07/03/2012 | 15:15:00

Các đường phố Hà Nội theo vần C (phần cuối)

CỔ TÂN

Phố: dài 180m; từ phố Lý Đạo Thành đến phố Tràng Tiền, cạnh vườn hoa Nhà hát thành phố.

Đất thôn Thạch Tân, sau bến sông lùi ra xa đổi là Cổ Tân (Bến Cũ), thuộc tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Thống chế phốc (rue Maréchal Foch). Sau Cách mạng và thời tạm chiếm là phố Trương Định. Năm 1964 đổi thành tên này.

CỐNG TRẮNG

Ngõ: ở hai bên phố Khâm Thiên cạnh số nhà 91 và 100 rẽ vào, nguyên là đoạn cống và mương thoát nước từ hồ Văn Chương sang hồ Xã Đàn và sông Kim Ngưu. Do cải tạo Cống Trắng năm 1956 thành ra ngõ có nhà ở hai bên. Trong ngõ có chùa Phụng Thánh, di tích được xếp hạng năm 1988.

Nay thuộc phường Khâm Thiên và Trung Phụng, quận Đống Đa.

CỔNG ĐỤC

Phố: dài 110m; từ cuối phố Hàng Mã thông sang phố Hàng Vải.

Đất thôn Đông Thành Thị, tổng Tiến Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.

Gọi Cổng Đục là vì có cái cổng mở ra ở tường thành phía đông, cuối thế kỷ XIX. Có thuyết cho là Cổng Đục mở ra để đưa thi hài Lý Huệ Tông (tu ở chùa Chân Giáo) ra ngoài thành cổ an táng năm 1226.

Tên dân gian từ xưa. Thời Pháp thuộc còn có tên ngõ Hàng Vải (ruelle Des étoffes).

CỐNG GẠCH

Ngõ: ở phố Bạch Mai (cạnh số nhà 335 rẽ vào). Còn có tên là ngõ Mai Hương cũ (Xem thêm Mai Hương).

Nay thuộc phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng.

CỘT CỜ

Ngõ: ở đường Giải Phóng - trước cửa Bệnh viện Bạch Mai- rẽ vào phường Đồng Tâm, chạy chéo qua phố Lê Thanh Nghị.

Tên dân tự đặt.

CÙ CHÍNH LAN

Phố: dài 600m, từ đường Trường Chinh đến phố Hoàng Văn Thái. Đất sân bay Bạch Mai cũ, thuộc làng Khương Trung, huyện Thanh Trì trước. Nay thuộc phường Khương Mai, quận Thanh Xuân. Tên mới đặt tháng 7-2000.

Cù Chính Lan (1930 - 1952): người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; 15 tuổi đã tham gia cướp chính quyền huyện trong Cách mạng Tháng Tám. 1946 nhập ngũ, làm liên lạc, rồi làm tiểu đội trưởng. Chiến dịch Quang Trung (1950) được nêu gương “Anh hùng tay không diệt giặc”. Chiến dịch Hoà Bình (1951), anh dùng lựu đạn diệt xe tăng địch trên đường số 6. Tháng 2-1952, anh tham gia đánh đồn GôTô, bị cụt hai tay và một chân vẫn anh dũng chỉ huy đến hơi thở cuối cùng. Cù Chính Lan được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1952).

CỰ LỘC

Phố: dài 650m; từ đường Nguyễn Trãi chạy qua ao đình Cự Chính (di tích xếp hạng năm 1990) đến phố Quan Nhân. Cự Lộc là một thôn thuộc xã Nhân Mục Môn (Mọc), tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội. Sau thuộc xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, ngoại thành. Nay thuộc phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân.

Tên mới đặt tháng 7-1999.

CỬA BẮC

Phố: dài 670m, từ đường Yên Phụ đến phố Phan Đình Phùng, cắt ngang các phố Phó Đức Chính, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trường Tộ, Quán Thánh, qua cổng Nhà máy Điện Yên Phụ cũ.

Vốn là con đường cổ từ cửa ô Yên Tĩnh đến cạnh mang cá, cửa chính bắc thành Thăng Long thời Nguyễn, đây là cửa Diệu Đức trông ra hồ Tây của thành Thăng Long thời Lý - Trần.

Đất các thôn Yên Định, Yên Viên, Yên Canh, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Đình Yên Định ở số 18, chùa phố Quang số 29, đình Yên Canh số 48, đình Yên Viên số 66.

Nay thuộc phường Trúc Bạch và phường Quán Thánh, quận Ba Đình. Thời Pháp thuộc gọi là phố Đỗ Hữu Vị.

CỬA ĐÔNG

Phố: dài 230m; từ phố Hàng Gà đến phố Lý Nam Đế, xuyên qua phố Phùng Hưng và cầu cạn đường xe lửa, tới cửa chính đông của thành Thăng Long thời Nguyễn; thời Lý - Trần gọi là cửa Tường Phù, trông ra khu vực chợ Cầu Đông.

Đất thôn Tân Lập, Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.

Tên dân gian trước đây gọi là Cửa Đông - Cổng Tỉnh. Thời Pháp thuộc: đại lộ tướng Bisô (avenue Général Bichot). Sau Cách mạng gọi tên này.

CỬA NAM

Phố: dài 250m; từ góc phố Phan Bội Châu cạnh ngã sáu Cửa Nam đến ngã năm với phố Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Khuyến chỗ chợ Cửa Nam. Một đoạn dài chỉ có một bên phố. Vốn là cạnh cửa đông nam thành nhà Nguyễn, thời Lý - Trần là cửa Đại Hưng - cửa vào triều của các quan, nơi có đình Quảng Văn.

Đất thôn Yên Trung Thượng, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Cử Nam, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Nâyrê (rue Neyret)./.

 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark