12/03/2012 | 14:42:00

Các đường phố Hà Nội theo vần H (phần 4)

HÀNG LỌNG

Ngõ: ở phố Nguyễn Du, cạnh số nhà 102 rẽ vào.

Đất thôn Cung Tiên, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương trước.

Nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.

Hàng Lọng vốn là tên một phố cổ ở đoạn đầu đường Lê Duẩn bây giờ kéo dài đến ga Hàng Cỏ. Đường giờ mang tên mới, chỉ còn chiếc ngõ này lưu lại tên cũ để nhớ về một phố “hàng” của Hà Nội xưa, chuyên làm các loại tàn, lọng.
 
HÀNG LƯỢC

Phố: dài 265m; từ góc phố Hàng Cót - Gầm Cầu đến phố Hàng Mã.

Đất các thôn Phủ Từ, Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Xưa có các hàng bán các loại lược chải đầu.

Nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.

Giữa phố số 12 có đền Mosquée của đạo Hồi, quen gọi là chùa Tây Đen. Chùa Vĩnh Trù ở số 59, di tích xếp hạng năm 1994. Hàng năm giáp tết cổ truyền. Phố này trở thành chợ hoa.

Tên dân gian gọi là phố Cống Chéo - Hàng Lược (vì trước có chiếc cống bắc chéo ngang số nhà 14 qua sông Tô).

Thời Pháp thuộc gọi là phố Sông Tô Lịch (rue du Sông Tô Lịch).

Sau Cách mạng lấy lại tên phố cổ.
 
HÀNG MÃ
 
Phố: dài 345m; nối phố Hàng Chiếu đến phố Phùng Hưng, cắt ngang ngã ba ngã tư Hàng Lược - Chả Cá, Hàng Đồng – Hàng Rươi, Hàng Gà - Hàng Cót.

Đất thôn Vĩnh Thái, Yên Phú, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đình Yên Phú ở số 56. Phố chuyên bán đồ vàng mã, đầu sư tử, đèn giấy cho tết Trung thu... vẫn còn đến nay.

Nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Hàng Đồng (rue du Cuivre)

Tên dân gian gọi thành hai phố:

- Đoạn đầu là Hàng Mã (còn gọi Hàng Mã trên vì có phố Hàng Mã dưới sau nhập với Hàng Mây thành phố Mã Mây).

- Đoạn cuối là Hàng Đồng.

Sau Cách mạng: gọi chung là phố Hàng Mã (vì đã có tên phố Hàng Đồng đặt cho nửa phố Bát Sứ rồi).
 
HÀNG MÀNH

Phố: dài 150m; từ phố Hàng Nón nối với phố Lý Quốc Sư, ở ngã tư Hàng Bông- Hàng Gai.

Xưa dân làng Giới Tế, Yên Phong, Bắc Ninh đến làm các loại mành. Đất thôn Yên Thái, Kim Bát Thượng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi là phố Hàng Mành (rue des Stores).
 
HÀNG MẮM

Phố: dài gần 190m; từ đường Trần Nhật Duật nối với phố Hàng Bạc ở chạc ba Mã Mây, cắt ngang qua phố Nguyễn Hữu Huân.

Đất thôn Thanh Yên ra cửa ô Ưu Nghĩa, tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Tên dân gian xưa đoạn đầu còn gọi phố Hàng Trứng (khác với ngõ Hàng Trứng nay là phố Đông Thái).

Thời pháp thuộc là phố Hàng Mắm (rue de la Saumure).
 
HÀNG MUỐI

Phố: dài hơn 100m; từ đường Trần Nhật Duật đi chéo đến phố Hàng Mắm.

Đất thôn Trừng Thanh, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ, sát bên sông Hồng, có nhiều thuyền chở muối đem lên bán.

Nay thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi phố Hàng Muối (rue de Sel).
 
HÀNG NGANG

Phố: dài hơn 150m; nối phố Hàng đường đến phố Hàng Đào.

Đất phường Diên Hưng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.

Nhà số 48 là nơi Bác Hồ viết Tuyên  ngôn độc lập năm 1945, đã xếp hạng di tích lịch sử năm 1979.

Tên dân gian cổ còn gọi Hàng Lam, đường Nhân (nơi người Hoa cư trú).

Thời Pháp thuộc gọi phố Người Quảng Đông (còn gọi Việt Đông - rue des Cantonnais).

Sau Cách mạng: Hàng Ngang (lấy tên truyền thống này do hai đầu phố có cổng chặn ngang đường, tối đóng lại thành khu riêng của người Tàu Quảng Đông).
 
HÀNG NÓN

Phố: dài 215m; từ phố Hàng Quạt đến phố đường Thành, cắt ngang qua phố Hàng Điếu.

Đất thôn Yên Nội - Đông Thành, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Tại số nhà 15, phố này, ngày 28-7-1929 đã họp Đại hội thành lập Công hội đỏ Bắc Kỳ.

Xưa đoạn đầu là phố Mã Vĩ (làm phục trang, mũ mãng, cờ quạt cho quan lại và đạo cụ biểu diễn nghệ thuật... những thứ dùng đến đuôi ngựa) cũng gọi là Hàng Nón trên. Đoạn cuối mới là nơi làm và bán các loại nón và gọi là phố Hàng Nón.

Thời Pháp thuộc gộp lại gọi phố Hàng Nón (rue des Chapeaux).
 
HÀNG PHÈN

Phố: dài 100m; từ phố Thuốc Bắc đến phố Hàng Gà, cắt ngang qua phố Bát Sứ. Xưa chuyên bán các loại phèn chua, giấy phèn.

Đất thôn Đông Thành Thị, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc có tên phố Chợ Cũ (rue du Vieux Marché). Bởi trước có chợ Đông Thành ở đây, sau dồn cả vào chợ Đồng Xuân. Từ năm 1945 mang tên này.
 
HÀNG QUẠT

Phố: dài 200m, từ phố Lương Văn Can đến ngã ba Hàng Nón - Hàng Hòm.

Đất thôn Tố Tịch và Thuận Mỹ, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Có đình Xuân Phiến Thị (chợ Quạt mùa xuân), chỗ nhà số 4, thờ Tổ nghề quạt của dân Đào Xá, Ân Thi, Hưng Yên ra cư trú ở đây. Đền Dâu (Thuận Mỹ) ở số 64. Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.

Xưa là hai phố:

- Đoạn đầu phố này và đầu phố Lương Văn Can là Hàng Quạt.

- Đoạn cuối là Hàng Đàn (bán các loại đàn dân tộc và đồ thờ chạm gỗ, sơn).

Thời Pháp thuộc: gộp lại thành phố Hàng Quạt (trừ đoạn phố Lương Văn Can ra).
 
HÀNG RƯƠI

Phố: dài 110m; từ phố Hàng Lược đến phố Hàng Mã.

Đất thôn Vĩnh Trù và Yên Phú, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nơi cứ đến tháng 9, 10 âm lịch, các hàng rươi từ miền ven biển Hải Phòng, Hải Dương đưa lên bán.

Nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi là phố Hàng Rươi (rue des Vers Blancs).
 
HÀNG THAN

Phố: dài 410m; từ đường Yên Phụ tới cây nước tròn Hàng Đậu - Quán Thánh, cắt ngang các phố Phạm Hồng Thái, Hoè Nhai.

Đất xưa là phường Giang Tân, đổi ra Hà Tân rồi Thạch Khối, ở đoạn đầu giáp bãi sông Hồng - nơi có nhiều lò vôi, bán than; cuối phố thuộc thôn Hoè Nhai (tổng Thượng) và Yên Thuận (tổng Yên Thành), huyện Vĩnh Thuận cũ. Đây cũng là vùng Đông Bộ Đầu - nơi tập kích quân Nguyên, đuổi chúng ra khỏi kinh thành mùa xuân năm 1258, được ghi trong bia chùa Hoè Nhai ở số nhà 19, tên chữ là Hồng Phúc tự (chốn tổ của thiền phái Tào Động, nơi lưu giữ mộc bản in kinh Phật) – chùa đã được xếp hạng năm 1989.

Phố này bây giờ tập trung bán các bánh cốm, nổi tiếng có nhà Nguyên Ninh ở số 11.

Nay thuộc phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi là phố Hàng Than (rue du Charbon).
 
HÀNG THIẾC

Phố: dài gần 140m; từ ngã tư Hàng Bồ - Thuốc Bắc - Bát Đàn đến phố Hàng Nón. Nơi sản xuất các loại hàng bằng sắt tây tôn, kẽm, đồng lá.

Đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (rue des Ferblanctiers).
 
HÀNG THỊT

Ngõ: ở cuối phố Hai Bà Trưng, cạnh số 79 rẽ chéo vào, ngõ cộc. Nơi cư trú những người mổ lợn bán ở chợ Cửa Nam trước đây.

Nay thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.
 
HÀNG THÙNG

Phố: dài gần 220m; từ đường Trần Nhật Duật đến phố Hàng Bè, nối với phố Cầu Gỗ, cắt ngang các phố Hàng Tre, Nguyễn Hữu Huân.

Đất thôn Sơ Trang, cửa ô Đông Yên, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nơi làm và bán các loại thùng ghép bằng gỗ, tre gắn sơn ta. Đền Thọ Nam ở số 22.

Nay thuộc hai phường Lý Thái Tổ và Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là hai phố:

- Đoạn đầu đến phố Nguyễn Hữu Huân là phố Phúc Châu (rue Fou Tchéou) sau đổi là phố Rôngđôny (rue Rondony).

- Đoạn cuối là phố Hàng Thùng (rue des Seaux).

Sau Cách mạng: phố Rôngđôny đổi là phố Bình Chuẩn (tên chiếc tàu thuỷ của Bạch Thái Bưởi đỗ ở bến này).

Thời tạm chiếm: nhập hai phố thành Hàng Thùng.
 
HÀNG TRE

Phố: dài hơn 290m; từ phố Hàng Mắm đến phố Lò Sũ, cắt ngang qua ngõ Bạch Thái Bưởi và phố Hàng Thùng.

Đất thôn Trường Thanh, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ. Xưa giáp sông Hồng có nhiều bè tre nứa bán đoạn cuối phố còn gọi là Hàng Cau, sau chuyển vào đầu phố Hàng Bè. Toà án đầu tiên của Hà Nội thời Pháp thuộc trước ở phố này.

Nay thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi là phố Hàng Tre (rue des Bambous).

HÀNG TRỐNG

Phố: dài gần 400m, từ ngã tư giáp ranh Hàng Gai – Hào Bông đến phố Lê Thái Tổ, cạnh phía Tây hồ Gươm.

Đất các thôn Cổ Vũ, Khánh Thụy Hữu, Tự Tháp đều thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Xưa có nghề làm trống, làm tranh dân gian và nghề thêu. Số nhà 82 là đền Đông Hương (còn gọi đền Hàng Trống), số 75 là đình Nam Hương di tích đã xếp hạng. Cuối phố có nhà Khai Trí Tiến Đức, sau hoà bình là Câu lạc bộ Thống Nhất, nay là Trung tâm hướng dẫn Câu lạc bộ, Cục Văn hoá thông tin cơ sở. Toà báo Nhân dân ở số 71.

Nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.

Thời Lý - Trần là phường Tàng Kiếm. Đoạn cuối phố còn có tên phố Hàng Thêu.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Thợ Thêu (rue des Brodeurs), sau đổi là phố Giuyn Phery (rue Jules Ferry).
Sau Cách mạng chính thức gọi phố Hàng Trống./.

(Còn tiếp)

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark