thức đặt tháng 1-1999.

CẦU ĐÔNG

Phố: gần 150m; từ phố Nguyễn Thiện Thuật đến phố Đồng Xuân, sát cạnh chợ Đồng Xuân, phố mới mở khi xây dựng lại chợ này năm 1991.

Đất phường Đồng Xuân, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ, xưa có cây cầu bắc qua sông Tô và có chợ họp ngay đầu cầu, nên có tên gọi là chợ Cầu Đông. Thời Pháp thuộc lấp đoạn sông Tô này, nhập hai chợ cũ Cầu Đông và Bạch Mã thành chợ Đồng Xuân.

Nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.

Tên mới đặt năm 1991.

CẦU GIẤY

Đường: dài 1,8km; từ ngã ba Voi Phục - Kim Mã – La Thành chạy qua Cầu Giấy trên sông Tô, đến ngã ba với phố Nguyễn Phong Sắc và nối với đường Xuân Thủy.

Đoạn đường thiên lý cũ từ kinh thành lên xứ Đoài, sau là quốc lộ 11, rồi đổi là quốc lộ 32 (Hà Nội - Sơn Tây), chạy trên đất trại Thủ Lệ, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận; xã Yên Hoà và xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức cũ.

Nay thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình; phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy.

Trước đây, phố Cầu Giấy chỉ có đoạn đầu, còn phần sau là phố Dịch Vọng, khi thành lập thị trấn Cầu Giấy mới kéo dài thêm. Tháng 9-1997, quận Cầu Giấy mới thành lập, thị trấn Cầu Giấy đổi tên là phường Quan Hoa, còn phường Cầu Giấy, quận Ba Đình đổi lại thành phường Ngọc Khánh.

Tên mới điều chỉnh lại tháng 1-1998.

Thượng Yên Quyết, một thôn của xã Yên Hoà là làng làm giấy, nên còn có tên nôm là Làng Giấy, thường đem sản phẩm bày bán ở chiếc cầu cổ có mái bắc qua sông Tô cạnh làng nên thành tên Cầu Giấy. Đầu đường có đền cổ Voi Phục thờ Linh Lang, trấn phía tây kinh thành, di tích xếp hạng năm 1962.

Đừng lẫn với Ô Cầu Giấy là tên gọi khác của Ô Thanh Bảo ở phía tây kinh thành, nay là phố Thanh Bảo (xem thêm phố này).

CẦU GỖ

Phố: dài 250m; nối phố Hàng Thùng (ở ngã tư với Hàng Dầu - Hàng Bè) đến giáp góc hai phố Hàng Đào - Hàng Gai, cạnh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Đất hai thôn Nhiễm Thượng và Hương Mính, tổng Hữu Tức, huyện Thọ Xương cũ. Xưa có chiếc cầu gỗ bắc qua con mương nối hồ Thái Cực (Hàng Đào) với hồ Gươm, thời Pháp thuộc lấp hồ Thái Cực và con mương có chiếc cầu gỗ để làm phố. Nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc đã gọi là phố Cầu Gỗ (rue du Pont en bois).

Ngõ: nối phố Gia Ngư với phố Cầu Gỗ, nay là một phần của chợ Hàng Bè.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Nguyễn Trọng Hợp. Sau Cách mạng: phố Trần Cao Vân. Thời tạm chiếm: phố Cao Bá Nha. Từ tháng 6-1994 đổi là ngõ Cầu Gỗ.

CHẢ CÁ

Phố: dài 180m; nối phố Hàng Lược (ở ngã tư Hàng Mã) đến phố Lãn Ông, cắt ngang qua phố Hàng Cá.

Đất thôn Đồng Thuận, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Trước bán sơn ta. Nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Hàng Sơn (rue de la Larue). Sau Cách mạng đối thành phố Chá Cá.

Đầu thế kỷ XX, có nhà họ Đoàn ở số 14, mở hàng bán chả cá ngon nổi tiếng, thường gọi là Hiệu Chả Cá Lã Vọng, do đó sau đặt thành tên phố, Chả Cá đã trở thành món ăn đặc sản của Hà Nội.

CHÂN CẦM

Phố: gần 140m; từ phố Lý Quốc Sư thông sang phố Phủ Doãn.

Đất thôn Chân Tiên và Minh Cầm, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Sau nhập thành thôn Chân Cầm, có nghề làm các loại đàn dân tộc.

Nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc là phố Lagítkê (rue Lagisquet). Sau Cách mạng mang tên này.

CHÂU LONG

Phố: dài 440m từ phố Phó Đức Chính cắt ngang qua phố Nguyễn Trường Tộ đến phố Quán Thánh.

Đất thôn Lạc Chính và Châu Yên, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Châu Yên là tên của 2 thôn Châu Long và Yên Canh sáp nhập.

Đền Lạc Chính ở số 5 thờ Nguyễn Minh Không, ông tổ nghề đúc đồng. Chùa Châu Long ở số 44, đã được xếp hạng năm 1994.

Nay thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Thời Pháp thuộc là 3 đoạn: phố Ăngtoan Bonnê (Antoine Bonnet) ở phía bắc; đường 95 (voie 95) ở giữa; phố Nguyễn Công Trứ, đoạn cuối phía nam. Sau Cách mạng nhập thành một phố mang tên này.

Ngõ: từ phố Cửa Bắc chạy ngang qua phố Châu Long sang phố Đặng Dung. Thời Pháp thuộc cũng gọi là ngõ Châu Long (ruelle Châu Long).

CHIẾN THẮNG

Ngõ: cuối phố Khâm Thiên, bên số 271 rẽ vào thông sang đường đê La Thành. Thuộc phường Thổ Quan, quận Đống Đa,

Tên mới đặt sau hoà bình 1954.

CHÍNH KINH

Phố: dài 450m; từ đường Nguyễn Trãi chạy qua cổng làng Nhân Chính, thôn Cự Chính đến phố Quan Nhân.

Chính Kinh là tên một thôn của xã Nhân Mục Môn (Kẻ Mọc) sau nhập với thôn Cự Lộc thành Cự Chính. Đất xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm trước đây, nay thuộc phường Nhân Chính và Thượng Đình, quận Thanh Xuân.

Trên đồng làng xưa có di tích 7 gò Đống Thây, nơi chôn quân Minh chết trong trận Cầu Mọc năm Bính Ngọ 1426.

Tên mới đặt tháng 1- 1999.

CHỢ GẠO

Phố: chỉ dài 75m; từ đường Trần Nhật Duật (bờ sông) đến phố Đào Duy Từ.

Vốn là cửa sông Tô Lịch nhập vào sông Hồng trước đây, được lấp đi thành phố. Bến sông thuộc giáp Giang Nguyên, thôn Hương Nghĩa, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ, là một trung tâm buôn bán gạo. Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc có tên Quảng trường Thương mại (Place du Commerce).

CHỢ KHÂM THIÊN

Ngõ: dài tới 750m; từ đầu phố Khâm Thiên, cạnh số nhà 15 đi vào tới đường đê La Thành. Chợ ở ngay đầu ngõ. Dọc hai bên ngõ có tới 25 ngõ xương cá, trong đó có những ngõ thông sang nhau, sang các ngõ khác ra ngoài phố Khâm Thiên hoặc ra phố Lê Duẩn.

Bên số chẵn có các ngõ: Hồ Cây Sữa, Khâm Đức, Nam Lai, ngõ Trường Học và một số ngõ mang số.

Bên số lẻ có các ngõ: Đình Tương Thuận, Miếu Chợ, chùa Mỹ Quang, Vạn Ứng, Xã Đằng, Gia Tụ, Đình Trung Phụng, Trung Phụng và một số ngõ mang số.

Trong ngõ có chùa Mỹ Quang, di tích xếp hạng năm 1990.

Đất các thôn Mỹ Đức, tổng Tiền Nghiêm; Trung Phụng, Trung Tự, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc hai phường Khâm Thiên, Trung Phụng, quận Đống Đa. Thời Pháp thuộc gọi là ngõ Chợ. Sau Cách mạng là hai ngõ: Mỹ Đức (từ phố Khâm Thiên đến ngõ Xã Đằng); Trung Phụng (đoạn còn lại đến đê La Thành). Sau hoà bình gọi chung là ngõ Chợ Khâm Thiên.

CHỢ MƠ CŨ

Ngõ: ở phố Bạch Mai (cạnh số nhà 295 rẽ vào), nên cũng gọi là ngõ 295 phố Bạch Mai, nối với phố Bùi Ngọc Dương. Trước đây trong ngõ có chợ Mơ, đến năm 1920 mới chuyển chợ xuống cuối phố như hiện nay. Lúc đầu, chợ này được gọi là chợ Mới Mơ, phiên chính vào các ngày 2, ngày 7 lịch âm. Nay thuộc phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng.

CHU VĂN AN

Phố: dài 500m; từ đường Điện Biên Phủ tới phố Nguyễn Thái Học, cắt ngang qua các phố Lê Hồng Phong, Trần Phú.

Đất Thành Nội cũ.

Nay thuộc phường Điện Biên, Ba Đình. Thời Pháp thuộc là đại lộ Van Vôlenhôven (avenue Van Vollenhoven). Sau Cách mạng: phố Nhâm Diên. Từ thời tạm chiếm mang tên này.

Chu Văn An (1292 - 1370): Nhà giáo, nhà thơ, hiệu Tiều Ẩn, người làng Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Ông đỗ thái học sinh đời Trần Anh Tông (1293 - 1314), không ra làm quan, mở trường dạy học ở Huỳnh Cung bên sông Tô, có nhiều học trò nổi danh. Vua Trần Minh Tông (1313 - 1329) vời ông ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Thấy bọn quan lại vô đạo, ông dâng sớ xin vua Dụ Tông chém 7 tên gian nịnh không được bèn từ quan về ở ẩn và mất ở núi Phượng Hoàng, huyện Chí Linh (Hải Dương). Ông có tập thơ Tiều Ẩn thi tập. Vua Trần cho thờ ông ở Văn Miếu. Đình Thanh Liệt thờ ông làm Thành hoàng làng.

CHÙA BỘC

Phố: dài 730m; từ ngã ba với phố Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch đến ngã tư với phố Tây Sơn - Thái Hà, chạy qua trước cổng chùa Bộc, di tích thờ Quang Trung ở nơi diễn ra chiến thắng Đống Đa lịch sử mùa xuân Kỷ Dậu (1789), đã được xếp hạng năm 1964.

Đất trại Khương Thượng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa. Tên mới đặt năm 1990.

CHÙA HÀ

Phố: dài 800m; từ đường Cầu Giấy đến phố Tô Hiệu, chạy qua trước cổng chùa Hà, trường Tiểu học Dịch Vọng và cạnh hồ Nghĩa Tân.

Đất xã Dịch Vọng, huyên Từ Liêm trước, nay phố thuộc hai phường Dịch Vọng và Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Tên mới đặt tháng 1-2002.

Chùa Hà là di tích lịch sử - cách mạng được xếp hạng 1995. Chùa có tên chữ là Thánh Đức tự ở xóm Bối Hà, Thôn Trung, xã Dịch Vọng cũ. Đây là nơi Thành ủy Hà Nội họp các đội trưởng tự vệ và thanh niên xung phong ngày 15-8-1945, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.

CHÙA HƯNG KÝ

Ngõ: ở phố Minh Khai (cạnh số nhà 228) lối vào làng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì xưa. Nơi có chùa Hưng Ký với phong cách kiến trúc độc đáo, di tích đã xếp hạng năm 1994.

Nay thuộc phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Hưng Ký là tên xưởng gạch ngói ở bờ bắc cầu Đuống của nhà tư sản xây ngôi chùa này./.

(Còn tiếp)

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark