25/01/2012 | 15:40:00

Các đường phố Hà Nội theo vần D

Dã Tượng

Phố: dài hơn 100m; từ phố Lý Thường Kiệt (trước cửa Toà án Hà Nội), đến phố Trần Hưng Đạo (trước trụ sở Công an thành phố).

Đất thôn Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Lămbe (rue Lambert).

Ngõ: cùng tên, ở bên số lẻ, ngõ cộc, xưa kia chùa Chân Tiên ở đây.

Dã Tượng là gia tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, từng lập nhiều chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược 1285, 1288. Ông tính tình cương trực, thủy chung, bạn chiến đấu cùng với Yết Kiêu.

Phố Dịch Vọng

Phố: dài 800m; từ đường Cầu Giấy qua Công ty cổ phần Xây dựng số 2 đến hết đường nhựa.

Đất xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm trước. Nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.

Tên mới đặt tháng 7-2000.

Dịch Vọng gồm 3 thôn: Dịch Vọng Tiền, Dịch Vọng Trung, Dịch Vọng Hậu (Vòng Cốm), xưa thuộc tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, đến 1961 nhập vào huyện Từ Liêm. Phủ lỵ Hoài Đức trước đóng ở thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương, năm 1833 dời đến đóng tại xã Dịch Vọng này, sau thành huyện ly Từ Liêm - nay là trụ sở ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy.

Làng Vòng nổi tiếng có đặc sản cốm. Trong phường có ba di tích đã xếp hạng năm 1989: chùa Duệ, chùa Hà ở thôn Tiền, chùa Thánh Chúa ở thôn Hậu.

Phố Doãn Kế Thiện

Phố: dài 660m; từ đường Phạm Văn Đồng (Nam Thăng Long) qua làng trẻ em SOS đến phố Mai Dịch.

Đất làng Mai Dịch, tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức cũ. Sau thuộc huyện Từ Liêm. Nay là phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.

Tên mới đặt tháng 7-2001.

Doãn Kế Thiện (1894 - 1965): có các bút danh: Sở Bảo, Sơn Vân, Long Thành, Tú Sơn, quê xã Phú Mỹ, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay là Hà Nội. Ông học chữ Hán từ nhỏ nhưng không thi cử, chuyên viết báo và gắn bó với công việc nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội. Ông viết cho nhiều báo trước cách mạng như Trung Bắc, Trung Bắc chủ nhật, Tiểu thuyết thứ bảy, Mới, Thực nghiệp, Khai hoá, Công luận... Tác giả các cuốn: Hà Nội cũ, Máu thịt xây thành, Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội, Danh nhân Việt Nam... Ông còn dịch nhiều thơ Đường, thơ Tống. Là một nhân sĩ trí thức đi theo cách mạng, ông đã được cử làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hà Nội trong 10 năm liền (1955 - 1965).

Dương Quảng Hàm


Phố: dài 950m; từ đường Cầu Giấy đi qua trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đến cầu qua mương nối với phố Nguyễn Văn Huyên.

Đất xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm trước. Nay thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy.

Tên mới đặt tháng 7-2000.

Dương Quảng Hàm (1898 - 1946): sinh trong gia đình có truyền thống Nho học ở làng Phú Thị, phủ Khoái Châu – nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm năm 1920, ra dạy học 25 năm ở trường Trung học Bảo hộ (Bưởi).

Sau Cách mạng tháng Tám làm Tổng thanh tra Trung học vụ, Hiệu trưởng trường Chu Văn An. Giáo sư đi tiên phong trong xây dựng nền văn học sử nước nhà. Tác giả bộ sách quý Việt Nam văn học sử yếu (1941) và Việt Nam thi Văn hợp tuyển (1942) - được tái bản 15 lần trong hơn 50 năm qua. Ông đã hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội (12-1946) và được truy tặng là liệt sĩ./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark