29/04/2019 | 14:06:00

Các ‘ông lớn’ FDI tiếp tục rót vốn vào ngành bán lẻ của Việt Nam

BigC là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư và mở rộng thị phần tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều vụ mua bán sáp nhập cũng như tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2018 ước tính đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2017.

Đáng chú ý, theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài vẫn coi ngành bán lẻ của Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn và đang có xu hướng mở rộng quy mô đầu tư lẫn thị phần.

Bà Lê Việt Nga đã có một số trao đổi với phóng viên để hiểu rõ hơn về lĩnh vực bán lẻ và những định hướng từ phía cơ quan nhà nước nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng, giúp các doanh nghiệp cùng phát triển.

- Thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian vừa qua có gì nổi bật, thưa bà?

Bà Lê Việt Nga: Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn, xấp xỉ 100 triệu người.

Đáng chú ý, cơ cấu dân số trẻ với 60% dân số ở độ tuổi 18-50 là độ tuổi thích mua sắm. Cùng với đó, dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020, trong đó tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại tuy còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực nhưng ở Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất nhanh.

Thời gian gần đây, có thể thấy thị trường bán lẻ đã có sự phát triển mạnh mẽ do nền kinh tế được phục hồi và đang trên đà lấy lại tốc độ tăng trưởng cao. Số lượng doanh nghiệp tăng cao, ngành sản xuất phục hồi nên sản phẩm cung cấp cho ngành bán lẻ cũng tăng…

Kết quả của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như cải thiện việc thu hút đầu tư nước ngoài và khối ngoại trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng tăng cao.

Có thể thấy trên kênh bán lẻ hiện đại thì Saigon Co.op đang đi đầu về doanh thu năm 2018, đạt xấp xỉ 32.000 tỷ đồng; Vinmart và Vinmart+ cũng đang đứng đầu về hiện diện tại 63 tỉnh, thành, hiện đã có hơn 100 siêu thị Vinmart, cùng với 1.700 Vinmart+ và 66 trung tâm Vincommerce…

Về phân phối của khu vực FDI, tổng mức bán lẻ đi đầu vẫn là BigC với 36 siêu thị tại Việt Nam, dự kiến tăng lên 40 siêu thị vào năm 2019. Hiện BigC đang tham gia mạnh mẽ vào các chương trình tiêu thụ hàng hóa cho các địa phương, đặc sản của các địa phương… nhờ vậy mà doanh số của BigC đã bằng một nửa của Saigon Co.op.

Còn Aeon cũng đã có cam kết với Bộ Công Thương đến năm 2020 xuất khẩu được tối thiểu 500 USD/năm sang hệ thống của doanh nghiệp này trên toàn thế giới, dự báo nâng lên mức 1 tỷ USD vào 2025.

Đáng chú ý, thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ năm 2009, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các kênh phân phối bán lẻ truyền thống và hiện đại đang rất khả quan và tăng lên.

Đơn cử những năm đầu triển khai Cuộc vận động thì tỷ lệ hàng ngoại chiếm 60-70% và bây giờ con số đảo lại, chỉ tính riêng BigC và Saigon Co.op thì con số hàng Việt chiếm trên 90%, trong khi các doanh nghiệp khác thì tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 70-80%.

Cac ‘ong lon’ FDI tiep tuc rot von vao nganh ban le cua Viet Nam hinh anh 2Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Bà đánh giá thế nào về việc bùng nổ các cửa hàng tiện lợi trong thời gian qua?

Bà Lê Việt Nga: Thời gian qua, việc các cửa hàng tiện lợi phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt tại các thành phố lớn với mật độ dân cư đông đúc và là thị trường rất mở cũng như phát triển tốt.

Tại Nhật Bản cứ 500 mét họ phát triển một cửa hàng tiện lợi, dân số và văn hóa tiêu dùng của họ cũng tương tự như ở Việt Nam, do vậy việc phát triển kênh này được đánh giá rất tốt.

Còn ở trong nước, thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư mở rộng các cửa hàng tiện lợi, đi đầu là Vinmart với 1.700 cửa hàng vào cuối 2018, dự báo sẽ nâng lên 4.000 trên phạm vi toàn quốc và theo tôi đây là cách hoạt động rất  tốt.

Trong khi đó, Saigon Co.op và nhiều hệ thống doanh nghiệp khác cũng đang bắt đầu mở rộng thêm loại hình theo hướng tiện lợi.

- Liệu việc phát triển như vậy, theo bà các cửa hàng tiện lợi tăng trưởng có quá “nóng” không?

Bà Lê Việt Nga: Theo tôi, không phải chỉ phụ thuộc vào việc tăng quá “nóng” hay không mà phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, bởi lẽ chỉ trong vòng 3 tháng, nếu hoạt động không hiệu quả chắc chắn doanh nghiệp sẽ đóng cửa, trong khi với việc tăng trưởng tốt như vậy, có lẽ thị trường đang đi đúng hướng.

- Với sự phát triển của các cửa hàng tiện lợi như vừa qua, bà dự báo thế nào về các kênh bán lẻ truyền thống?

Bà Lê Việt Nga: Theo tôi đây là hai phân khúc khác nhau, chợ truyền thống là nơi tập trung rất nhiều hàng hóa mà ở đó người tiêu dùng không chỉ mua được các mặt hàng thực phẩm thiết yếu mà còn có thể mua được các sản phẩm rất bình dân như gia vị  và có cơ hội để giao tiếp cộng đồng. Do vậy, chợ truyền thống là nơi giao lưu văn hóa nữa.

Nếu người tiêu dùng thích ra chợ để được mặc cả, giao tiếp và nói chuyện với cư dân trong vùng của mình thì họ sẽ chọn đi chợ truyền thống. Ví dụ cửa hàng tiện lợi giới hạn khoảng 1.000 mặt hàng thì tại chợ truyền thống có thể lên đến hàng chục ngàn sản phẩm khác nhau.

Thêm vào đó, giá thành ở cửa hàng tiện lợi cũng có thể cao hơn tại chợ truyền thống và phân khúc của cửa hàng tiện lợi thường ở mức trung bình khá trở lên, khách hàng đến cửa hàng tiện lợi cũng với mong muốn mua hàng hóa với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thậm chí có thương hiệu và nó đang đi lên với mức sống và thu nhập của người dân.

Cac ‘ong lon’ FDI tiep tuc rot von vao nganh ban le cua Viet Nam hinh anh 3Vinmart và Vinmart+ đang đứng đầu về hiện diện tại 63 tỉnh, thành. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Vậy Bộ Công Thương có dự báo thế nào về phân khúc cửa hàng tiện lợi?

Bà Lê Việt Nga: Bộ Công Thương đang đi theo hướng mở rộng để thu hút đầu tư kể cả vốn trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực này vì đây là kênh có nhiều ưu việt so với nhiều kênh phân phối khác vì nó phù hợp với các khu đô thị mà cần phải có những tiện ích về thương mại để tránh tắc đường khi phải đi mua hàng xa hay khắc phục một số tồn tại về môi trường và rác thải như tại chợ truyền thống…

Đây là mô hình mở rộng mới mà thông qua Nghị định 09/CP được ban hành năm 2018, trong đó có một điểm nhấn là coi cửa hàng tiện lợi và siêu thị Mini Mart dưới 500 mét vuống sẽ không phải áp ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

- Xin cảm ơn bà./.

Đức Duy (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark