06/02/2012 | 10:24:00

Các đường phố Hà Nội theo vần G

Ga Đông Anh

Đường: dài 1,6km; từ quốc lộ 3 vào qua ga Đông Anh đến ngã ba ấp Tó (Uy Nỗ) thuộc thị trấn Đông Anh. Đặt tên tháng 6-2008.

Ga Đông Anh: nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai. Trước đây là tuyến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam do Công ty đường sắt Đông Dương - Vân Nam thi công, thông xe đoạn Hải Phòng - Hà Nội năm 1902, đến Việt Trì năm 1903  và đến Lào Cai 1906. Sau ngày hòa bình lập lại (1954) ta xây dựng đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên - Quán Triều, ga Đông Anh phục vụ hai tuyến đường sắt nói trên.

Ga nằm trên đất thị trấn Đông Anh vốn là đất cắt ra từ các xã Việt Hùng, Nguyên Khê, Tiên Dương, Xuân Nộn và Uy Nỗ. Trong chiến tranh phá hoại (1965 - 1972) ga Đông Anh là một trọng điểm bị máy bay Mỹ hủy diệt nhiều lần. Thời kỳ Cách mạng tháng Tám, chi hộ cộng sản nhà ga đã huy động công nhân cùng với dân các làng lân cận giành chính quyền huyện ngày 21-8-1945, thành lập ủy ban Cách mạng lâm thời và trung đội tự vệ vũ trang Đông Anh.

Gầm Cầu

Phố: dài 400m; từ đường Trần Nhật Duật đến chạc ba phố Hàng Lược - Phùng Hưng, chạy theo hai bên chân cầu cạn đường sắt dẫn lên cầu Long Biên.

Đất thôn Phúc Lâm, tổng Tả Túc và thôn Phủ Từ, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Số nhà 2 là đình Phúc Lâm, còn đình Phủ Từ ở 19 Hàng Lược. Nay thuộc hai phường Đồng Xuân và Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Lơbơlăng (rue Leblanc). Sau Cách mạng: phố Khúc Hạo. Thời tạm chiếm tách thành hai phố: Nguyễn Hữu Huân và phố Gầm Cầu. Từ năm 1964 nhập lại, mang tên này.

Gia Ngư

Phố: dài 270m; từ phố Hàng Bè đến phố Hàng Đào, cắt ngang qua ngõ Cầu Gỗ và phố Đinh Liệt.

Đất hồ Thái Cực lấp đi, thôn Gia Ngư (Hàng Cá), tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là hai phố: phố Tirăng (rue Tirant), đoạn giáp Hàng Bè, dân quen gọi ngõ Gia Ngư. Phố Nguyễn Du (đoạn cuối) Thời tạm chiếm: nhập cả hai phố cũ đặt lên là phố Gia Ngư.

Gia Quất

Phố: dài 600m; từ số nhà 69 ngõ 481 đường Ngọc Lâm đến khu tập thể Trung học đường sắt, phường Thượng Thanh quận Long Biên.  Đặt tên tháng 6-2008.

Gia Quất: Trước Cách mạng tháng Tám là một xã thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm. Bắc Ninh, sau 1954 là một thôn của xã Thượng Thanh, quận VIII, ngoại thành. Năm 1961, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nay thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Thời Pháp thuộc, Gia Quất là một nơi có xóm hát ca trù phục vụ khách làng chơi.

Gia Tụ

Ngõ: ở trong ngõ Chợ Khâm Thiên, có hai ngõ mang tên này: Gia Tụ A và Gia Tụ B.

Giải Phóng

Đường: dài 3.3km; từ cuối phố Lê Duẩn, ở ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt, chạy xuôi về phía nam đến Đuôi Cá – ga Giáp Bát. 

Đây là một đoạn của quốc lộ lA, đất phường Kim Hoa, Hồng Mai, xã Thịnh Liệt, Phương Liệt, huyện Thanh Trì trước.

Nay thuộc phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Giáp Bát, quận Hoàng Mai; phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân. Đoạn cuối trước đây dân tự đặt là phố Giáp Bát. Nay tên này được đặt cho con đường chạy qua làng Giáp Bát cũ.

Tên mới đặt năm 1986.

Giang Văn Minh

Phố: dài 250m; từ phố Kim Mã - góc chùa Kim Sơn và Nhà hát Chèo - đến phố Giảng Võ, nối với phố Cát Linh. 

Đất thôn Thanh Ninh, tổng Yên Thành và thôn Kim Mã, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Kim Mã, quận Ba Đình. Tên phố mới đặt năm 1986.

Giang Văn Minh (1582-1639)  người xã Đường Lâm, Sơn Tây (Hà Nội bây giờ), đỗ thám hoa (1628), đi sứ sang nhà Minh (1637), do có tài đối đáp, giữ thể diện đất nước mà bị vua Minh Sùng Trinh giữ lại và hãm hại. Ông được truy tặng Tả Thị lang bộ Binh, tước Vinh quận công.

Giảng Võ

Phố: dài gần 1,5km; từ phố Nguyễn Thái Học (cạnh trái bến xe Kim Mã, cắt ngang qua ngã tư Phố Giang Văn Minh – Cát Linh, chạy qua trước cổng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ, đến ngã ba Phố láng Hạ - La Thành. 

Đất các trại Kim Mã, Giảng Võ, Hào Nam, tổng Nội và phường Nhược Công, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ. Từ 1964 đến 1998, gồm cả đoạn tường thành phía tây của vòng giữa thành Đại La, quen gọi là đê La Thành. Tháng 1-1999, thành phố điều chỉnh lại, cắt đoạn đê, lập thành đường La Thành. Đầu phố còn lăng Phùng Hưng, di tích đã xếp hạng năm 1982.

Nay thuộc các phường Cát Linh, quận Đống Đa, phường Giảng Võ, Kim Mã, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc chưa có tên phố. Sau hoà bình (1954); các đoạn đầu đến Cát Linh gọi là phố Đại La - Kim Mã; đoạn cuối: đê La Thành,

Từ năm 1964: mang tên này, 1999 cắt đoạn cuối làm đường La Thành.

Đình Giảng Võ thờ Châu Nương - Bà Chúa Kho, di tích xếp hạng năm 1994.

Điện Giảng Võ: được lập cùng với kinh đô Thăng Long (1010), thế kỷ XII đổi thành Giảng Võ trường - nơi huấn luyện quân sự, đến đời Trần trường chuyển đi nơi khác, đây thành Võ Trại.

Giáp Bát

Đường: dài 1,05km: từ đường Giải Phóng đi chéo vào làng Giáp Bát (làng Tám) đến đường Trương Định.

Đất thôn Giáp Bát (nhập hai thôn Giáp Thất và Giáp Bát) của xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, mới vào nội thành năm 1973. Nay thuộc phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai.

Tên đường này năm 1995  đặt là Làng Tám, tháng 7-1996 điều chỉnh lại gọi là Giáp Bát.

Ngõ: 260m; đi chéo từ đường Giáp Bát ra đường Giải Phóng (cạnh số nhà 137), giữa Làng Tám cũ. Tên ngõ đặt năm 1996.

Giáp Nhất

Đường: dài 300m; từ phố Quan Nhân đến đình Giáp Nhất. Đất thôn Giáp Nhất, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm trước. Nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Tên mới đặt tháng 7-2001.

Giáp Nhị

Phố: dài 600m, từ ngõ 751 phố Trương Định đi vào làng Sét, qua trụ sở Ủy ban nhân dân phường Thịnh Liệt đến đình Giáp Nhị. Nay thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Tên mới đặt tháng 8-2005.

Giáp Nhị là tên một thôn của xã Thịnh Liệt, tổng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông trước Cách mạng tháng Tám. Sau thuộc huyện Quỳnh Lôi, Hà Nội, rồi lại thuộc xã Đoàn Kết, huyện Thanh Trì, ngoại thành. Đến năm 1965 mới đổi lại là xã Thịnh Liệt, 2004 là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai.

Giáp Nhị còn có tên nôm là làng Nhì, nơi cư trú của dòng họ Bùi nổi tiếng nho gia văn học như: Bùi Xương Trạch, Bùi Bỉnh Quân, Bùi Huy Bích... nên cũng gọi là thôn Bùi Đông, tên nôm là làng Sét.

Giếng Hậu Khuông

Ngõ: ở phố Bạch Mai (cạnh số nhà 285 rẽ vào), xưa là xóm “Giầu rễ” nơi người làng Mui (Yên Duyên, Thanh Trì) trú ngụ bán trầu không và vỏ quẹt. Nay thuộc phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng.

Giếng Mứt

Ngõ: ở phố Bạch Mai (cạnh số nhà 470 rẽ vào), xế trước chợ Mơ. Đất phường Hồng Mai cũ. Nay thuộc phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng.

Gốc Đề

Ngõ: ở đường Minh Khai (cạnh số nhà 146 rẽ vào) đi tới thôn Đông làng Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai.

Gốc Khế

Ngõ: ở phố Đội Cấn (rẽ vào đầu làng Vạn Phúc). Bản đồ có loại ghi sai là Cốc Khê. Nay thuộc phường Đội Cấn, quận Ba Đình./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark