12/03/2012 | 09:29:00

Các đường phố Hà Nội theo vần H (phần 3)

HÀNG CỎ

Ngõ: ở phố Trần Hưng Đạo, cạnh số nhà 108 rẽ vào. Đoạn cuối phố Trần Hưng Đạo, giáp ga Hà Nội, trước có tên dân gian là phố Hàng Cỏ và nhà ga cũng gọi tên ga Hàng Cỏ. Ngày xưa đây là nơi người cắt cỏ gánh đến bán cho lính chăn ngựa.

Đất thôn Tứ Mỹ, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là xóm Chân Hưng (cité Chân Hưng).
 
HÀNG CÓT

Phố: dài 405m; từ phố Phan Đình Phùng, cạnh vườn Vạn Xuân (tên dân gian là vườn hoa Hàng Đậu) đến phố Hàng Mã, cắt ngang qua phố Gầm Cầu.

Đất thôn Tân Lập Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Chùa Pháp Bảo ở số 44, đình Ngũ giáp ở số 54.

Nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Tacu (rue Takou).

Sau Cách mạng lấy tên phố cổ này.
 
HÀNG DA

Phố: dài 240m, từ phố đường Thành, trước chợ Hàng Da, đến phố Hàng Bông.

Đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi phố Hàng Da (rue des Cuirs), vì xưa ở bãi rộng trước chợ người ta đem bán các loại da trâu, bò…
 
HÀNG DẦU

Phố: 185m; từ phố Hàng Bè đến ngã ba với phố Đinh Tiên Hoàng, chỗ tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” - cạnh đền Bà Kiệu. Đoạn cuối phố này chỉ có nhà một bên số lẻ, nhà cuối cùng mang số 47 là cơ quan Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, sát liền nhà mang số 59 phố Đinh Tiên Hoàng.

Đất thôn Nhiễm Thượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Xưa bán các loại dầu.

Nay thuộc hai phường Hàng Bạc và Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Bên Hồ (rue du Lac).

Sau Cách mạng lấy lại tên phố cổ.
 
HÀNG ĐÀO

Phố: dài 260m; nối phố Hàng Ngang đến đầu Hàng Gai - Cầu Gỗ, cạnh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Xưa có nghề nhuộm điều mà thành tên. Còn di tích đình Hoa Lộc (số 90A) do dân 4 họ ở làng nhuộm Đan Loan, huyện Bình Giang, Hải Dương ra kinh đô lập nghiệp dựng nên thờ tổ nghề. Nhà số 10, năm 1907 là trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhà số 38 trước là đình Đồng Lạc còn bia gọi là đình chợ bán yếm lụa (Quyến yếm thị đình). Vốn là phường Thái Cực đời Lê, sau thuộc đất hai phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Thời Pháp thuộc là phố Tơ Lụa (rue de la Soie). Nhưng dân vẫn quen gọi tên phố cổ Hàng Đào.
 
HÀNG ĐẬU

Phố: dài hơn 270m; từ đường Trần Nhật Duật (chỗ dốc xuống cầu Long Biên) đến vườn hoa Vạn Xuân, nơi có cây nước tròn.

Xưa có nhiều hàng bán các loại đậu hạt- Đầu phố là cửa Ô Phúc Lâm, còn gọi Ô Tiền Trung, Ô Hàng Đậu. Số nhà 79, đầu những năm 70 của thế kỷ XIX là trường Cúc Hiên của tiến sĩ Lê Đình Duyên (hoặc Diên). Số 32 là đình, chùa Nghĩa Lập.

Đất thôn Phúc Lâm, tổng Tả Túc và thôn Nghĩa Lập, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi là phố Hàng Đậu (rue des Graines).

Ngõ: ở cạnh số 58 cùng phố rẽ vào, ngõ thước thợ thông sang phố Hồng Phúc.

HÀNG ĐIẾU

Phố: dài 280m; từ phố Bát Đàn đến phố đường Thành, giáp chợ Hàng Da.

Xưa bán các loại điếu hút thuốc lào mà thành tên. Phố có đền Hoả Thần ở số 30 - di tích xếp hạng năm 1999. Đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi là Hàng Điếu (rue des Pipes).
 
HÀNG ĐỒNG

Phố: gần 130m; từ phố Hàng Mã đến Hàng Vải, cắt ngang phố Lò Rèn.

Xưa là nơi bán đồ đồng do dân làng Cầu Nôm, Hưng Yên đến hành nghề. Đất thôn Yên Phú, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiêm.

Thời Pháp thuộc, phố này nhập với phố Bát Sứ gọi chung là phố Hàng Chén (rue des Tases) tên dân gian là phố Bát Sứ.

Còn tên phố Hàng Đồng (rue du Cuivre) là một đoạn của phố Hàng Mã bây giờ.

Sau Cách mạng tách làm hai phố Hàng Đồng, Bát Sứ.
 
HÀNG ĐƯỜNG

Phố: dài 180m; nối phố Đồng Xuân với phố Hàng Ngang, cắt qua ngã tư phố Hàng Cá - Ngõ Gạch. Vốn là phố bán bánh kẹo, đường mứt.

Số nhà 30B là chùa Cầu Đông, còn gọi Đông Môn tự và đình Đức Môn, di tích có từ thời định đô Thăng Long đã xếp hạng năm 1989; cầu Đông bắc qua sông Tô, có chợ ở cạnh Đất thôn Vĩnh Thái và Đông Hoa nội tự, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi là Hàng đường (rue du Sucre)
 
HÀNG GÀ

Phố: dài 230m; từ phố Hàng Mã đến phố Bát Đàn, cắt ngang qua phố Hàng Vải.

Đất thôn Tân Lập Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Di tích chùa Thái Cam ở số nhà 16A đã xếp hạng năm 1990. Xưa người ta đưa gà vịt đến đây bán cho lính ra mua ở trước Cửa Đông mà thành tên.

Nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Thiên Tân (rue Tien Tsin).

Tên dân gian: Hàng Gà - Cửa Đông (cho khỏi lẫn với dốc Hàng Gà - Chợ Hôm).

Đoạn giáp phố Nhà Hoả còn có tên phố Thuốc Nam.
 
HÀNG GAI

Phố: dài 250m; từ góc phố Hàng Đào, cạnh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến ngã tư phố Hàng Hòm - Hàng Trống, nối với phố Hàng Bông, cắt ngang phố Lương Văn Can.

Xưa bán các loại dây gai, võng gai... Đất phường Đông Hà và Cổ Vũ, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nửa cuối thế kỷ XIX, số nhà 79 là Nha Kinh lược Bắc Kỳ, số 80 là toà Công sứ đầu tiên của Pháp ở Bắc Kỳ. Trước có nhiều nhà in truyện Nôm (bản khắc gỗ) và bán sách, giấy, bút.

Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi là Hàng Gai (rue du Chanvre).

Tên dân gian còn gọi phố Hàng Thừng.

Đoạn đầu phố đến ngõ Tố Tịch, xưa có tên phố Hàng Tiện.
 
HÀNG GIÀY

Phố: dài gần 230m, từ phố Hàng Chiếu đến  phố Lương Ngọc Quyến cắt ngang qua ngã tư Ngõ Gạch – phố Nguyễn Văn Siêu, phố Hàng Buồm - cạnh đền Bạch Mã.

Đất hai thôn Cổ Lương và Hài Tượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là hai phố:

- Đoạn đầu đến ngõ Gạch gọi là Hàng Màn (rue Lataste)

- Đoạn sau là Hàng Giày, sau đổi là phố Nguyễn Duy Hàn

Sau Cách mạng: phố Tán Thuật.

Thời tạm chiếm gọi chung là Hàng Giày.
 
HÀNG GIẤY

Phố: dài 210m; từ Hàng Đậu đến ngã tư phố Đồng Xuân - Hàng khoai, chạy qua dưới cầu cạn đường xe lửa.

Đất phường Đồng Xuân, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đình Đồng Xuân còn ở số 83. Phố có nhiều hàng bán loại giấy bản.

Nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là Hàng Giấy (rue du Papier).
 
HÀNG HÀNH

Ngõ: dài 170m; từ cuối phố Lương Văn Can nối với ngõ Báo Khánh.

Đất thôn Tả Khánh Thụy, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đình Tả Khánh Thụy số nhà 23, còn đình Trúc Lâm ở số 40 thờ tổ nghề da của dân làng Chắm, Văn Lâm lập (di tích xếp hạng) và Nhị Khê Vọng từ ở số 11 thờ tổ nghề tiện của dân Nhị Khê, huyện Thường Tín.

Nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc đã gọi là ngõ Hàng Hành (ruelle des Oignons).
 
HÀNG HÒM

Phố: dài 120m; từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai. Đất thôn Cổ Vũ Thượng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ xương Cũ. Xưa làm Các loại hòm, rương, tráp và đồ gỗ sơn, còn đình Hà Vĩ ở số 11 thờ tổ nghề sơn của dân Hà Vĩ, huyện Thường Tín lập nên.

Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi là Hàng Hòm (rue des Caisses).

HÀNG HƯƠNG

Ngõ: 65m; từ phố Phùng Hưng rẽ ra gầm cầu cạn cho xe lửa, sang phố Lý Nam Đế, giữa có một nhánh cộc. Nơi làm hương trầm của dân làng Đông Lỗ, huyện Kim Động, Hưng Yên.

Đất ven ngoài cửa đông thành cổ.

Nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là xóm Thống chế Giópphơrơ (cite Maréchal Joffre).

(Còn một ngõ Hàng Hương khác chuyên làm hương đen, nay là phố Hàng Cháo).
 
HÀNG KHAY

Phố: dài 160m, chạy cạnh nam hồ Gươm, nối phố Tràng Tiền với phố Tràng Thi. Xưa chuyên làm nghề đồ gỗ khảm, trong đó có các loại khay. Đất thôn Thị Vật và Tô Mộc, tổng Tiền Túc, huyện Xương cũ.
Nay từ thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Thợ Khảm (gồm cả đoạn cuối phố Tràng Tiền) (rue des Incrusteurs). Sau gộp cả phố Tràng Tiền gọi là phố Pôn Be (rue Paul Bert).

Sau Cách mạng: thành hai phố Tràng Tiền, Hàng Khay.

Thời tạm chiếm: phố Anh Quốc (Great Britain Street).

Sau giải phóng: lấy lại tên Hàng Khay.

HÀNG KHOAI

Phố: dài 360m; từ đường Trần Nhật Duật đến phố Hàng Lược, cắt ngang phố Nguyễn Thiếp, chạy bên cạnh trái chợ Đồng Xuân, qua ngã tư phố Hàng Giấy - Đồng Xuân.

Đất thôn Huyền Thiên, Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nơi bán các loại ngũ cốc.

Di tích Huyền Thiên cổ quán ở số nhà 54, nơi tu hành của người theo Đạo giáo, xếp hạng quốc gia năm 2008.

Nay thuộc hai phường Đồng Xuân và Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi phố Hàng Khoai (rue des Tubercules).

Ngõ: có hai ngõ cùng tên mang số 1 và 2 ở trên phố này rẽ vào, cạnh hai bên quán Huyền Thiên./.

(Còn tiếp)

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark