07/03/2012 | 09:03:00

Các đường phố Hà Nội theo vần C (phần 3)

CHÙA HƯƠNG TUYẾT

Ngõ: ở phố Bạch Mai (cạnh số nhà 205 rẽ vào nên còn gọi là ngõ 205), cuối ngõ có chùa Hương Tuyết đã xếp hạng, một di tích cách mạng; là cơ quan liên lạc của Công hội Đỏ Bắc Kỳ và sau là trụ sở Ủy ban lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Avia năm 1929.

Đất phường Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng.

CHÙA LÁNG

Phố: dài 1km; từ phố Nguyễn Chí Thanh đi qua cổng chùa Láng đến đường Láng.

Đất trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, thành Thăng Long sau thuộc huyện Thanh Trì rồi chuyển về Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Xã Yên Lãng (Kẻ Láng) có 3 thôn: Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ; nay thành 2 phường Láng Thượng và Láng Hạ thuộc quận Đống Đa. Phố này ở phường Láng Thượng.

Trước đây, dân làng gọi là Ngõ Giếng, lối chính đi vào, chùa Láng. Tên mới đặt chính thức tháng 7-2001.

Chùa Láng tên chữ là Chiêu Thiền tự, xây dựng từ thế kỷ XII đời Lý Thần Tông (1128 - 1138) ở bên sông Tô. Chùa được tôn là “đệ nhất tùng lâm” của Thăng Long, cảnh quan và kiến trúc rất đẹp. Chùa thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh ở nền nhà cũ của ông. Tương truyền ông tu ở chùa Thầy, đắc đạo, lúc mất đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu, sau được lập làm vua Lý Thần Tông. Di tích lịch sử - văn hoá - kiến trúc này được xếp hạng năm 1962.

Hội Láng mở ngày 7 tháng 3 lịch âm, là một hội lớn của kinh đô.

CHÙA LIÊN

Ngõ: ở phố Bạch Mai (cạnh số 182 rẽ vào), trong có chùa Liên Phái còn gọi Liên Tôn tự, di tích nổi tiếng vì có nhiều ngọn tháp đẹp, đã được xếp hạng năm 1962. Ngõ có lối thông sang ngõ Tô Hoàng.

Đất phường Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng.

CHÙA MỘT CỘT

Phố: dài hơn 500m; từ đường Điện Biên Phủ cắt ngang đường Hùng Vương đến phố Ông Ích Khiêm, ngay cạnh chùa Một Cột - Diên Hựu.

Tên chữ là Liên Hoa đài, di tích kiến trúc độc đáo nổi tiếng của Thăng Long xưa, tương truyền có từ năm 1049 thời Lý: đã được xếp hạng năm 1962. Trước phố kéo dài đến phố Ngọc Hà, nay đoạn cuối nằm trong khu Bảo tàng Hồ Chí Minh. Một bên phố là bãi cỏ, vườn hoa, thuộc quảng trường Ba Đình.

Đất thôn Phụ Bảo, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc là phố Êli Gơrôlô (rue Élie Groleau).

CHÙA NAM ĐỒNG

Ngõ: ở phố Nguyễn Lương Bằng (cạnh nhà 64 rẽ vào), còn gọi ngõ 64. Đây là cổng chùa làng Nam Đồng, có tên chữ là “Càn An tự”, di tích đã xếp hạng năm 1992. Ngõ thông với nhiều ngõ ngách ra phố Nguyễn Lương Bằng, vào các khu tập thể Thịnh Hào, Hoàng Cầu, lên đê La Thành. Nay thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa.

CHÙA NỀN

Ngõ: ở đường Láng rẽ vào chùa Nền, di tích đã được xếp hạng năm 1992.

Tương truyền chùa được xây trên nền nhà cũ của bố mẹ Từ Đạo Hạnh - vị thánh thờ ở chùa Láng cùng thôn. Trước có tên là ngõ Đường Nam (đi vào xóm 1), làng Láng Thượng – làng có nghề trồng rau nổi tiếng kinh kỳ. Đất trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ, sau thuộc huyện Thanh Trì rồi nhập vào Từ Liêm. Nay là nội thành, thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa.

Tên ngõ mới đặt năm 1998.

CHÙA VUA

Phố: dài 260m; từ phố Trần Cao Vân đến đường Trần Khát Chân, cắt ngang qua phố Thịnh Yên, trong khu vực Chợ Trời cũ. Nơi có di tích điện Thiên Đế và chùa Hưng Khánh thờ vua cờ Đế Thích, đã được xếp hạng năm 1992. Hội chùa Vua mở ngày 6 tháng giêng âm lịch, có tục thi đánh cờ người.

Đất thôn Thịnh Yên, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc là đường 332 (voie 332). Sau Cách mạng: phố Đô Lương. Thời tạm chiếm lại gọi phố 332. Tên mới đặt năm 1994.

CHƯƠNG DƯƠNG ĐỘ

Phố: dài 400m; từ bờ sông Hồng chạy qua đường Bạch Đằng vào tới đường Hồng Hà, cạnh đê phố Trần Quang Khái. Phố bãi ngoài đê.

Đất xóm chài Thủy Cơ thôn Đông Trạch, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Chương Dương.

Tên dân gian thường gọi là phố Cầu Đất. Đến thời tạm chiếm mới đặt tên là Dốc Chương Dương Độ. Chương Dương là tên xã bên hữu ngạn sông Hồng thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội.

Chương Dương Độ: là bến Chương Dương, nơi quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của tướng Trần Quang Khải đã chiến thắng quân Mông - Nguyên năm 1285, được nêu trong bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư với câu mở đầu Đoạt sáo Chương Dương độ...

CỔ BI

Đường: dài l,7km, từ ngã tư Trâu Quỳ quốc lộ 5 - phố Ngô Xuân Quảng, chạy qua trường Phổ thông trung học Cao Bá Quát đến dốc Hội. Xã Cổ Bi là vùng đất cổ, thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, năm 1961 là ngoại thành Hà Nội. Có thời kỳ gọi tên là xã Trung Thành. Nơi đây còn dấu tích cung điện Cổ Bi của chúa Trịnh Cương xây dựng năm 1727. Đây là đất địa linh “tam cổ”: Cổ Bi, Cổ Loa, Cổ Pháp - đất phát tích đế vương của trấn Kinh Bắc xưa.

CỔ LOA

Đường: dài 4,8km; từ ngã ba Đống Lủi trên quốc lộ 3 đến cuối đường Cao Lỗ (ngã ba xay xát Đông Quan), thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Tên mới đặt: 12-2006.

Cổ Loa gồm 5 thôn: Cầu Cả, Cổ Loa, Mạch Tràng, Sằn Giả và Thư Cưu, trước đây thuộc huyện Đông Anh, Phúc Yên. Từ 1961 nhập vào Hà Nội. Ở đây còn di tích thành Cổ Loa của An Dương Vương, thế kỷ III TCN, toà thành cổ nhất còn dấu vết đến nay và là vùng di chỉ khảo cổ từ thời hậu kỳ đồ đá cũ với nhiều mộ cổ, tên đồng, trống đồng, được xếp hạng quốc gia năm 1962.

CỔ NHUẾ

Đường: dài 3,2km; từ ngã tư Phạm Văn Đồng - Trần Cung đến ngã ba vào trường Đại học Mỏ - Địa Chất, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Tên mới đặt: 12-2006.

Cổ nhuế là làng cổ có tên Kẻ Noi gồm 4 thôn: Hoàng, Trù, Đống, Viên; có truyền thống hiếu họ và nghề thợ may lâu năm. Trước 1942 thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, sau thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội, trong kháng chiến chống Pháp thuộc quận V ngoại thành. 1961 là xã thuộc huyện Từ Liêm./.

(Còn tiếp)

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark