03/02/2012 | 16:17:00

Các đường phố Hà Nội theo vần Đ (phần 3)

Đỗ Hành 

Phố: dài 120m; từ phố Yết Kiêu đến đường Lê Duẩn.

Đất thôn Cung Tiên, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Ốttơphơi (rue Hautefeuille). Sau Cách mạng: phố Đặng Đình Nhân. Từ thời tạm chiếm mang tên này, nhưng gọi sai là phố Đỗ Hạnh.

Đỗ Hành (1270 -1293): một tướng tài thời vua Trần Nhân Tông. Ông tham gia trận Bạch Đằng giang ngày 9-4-1288 và bắt được tướng giặc Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc.

Đỗ Ngọc Du

Phố: dài gần 300m, từ phố Nguyễn Công Trứ cắt ngang qua phố Đồng Nhân đến phố Hương Viên, cạnh đền Hai Bà Trưng.

Đất thôn Hoa Viên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Đồng Nhân, Quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc là đường 252 (voie 252). Thời tạm chiếm gọi phố 337. Tên mới đặt năm 1994.

Đỗ Ngọc Du (1907 - 1938): người làng Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. 1926 được Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội cử sang theo lớp huấn luyện cách mạng ở Quảng Châu. Về nước tham gia kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội Bắc Kỳ, Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. 1929 là một trong bảy người lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên và thành lập Đông Dương Cộng sản đảng. Tháng 3-1930 làm Bí thư lâm thời Thành ủy đầu tiên của Hà Nội. Giữa năm ấy, cơ sở vỡ, lánh sang Thượng Hải, ông bị bắt, đày Côn Đảo. 1936 được trả tự do, nhưng mắc bệnh nặng và mất tại Hà Nội.

Đốc Ngữ

Phố: dài 580m; từ đường hoàng Hoa Thám đến chạc ba Đội Cấn - Cống Vị, chạy ngang qua trước cổng vào bãi Quần Ngựa cũ nay là Cung thể thao Quần Ngựa và bệnh viện Quân y 354.

Đất các trại Vĩnh Phúc, Cống Vị, Liễu Giai; thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc hai phường Ngọc Hà và Cống Vị, quận Ba Đình. Tên mới đặt năm 1986.

Nguyễn Đốc Ngữ (1844-1892) hoặc Nguyễn Đình Ngữ - nguyên gốc họ Khuất người làng Xuân Vân, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) làm Đốc binh trong quân ngũ của Hoàng Kế Viêm, từng tham gia đánh trận Cầu Giấy, sau theo Nguyễn Quang Bích chống Pháp. Từ 1890, nghĩa quân song Đà của Đốc Ngữ hoạt động độc lập, đánh đồn Bất Bạt, phá nhà tù Sơn Tây, tập kích chợ Bờ. Bị Pháp vây bắt, ông hy sinh trong trận chiến đấu ở Thanh Sơn (Phú Thọ) ngày 7-8-1892.

Độc Lập 

Đường: dài gần 500m; từ phố Hoàng Văn Thụ đến chỗ nối với đường Điện Biên Phủ.

Thành phố có dự án đặt tên này nhưng chưa được Hội đồng nhân dân chính thức ra quyết định, tuy nhiên trên một số bản đồ và báo chí vẫn gọi là đường Độc Lập.

Đội Cấn


Phố Đội Cấn (ảnh: Vũ Hưng)

Phố: dài hơn 2,8km; từ phố Ngọc Hà đến đường Bưởi, chỗ dốc Cống Vị. 

Vốn là con đường mới do Tây làm năm 1900 dẫn đến bãi Quần Ngựa, xuyên qua vùng Thập tam trại thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Hai bên phố có rất nhiều ngõ đi vào các làng cổ như Ngọc Hà, Đại Yên, Liễu Giai, Cống Vị, Vĩnh Phúc... Phố có chùa Bát Tháp: còn gọi chùa Vạn Bảo và đình Vạn Phúc là hai di tích đã xếp hạng năm 1989. Nay thuộc hai phường Đội Cấn và Cống Vị, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc gọi là đường Quần Ngựa (route du Champ de Courses).

Trịnh Văn Cấn (? - 1918) còn có tên Trịnh Văn Đạt, người xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc bây giờ) làm đội lính khố xanh ở Thái Nguyên, được Lương Ngọc Quyến (bị giam ở đấy) giác ngộ, phát động khởi nghĩa Thái Nguyên đêm 30-8-1917; nhưng sau bị Pháp đàn áp, rút quân vào rừng Vĩnh Yên hoạt động. Tháng 1-1918, thế cùng lực tận, ông tự sát, không chịu để giặc bắt.

Đội Cung

Phố: dài 80m; đúng ra chỉ là một ngõ cộc ở phố Bà Triệu, cạnh số nhà 320 rẽ vào.

Đất thôn Long Hồ, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc gọi là đường L4 (voie L4).

Nguyễn Văn Cung (? - 1941) người Thanh Hoá, đội lính khố xanh đóng tại Vinh. Đầu năm 1941, ông được điều lên thay đồn trưởng người Pháp ở đồn Chợ Rạng (Thanh Chương, Nghệ An). Ông làm binh biến chiếm đồn Đô Lương, rồi kéo về đánh thành Vinh nhưng không thành. Ông bị Pháp bắt và xử tử năm 1941.

Đội Nhân


Phố: dài 300m; từ phố Đốc Ngữ - đoạn lên phố Hoàng Hoa Thám - chạy bên cạnh bệnh viện quân y 354, đến kho lương thực cũ và khu tập thể bộ đội.

Đất trại Cống Vị, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận trước. Nay thuộc phường Cống Vị, quận Ba Đình. Tên mới đặt tháng 7-1999.

Đặng Đình Nhân (1880 - 1908) thường gọi Đội Nhân, người làng Tương Mai, quân nhân thuộc công binh pháo thủ số 5, có tinh thần yêu nước đã tham gia cuộc bạo động đầu độc binh lính Pháp ở trong thành Hà Nội, nhằm phối hợp với nghĩa quân Yên Thế khởi nghĩa vào ngày 27-6-1908. Đội Nhân cùng với Đội Bình, Đội Cốc, Cai Nga cầm đầu vụ “Hà thành đầu độc” này. Cuộc bạo động bị lộ, cả bốn người sa vào tay địch, bị chúng kết án tử hình và xử bắn ngày 8-7-1908.

Đông Các 

Phố: dài 450m; từ phố Nguyễn Lương Bằng cạnh số nhà 34 rẽ vào qua khu lao động Thịnh Hào đến phố Hoàng Cầu. Đông Các là tên một giáp của phường Thịnh Quang trước đây thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận. Nay thuộc phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Đình Đông Các nay ở trong ngõ Đình Đông gần đó.

Tên cũ thường gọi ngõ Lao động Thịnh Hào hoặc ngõ Giếng.

Tên mới đặt tháng 7-1999.

Đông Mỹ

Đường: dài 1,4km; nối tiếp đường Ngũ Hiệp đi qua trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đông Mỹ, trường Tiểu học Đông Mỹ đến ngã ba Đông Trạch, lối lên đê Thanh Trì, trên địa bàn xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì.  Đặt tên tháng 6-2008.

Đông Mỹ là một xã thuộc huyện Thanh Trì, có 2 thôn: Đông Phù, Mỹ Ả. Trước 1945 là đất Đông Phù Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Năm 1961 nhập vào ngoại thành Hà Nội.

Đông Phù là căn cứ của Nguyễn Siêu thời Thập nhị sứ quân (968), nơi đóng đại bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn (1426). Đông Phù tên nôm là làng Nhót, có nghề thủ công làm đồ mỹ nghệ sơn mài, sơn vẽ. Lỵ sở huyện Thanh Trì có một thời đóng ở đây. Đặc sản có giống mơ hai quả dính vào nhau gọi là song mai.

Đông Ngạc

Đường: dài 2,4km; từ cuối đường An Dương Vương đến cống Chèm (xã Thụy Phương), một đoạn đường trên đê hữu ngạn sông Hồng, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm. Tên mới đặt:12-2006.

Đông ngạc có tên nôm là làng Vẽ, một làng khoa bảng nổi tiếng, thời phong kiến có gần 90 người đỗ từ bảng nhãn đến cử nhân. Quê hương của Phan Phu Tiên, Phạm Quang Trạch, Phạm Gia Chuyên, Hoàng Tăng Bí, Hoàng Tích Trí, Hoàng Minh Giám... Trước 1942 thuộc phủ Hoài Đức, Hà Đông, sau thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội, 1942 thuộc quận Quảng Bá có tên Đức Thắng. 1961 về huyện Từ Liêm, sau đổi lại là Đông Ngạc.

Đông Tác

Phố: dài 260m; từ phố Lương Định Của chạy cạnh chợ Kim Liên, vượt cầu qua sông Từ đến phố Tôn Thất Tùng.

Đất phường Kim Hoa (sau đổi thành Kim Liên rồi tách ra một phần thành thôn Đông Tác Trung Tự), tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa.

Tên mới đặt tháng 1-1998. Điều chỉnh kéo dài thêm 50m, tháng 7-1999.

Đông Thái

Phố: dài 70m; từ ngã ba Trần Nhật Duật - Chợ Gạo đến phố Mã Mây, đoạn nối với Hàng Buồm.

Đất giáp Đông Thái, phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, ở cạnh cửa sông Tô xưa. Nay thuộc phường  Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.

Trước có tên dân gian là ngõ Hàng Trứng (trước đây, đoạn phía đông phố Hàng Mắm cũng gọi là Hàng Trứng). Thời pháp thuộc gọi ngõ Đông Thái.

Đông Xuyên

Ngõ: ở phố Huế, cạnh số 257 rẽ vào, còn gọi là ngõ 24 gian. Nay thuộc phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng.

Đồng

Ngõ: ở phố Nguyễn Lương Bằng, cạnh số nhà 233 rẽ vào, thông với khu doanh trại quân đội ở cánh đồng làng Xã Đàn cũ. Đây là lối dân ra đồng nên thành tên. Ngõ thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa.

Đồng Nhân

Phố: dài 250m; từ một Ngạch cộc phía đông cắt ngang qua phố Đỗ Ngọc Du đến phố Lê Gia Đỉnh.

Đất giáp Đồng Nhân thôn Hoa Viên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc là đường 232 (voie 232). Sau Cách mạng: phố Giải Phóng. Thời tạm chiếm đổi là phố Đồng Nhân.

Ngõ: ở số nhà 8 thông sang phố Nguyễn Công Trứ (cạnh số 19).

Đồng Tâm

Ngõ: ở đường Giải Phóng có 3 ngõ cùng tên rẽ vào phường Đồng Tâm, chỗ xế cổng Bệnh viện Bạch Mai.

Đất làng Phương Liệt cũ, tên do dân tự đặt khi hình thành cụm dân cư ở đây sau năm 1954.

Đồng Xuân

Phố: dài 170m; từ ngã tư Hàng Giấy - Hàng Khoai nối với phố Hàng đường ở ngã tư với phố Hàng Mã - Hàng Chiếu, chạy ngang qua trước cổng chợ Đồng Xuân. Đất thôn Nhiễm Trung và phường Đồng Xuân, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Đồng Xuân: chợ lớn nhất thủ đô, xây dựng xong năm 1890 gồm 5 cầu chợ, do Pháp mở mang đô thị đã nhập hai chợ cũ là chợ Bạch Mã (Hàng Buồm), chợ Cầu Đông (Hàng đường) trên sông Tô đã bị lấp và đưa chợ vào đây. Trong 60 ngày đêm Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến, chợ Đồng Xuân là một điểm cuối chiến đấu gan dạ, trận giao tranh ngày 14-2-1947, 19 chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh, đã đưa nơi đây thành một di tích kháng chiến. Vào những năm 1978- 1980, chợ được xây dựng lại ba tầng hiện đại, nhưng vài năm sau bị cháy nên đã phải làm lại toàn bộ vào năm 1995.

Đông Mác

Phố: dài 60m; ở cuối phố Lò Đúc, cạnh số nhà 238, đi từ phố Lò Đúc tới đường Trần Khát Chân.

Đất thôn Cảm Hội (sau là Thọ Lão), tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nơi đây xưa có của ô Ông Mạc, sau là Ô Thanh Láng rồi Ô Lãng Yên, tên dân gian gọi là Ô Đống Mác. Nay thuộc phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc là đường 335 (voie 335). Tên mới đặt năm 1994.
  
Đức Giang

Đường: dài 2,04km; từ đường Ngô Gia Tự (quốc lộ lA) chỗ Ô Cách đi ngang qua kho xăng dầu Đức Giang, đến đê Gia thượng bên sông Hồng.

Đất thôn Đức Giang, xã Thượng Thanh và xã Ngọc Thụỵ, huyện Gia Lâm, sau thuộc phường Đức Giang và Thượng Thanh, quận Long Biên (từ 2004).

Tên mới đặt tháng 7-1996.

Đường Thành

Phố: dài 470m; từ phố Phùng Hưng góc Cửa Đông đến

Phố Hàng Bông, chạy ngang qua trước cửa chợ Hàng Da và rạp hát Hồng Hà.

Vốn là cạnh cửa chính đông thành cổ, nên xưa có lên là phố Cửa Thành. Đất thôn Hữu Đông Môn và Kim Cổ, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Di tích chùa Kim Cổ ở số nhà 73, đã xếp hạng năm 2000. Nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Thành (rue de la Citadelle). Sau Cách mạng chính thức đặt tên này./.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark