09/03/2012 | 08:19:00

Các đường phố Hà Nội theo vần H (phần 1)

HÀ HỒI

Ngõ xóm: thông ra  ba phố phố Trần Hưng Đạo (cạnh số 75), Trần Quốc Toản (cạnh số 68), Quang Trung (cạnh số 20 và 26), lập thành một xóm có nhiều Ngạch.

Đất đồn Hậu Quân thời Nguyễn. Thời Pháp thuộc là xóm Giôrêghibery (citté Jauréguiberry). Sau Cách mạng gọi là xóm Hà Hồi.

Hà Hồi: tên làng thuộc huyện Thường Tín, cạnh đường thiên lý lai kinh cũ (nay thuộc quốc lộ lA) nơi quân Thanh đóng tiền đồn bảo vệ Thăng Long, đã bị quân Tây Sơn triệt phá đêm 28-1-1789, trên đường giải phóng kinh thành mùa xuân năm Kỷ Dậu.

Thường gọi nhầm là Hạ Hồi.
 
HÀ HUY TẬP

Đường: dài 2,1km; từ ngã ba rẽ vào trường Trung học phổ thông thị trấn Yên Viên đến đầu cầu Đuống phía bắc. Đây vốn là đoạn quốc lộ 1 chạy dọc thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm. Tên mới đặt tháng 7-1999.

Hà Huy Tập (1902 -1941): chiến sĩ cộng sản tiền bối. Ông sinh tại Hà Tĩnh, tham gia cách mạng từ năm 1927, được theo học tại trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva, tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ nhất ở Ma Cao (3/1935) và được bầu là Uỷ viên Trung ương Đảng rồi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1936, ông về Sài Gòn lãnh đạo phong trào cách mạng, tổ chức Hội nghị Trung ương mở rộng tại Bà Điểm – Gia Định (9-1937). Tháng 3-1938, ông bị Pháp bắt giam.

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại (11-1940), ông bị Pháp bắt lần thứ hai, buộc tội âm mưu khởi nghĩa, chúng xử bắn ông và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần… ngày 28-8-1941 tại Bà Điểm.
 
HÀ TRUNG

Phố: dài hơn 200m; từ phố Ngõ Trạm (gần cạnh trái chợ Hàng Da), chạy ngoặt ra phố Phùng Hưng. Xưa có trạm dịch chạy công văn Hà Trung (có nghĩa là trạm dịch của tỉnh Hà Nội ở thôn Yên Trung) lập thời Nguyễn (1832).

Đất thôn Yên Trung Hạ, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Hà Trung (rue Hà Trung). Tên dân gian: Ngõ Trạm Hà Trung hoặc Ngõ Trạm cũ. Còn phố mới lập sau ở bên cạnh gọi là Ngõ Trạm.

Ngõ: ngõ cụt từ phố Phùng Hưng rẽ vào, chạy song song với phố Hà Trung.
 
HẠ ĐÌNH

Phố: dài 600m; từ đường Nguyễn Trãi, chạy qua trước Công ty Bóng Đèn – Phích nước Rạng Đông, Công ty May 40 đến Nhà máy nước Hạ Đình.

Đất thôn Hạ Đình, xã Khương Đình, huyện Thanh Trì trước.

Nay thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Di tích trong phường có đình Vòng, xếp hạng năm 1993; chùa Tam Huyền và lăng Từ Vinh xếp hạng năm 1999. Tên phố mới đặt năm 1990.
 
HAI BÀ TRƯNG

Phố: dài 1,67km; từ phố Lê Thành Tông đến ngã năm chợ Cửa Nam - đường Lê Duẩn, cắt ngang các phố Phan Chu Trinh, Ngô Quyền, Hàng Bài, Bà Triệu, Quang Trung, Quán Sứ, Phan Bội Châu.

Đất Cục Bảo Toàn, các thôn Hàng Bài, Vũ Thạch, tổng Tả Nghiêm, đồn Tả Quân và các thôn Bích Du, Yên Tập, Yên Trung, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Có di tích chùa Bích Lưu (số 64), chùa Thiên Phúc (số 94) – di tích xếp hạng năm 1998.

Nay thuộc các phường Tràng Tiền, Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là đại lộ Rôlăng (boulevard Rollandes). Sau Cách mạng đổi là phố Hai Bà Trưng.

Hai Bà Trưng  tức Trưng Trắc và Trưng Nhị (14 - 43), nữ anh hùng dân tộc,  là hai chị em sinh đôi con Lạc tướng Mê Linh.

Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa ở Hát Môn mùa xuân năm 40, đánh thủ phủ Luy Lâu của quân Hán thống trị, rồi thu lại 65 thành. Trưng Trắc lên làm vua,  lập đô ở Mê Linh (nay là xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội). Năm 42, Mã Viện đem quân sang đàn áp, Hai Bà chống lại không nổi, đã anh dũng tuẫn tiết ở Cấm Khê mùa xuân năm 43.
 
HÀI TƯỢNG

Ngõ: dài 160m; ở phố Tạ Hiện rẽ vào, trước đây còn thông với phố Hàng Giày, vốn là nơi cư ngụ và hành nghề của thợ đóng giày dép da người làng Chắm (Phong Lâm, Tứ Kỳ, Hải Dương) từ thế kỷ XVII - XVIII. Đất thôn Hài Tượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương,

Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.

Tên dân gian là ngõ Hàng Giày. Thời Pháp thuộc gọi ngõ Hài Tượng (ruelle Hài Tượng).
 
HÀM LONG

Phố: dài 560m; từ ngã năm Lò Đúc - Hàn Thuyên đến phố Bà Triệu, xuyên qua ngã tư phố Ngô Quyền - Ngô Thì Nhậm và cắt ngang phố Hàng Bài.

Đất thôn Hàm Châu, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Hàm Long là tên ngôi chùa cổ (còn gọi Hàm Châu tự, đã bị phá huỷ, nằm trong ngõ số 18). Ngôi chùa lớn này xây từ thế kỷ XVII, một trung tâm Phật giáo thời Lê. Cạnh đó, có nhà thờ Hàm Long xây năm 1905. Trong phố còn di tích cách mạng đã xếp hạng năm 1964: nhà số 5D, nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên (tháng 3-1929). Nay thuộc các phường Phan Chu Trinh, Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.
Thời Pháp thuộc gọi là đại lộ Đuđa đờ Lagơtê (boulevard Doudard de Lagreé).

Ngõ: có ba ngõ cùng mang tên này kèm theo số 1- 2 - 3, trong đó có hai ngõ cộc, chỉ có Hàm Long 1 thông sang ngõ Lê Văn Hưu, có tên Pháp thuộc là xóm Thuận Đức (cité Thuận Đức), sau Cách mạng gọi là khu Nghĩa Lộ (cạnh số 13 rẽ vào). Ngõ Hàm Long 2 (cạnh số 23) thời Pháp thuộc là ngõ cộc Đức Khánh (Impasse Đức Khánh), sau Cách mạng đổi là ngõ Văn Thân. Ngõ Hàm Long 3 (cạnh số l0) có tên cũ là xóm Vĩnh Thái (cité Vĩnh Thái).
 
HÀM TỬ QUAN

Phố: dài hơn 400m; từ bờ sông Hồng ngang qua đường Bạch Đằng đến đường Hồng Hà chạy cạnh đê đường Trần Quang Khải. Phố ngoài đê. Đất làng chài Thủy Cơ, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.

Tên dân gian là phố Cầu Đất. Thời pháp thuộc: đê Phelonnô (digue Fellonneau); sau Cách mạng đặt tên phố Hàm Tử Quan.

Cửa Hàm Tử: một địa danh bên bờ trái sông Hồng, thuộc xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, nơi diễn ra trận thắng lớn chống quân Mông - Nguyên xâm lược vào đầu năm 1285 do tướng Trần Nhật Duật cầm binh.
 
HÀN THUYÊN

Phố:  dài 370m; từ ngã sáu phố Trần Hưng Đạo đến ngã năm phố Lò Đúc - Phan Chu Trinh, ngang qua ngã tư với phố Hàng Chuối - Phan Huy Chú.

Đất ven hồ Hữu Vọng, thuộc thôn Nhân Chiêu, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc là phố pavi (rue Pavie).

Ngõ: ngõ cộc ở bên số lẻ phố này rẽ vào, thời Pháp thuộc gọi là ngõ cộc Pavi (impasse Pavie).

Hàn Thuyên: tên thật là Nguyễn Thuyên (thế kỷ XIII), người làng Lai Hạ, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương nay thuộc huyện Lang Tài, Bắc Ninh, đỗ thái học sinh năm l247, làm tới Thượng thư Bộ Hình. Nổi tiếng nhờ bài Văn tế cá sấu (còn có ý kiến cho là Văn tế cá sấu ở sông Lô) thời Trần Nhân Tông. Ông là người đi đầu làm thơ Nôm theo luật đường do Hàn Dũ khởi xướng ở Trung Quốc, nên được nhà vua cho đổi sang họ Hàn.
 
HÀNG BẠC

Phố: dài 280m; từ cuối phố Hàng Mắm - ngã ba với phố Mã Mây, chạy ngang qua ngã tư với phố Tạ Hiện - Đinh Liệt, đến chỗ giáp ranh hai phố Hàng Đào - Hàng Ngang.

Đất phường Đông Các xưa, sau là các thôn Đông Thọ, Dũng Hãn, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nơi có nghề đúc bạc, làm kim hoàn và đổi tiền. Rạp hát Hàng Bạc ở số 74 có tên rạp Văn Lang (sau là Kim Chung, Chuông Vàng), nơi Quyết tử quân Liên khu 1 làm lễ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ngày 14-1-1947, thời kỳ Hà Nội kháng chiến chống Pháp. Đình Kim Ngân thờ tổ nghề ở số 42.

Nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Những người Đổi Bạc (rue des Changeurs). Tên dân gian: phố Hàng Bạc, thành tên chính thức sau Cách mạng./.

(Còn tiếp)

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark