16/11/2012 | 09:51:00

Cảm thụ thẩm mỹ người Hà Nội và văn hóa gia đình

Cảm thụ thẩm mỹ của người Hà Nội trong lĩnh vực ứng xử văn hóa ở gia đình có nhiều nét tương đồng với các vùng, miền khác trong cả nước, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt do truyền thống, tâm lý, trình độ dân trí, vị trí địa lý chi phối. Thăng Long - Hà Nội lại là nơi định đô của nhiều triều đại và ngày nay là Thủ đô của đất nước, nên những đặc điểm cũng nổi trội hơn các vùng, miền. Để triển khai đề tài này, chúng tôi tập trung vào ba nội dung sau:

I. Truyền thống cảm thụ cái đẹp, cái thiện của người Hà Thành và văn hóa ứng xử gia đình

Văn hóa ứng xử trong gia đình là hệ giá trị chân chính về đạo đức, nhân phẩm, khuôn mẫu, nghi thức lễ nghĩa và những giá trị nhân văn trong gia đình người Việt có cấu trúc hệ thống: Tục nhà, Lệ làng, Phép nước. Nói tục nhà tức là nói đến gia pháp, gia phong của người bình dân cho đến của quan lại, vua chúa. Gia pháp nhà Trần rất nghiêm về danh phận trên - dưới, kỷ cương trong - ngoài. Tác giả cuốn Việt sử tiêu án viết rằng: “Gốc thiên hạ ở tại gia đình, có dạy bảo được gia đình nhiên hậu mới dạy được người trong nước...; xem như vua Anh Tôn thờ cha mẹ kính cẩn, xử với họ hàng hòa thuận, vua Nhân Tôn khen là có hiếu. Vua Minh Tôn noi theo nếp ấy, trong nước được văn minh chính trị, dân được giàu có thuần hậu; đó chẳng phải là gốc bởi tu thân tề gia là gì?([1]). Và kể tiếp rằng, “Hoàng phi Huy Tư là vợ vua Anh Tôn và mẹ của vua Minh Tôn, đương thời vua Anh Tôn trị vì, cái kiệu của hoàng phi đi là của Bảo Từ hoàng hậu ban cho; vua Anh Tôn cho là không phải phép, chưa đáng được đi, không được dùng”([2]). Trong Gia huấn ca của Nguyễn Trãi có sáu bài ca viết theo thể lục bát, có câu bảy chữ, dễ đọc, dễ thuộc là cốt làm cho dân trăm họ ai ai cũng có thể cảm nhận được cái Đẹp, cái Thiện của nội dung: Dạy vợ con; dạy con ở cho có đức; dạy con gái; vợ khuyên chồng; dạy học trò ở cho có đạo; khuyên học trò phải chăm học.

Ở Thăng Long - Hà Nội, nếp sống thanh lịch trong ứng xử văn hóa gia đình được ghi lại trong điều ước, tục lệ, hương ước của nhiều phường và làng. Hương ước phường Xã Đàn ghi rõ: “...Dạy lòng kính để tôn trọng thánh thần, dạy lòng thuận để cho phong tục thuần hậu, dạy lòng hiếu để biết coi trọng nhân luân, dạy lòng đễ để biết phân biệt lớn, nhỏ khiến cho luân lý có trước có sau. Thận trọng suốt đời mà luôn ghi nhớ công lao người đi trước, tất cả những điều này chẳng gì không lấy dân làm gốc...([3]) Tục lệ phường Kim Mã thì nhấn mạnh: Đối với người già cả thì bất cứ ở đâu cũng được kính trọng, “cứ 10 năm một lần vào rằm tháng Giêng biếu cho những cụ từ 70 tuổi trở lên mỗi người một chiếc mũ lụa màu vàng”([4]), đối với học trò thì đến tuổi đi học được miễn các việc như tuần phu, điếm phu để tập trung vào việc học hành. Ai gia cảnh nghèo khó nhưng hiếu học làng sẽ trích tiền công để chu cấp”([5]).

Từ khi giành được độc lập, ngay từ những năm sau Cách mạng tháng Tám. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tới văn hóa ứng xử gia đình. Trong tác phẩm Đời sống mới với bút danh Tân Sinh (1947), Bác Hồ đã đề cập tới nhiều bình diện của phong tục thuần mỹ, tập quán, nếp sống của gia đình, làng, cộng đồng dưới dạng vấn - đáp một cách dễ hiểu: “Hỏi: Vậy đời sống mới trong một nhà như thế nào? Đáp: Mỗi người làm đúng theo đời sống mới thì đời sống mới trong một nhà cũng dễ dàng thôi... Về tinh thần thì phải trên thuận dưới hòa, không thiên tư, thiên ái. Bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng. Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm phải ăn đều, tiêu sòng, có kế hoạch, có ngăn nắp; cưới hỏi giỗ tốt nên giản đơn, tiết kiệm; Trong nhà, ngoài vườn luôn luôn sạch sẽ gọn gàng; Đối với xóm giềng phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ; Đối với việc làng, việc nước, phải hăng hái làm gương; Người trong nhà ai cũng biết chữ; Luôn luôn cố gắng làm cho nhà mình thành nhà kiểu mẫu trong làng...”([6]). Tháng 10 - 1959, trong bài nói tại Hội nghị dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Người nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội... gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình...”. Ý tưởng của Người tỏa sáng nhiều nét đẹp, điều thiện của con người, của dân tộc. Khi gần 80 tuổi, Bác vẫn không quên nhắc mọi người nhớ chữ Hiếu trong gia đình đối với bố mẹ, trong quan hệ trung với nước, hiếu với dân, khuyên mọi người học tập truyền thống đức độ, nếp sống thanh lịch của cha ông, và thường dẫn câu chuyện ông Tử Lộ nhà nghèo, đội gạo thuê nuôi mẹ đã ghi lại trong sách giáo khoa để giáo dục thế hệ trẻ. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa gia đình, văn hóa phong tục Đảng và Nhà nước ta đã công bố và phát động phong trào Xây dựng gia đình văn hóa. Văn hóa gia đình đã trở thành một phạm trù khoa học trong đời sống học thuật Nghị quyết Đại hội VIII (1996) ghi rõ: “Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào vững mạnh của xã hội, là tổ ấm của mọi người. Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Phần IV Nghị quyết Đại hội IX của Đảng: Đường lối và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội cũng ghi: “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mọi người và là tế bào lành mạnh của xã hội...”.

Vậy những cái đẹp, cái thiện là những giá trị bền vững của văn hóa ứng xử gia đình nằm ở đâu và có những truyền thống gì?

1. Truyền thống thờ cúng tổ tiên

Thờ cúng tổ tiên là một mỹ tục của người Việt Nam, một thứ “đạo nhà” được phổ biến từ nhiều thế kỷ. Sách Trung dung có câu: “Thờ cha mẹ lúc chết cũng như lúc còn sống, ấy là điều hiếu rất mực vậy”. Các nhà nho chính thống không nói linh hồn bất tử mà chú trọng thờ tổ trên, ông bà, cha mẹ bên cạnh thờ thần linh. Thờ tổ tiên là một nét đẹp, một hiện tượng hiếu để làm gương cho con cháu đời sau. Cứ mỗi lần đứng trước bàn thờ tổ trên, được bài trí nghiêm trang, mùi hương trầm nghi ngút, con cháu chắp tay lên ngực để cầu khấn cho linh hồn các cụ siêu thoát, mong muốn các cụ phù hộ, độ trì cho con cháu gặp may mắn. Nghi thức thờ cúng, lễ vật hiến dâng người đã khuất ở mỗi gia đình mỗi kiểu, nhưng đều gặp nhau ở lòng thành: Mong cho người đã khuất mồ yên mả đẹp, cầu cho người còn sống an khang, thịnh vượng. Thờ tổ tiên là mỹ tục ăn sâu vào tâm tư, tình cảm người Việt Nam. Chính vì vậy mà dù vật đổi sao dời, đất nước hòa bình hay loạn lạc, ở trong nước hay ở chân trời góc bể, công dân Việt Nam đều coi việc thờ cúng là điều hệ trọng, nhất là vào những ngày rằm, đầu tháng, cuối tháng, giỗ chạp. Ở Thăng Long – Hà Nội, trong vòng 50 năm trở lại đây, cứ nhìn vào bất cứ gia đình nào mà xem: Nội dung cầu khấn, thiết chế thờ cúng, nghi thức bái lạy, lễ vật dâng cúng... đều có thể thay đổi ít nhiều, nhưng lòng tin thì không thay đổi, ý thức gia đình, ý thức tông tộc thì không thay đổi. Ngày giỗ là ngày kỷ niệm, là dịp sum họp gia đình, họ hàng được gắn bó với nhau bởi dòng tộc, máu mủ. Trong việc thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam không có chuyện mê tín dị đoan mà là một tín hiệu của điều Thiện.

2. Truyền thống hiếu học của người Hà Thành

Thăng Long - Hà Nội là vùng đất văn hiến, có truyền thống hiếu học lâu đời, là nơi hội tụ nhân tài, có nhiều thầy giỏi. Nhiều thầy giáo có hàng trăm học trò đỗ đạt, tiêu biểu là Chu Văn An, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan, Nguyễn Đình Trụ, Vũ Thành,... Ở một vài dòng họ như Nguyễn Huy (làng Phú Thị), họ Đỗ có truyền thống dạy nhau trong gia đình mà đỗ tới tiến sĩ. Nhiều làng có kinh tế phát triển nhờ nghề thủ công, hoặc ở gần đường giao thông, gần chợ nên đời sống khá giả đã tạo điều kiện cho con em ăn học đến nơi đến chốn như các làng: Đông Ngạc, Phú Thị, Bát Tràng, Tây Mỗ, Yên Quyết... Ở Thăng Long - Hà Nội, việc hiếu học còn là kết quả của quá trình mưu sinh, của danh dự gia đình, dòng họ, ước mơ đổi đời dưới xã hội cũ. Câu chuyện cảm động về cụ Đôn Thận (bố Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận) ở Phú Thị khi lâm bệnh nặng đã trăng trối với con rằng, hãy dùng tài sản duy nhất là ba sào ruộng vào việc chi phí đèn sách cho con, chứ không cần sắm quan tài cho cụ. Có nơi truyền thống hiếu học dẫn đến sự “khổ học”. Nhà giàu cho con đi học đã đành, ngay cả nhà chưa đủ ăn, thậm chí nghèo vẫn cho con đi học để bằng anh, bằng em.

3. Truyền thống gia phong, gia lễ

Nho giáo tổng kết: Đạo làm người quân tử trước hết phải biết tu thân, tề gia, rồi sau đó mới đến trị quốc, bình thiên hạ tức là nói như ngôn ngữ hiện đại là phải biết quản lý, lãnh đạo đất nước, nhân dân. Những câu thành ngữ về gia phong, gia lễ được đúc kết từ lâu vẫn tồn tại bền vững cho đến hôm nay, và có thể đến mai sau. Trong quan hệ của con cháu đối với bố mẹ, ông bà là “gọi dạ, bảo vâng”, “đi thưa, về trình”; trong quan hệ của người bề dưới đối với bề trên là: “kính lão đắc thọ”; cách ứng xử của anh chị em là “kính trên, nhường dưới”, “chị ngã, em nâng”. Trong quan hệ vợ chồng là “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”; “Một điều nhịn là chín điều lành”. Ngày nay, nói đến gia phong, gia lễ là nói đến các giá trị bền vững làm hạt nhân cho xã hội ổn định. Vai trò của gia đình hết sức quan trọng, nếu không nói là quan trọng số một, bởi nếu gia đình không ổn định thì nói chi đến sự ổn định của xã hội? Trước đây, mâu thuẫn trong gia đình phát sinh và được điều chỉnh chủ yếu thông qua các hệ đạo đức, tâm lý, tình cảm giữa ông bà, cha mẹ, con cái cháu chắt. Chuyện trong gia đình thường xoay quanh chữ hiếu.

II. Thực trạng cảm thụ thẩm mỹ của người Hà Nội trong lĩnh vực văn hóa ứng xử trong gia đình

Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vấn đề văn hóa ứng xử trong gia đình bị chi phối bởi các nhân tố: kinh tế, văn hóa vật chất, pháp luật, lối sống, chất lượng sống, vấn đề công danh, mưu sinh lập nghiệp và do đó, thị hiếu, cảm thụ thẩm mỹ, sở thích giải trí... cũng có nhiều thay đổi. Mức sống của người Hà Nội vào mươi năm gần đây cũng được nâng cao. Xin nêu vài con số: Chỉ số GDP bình quân đầu người tăng từ 446 USD (năm 1990) lên gần 1.000 USD (năm 2003). Hệ thống thông tin di động, Internet ngày càng mở rộng, toàn Thành phố đạt 33 máy điện thoại/l00 dân. Trong ba năm 2001 - 2003, Hà Nội đã xây mới gần 3 triệu m2 nhà ở cho hàng chục nghìn tổ ấm gia đình. Một số khu đô thị đồng bộ, hiện đại đã và đang xây dựng ở Linh Đàm, Định Công, Trung Hòa, Mỹ Đình...([7]) Hà Nội đang đẹp hơn, xanh hơn, sạch hơn, đàng hoàng hơn và tầm nhìn cũng rộng lớn hơn. Kinh tế ngoại thành Hà Nội phát triển với tốc độ nhanh, hộ giàu tăng lên trên 30%, hộ nghèo giảm dưới 1%. Diện mạo nông thôn ngoại thành khang trang hơn. Đời sống vật chất và đời sống tinh thần ngày càng nâng cao; nông dân ngoại thành đang hướng tới cuộc sống thanh lịch, văn minh, hiện đại bằng phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa với 591 làng đăng ký, đã có 206 làng đạt cấp huyện và 78 làng đạt cấp thành phố.

Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vấn đề gia phong, gia lễ của từng gia đình ở Hà Nội vừa tiếp thu cái hay, điều thiện của văn hóa gia đình truyền thống, vừa bộc lộ những hiện tượng, những mâu thuẫn mới giữa các thành viên công khai hơn, dễ nhận thấy hơn. Nhưng cách giải quyết hôm nay lại thỏa đáng hơn, bao dung hơn nhờ sự “thể tất” rất tâm lý của cả hai phía. Nếu như trước đây phương thức giải quyết mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái thường đi đến kết cục thắng - bại, mà phần thắng thuộc về bề trên, thì ngày nay phương thức dùng bạo lực, áp đặt tỏ ra ít có tác dụng. Các thế hệ trong gia đình hầu như đều biết nắm giữ lợi thế và phần thắng về mình. Ngay cả một đứa con phạm tội nghiêm trọng cũng không hẳn bị cha me chối bỏ như trước đây. Trong quá trình hội nhập, quan hệ giữa gia đình và xã hội có sự thay đổi, diễn ra xu thế chuyển từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Các thành viên trong gia đình có ý thức vươn tới cái mới, cái thay đổi theo xu hướng tốt, thiện. Lợi ích và hạnh phúc cá nhân được chú trọng; vợ chồng bình đẳng, ý kiến của con, cháu được lắng nghe và tôn trọng. Các giá trị mới của từng gia đình được xác lập từ nhận thức về giới, quyền trẻ em, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Khi đời sống vật chất của từng gia đình đã được cải thiện một chừng nào đó, người Hà Nội thường nghĩ ngay tới sự phong phú của đời sống tinh thần. Chỉ cần dẫn ra một hiện tượng văn hóa đáng khuyến khích là những thú chơi tao nhã, đậm đà “chất Hà Thành”: Chăm sóc cây cảnh, nuôi chim, thả cá, chơi hoa, chơi tranh, xin chữ khi Tết đến xuân về đang rất phát triển.

III. Những giải pháp nâng cao cảm thụ thẩm mỹ và văn hóa gia đình

1. Giải pháp về kinh tế - xã hội

Cái đẹp cải thiện trong một gia đình vừa có những giá trị bền vững nhưng cũng có những giá trị biến đổi, như vấn đề dân chủ hóa xã hội, bình đẳng giới. Việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh có tác động lớn, trực tiếp tới từng thành viên trong gia đình như quyền cá nhân, sự tôn trọng cá tính. Trong phát triển, việc đi tìm một mô hình mẫu mực về gia đình để áp đặt cho mọi gia đình là không hiện thực, mặc dầu người ta vẫn thừa nhận sự can thiệp, sự tư vấn, sự hòa giải của các tổ chức nhà nước và xã hội là cần thiết. Gia đình hiện đại trong hội nhập cần giữ được những giá trị truyền thống có tính thiện và mang tố chất thẩm mỹ.

Lợi ích của gia đình và lợi ích của cá nhân là không mâu thuẫn, mà là động lực của gia đình này đối với gia đình khác, của gia đình đối với cộng đồng. Ở Hà Nội có nhiều gia đình sống chung ba, bốn thế hệ dưới một mái nhà chung, mà đều là những gia đình mẫu mực, sống biết thương yêu, quý trọng và giúp đỡ lẫn nhau.

Một trong những nét đẹp của người Hà Nội là truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, đó là chuyện đối với bộ phận xã hội nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo; nhưng còn muốn làm giàu chính đáng, thì các gia đình ở Hà Nội đều rất cần hệ thống dịch vụ tiếp cận gia đình. Ví dụ: ở làng nghề Thiết Ứng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh là nơi sản xuất hàng mỹ nghệ gia dụng, thu hút nhiều lao động, có gia đình đạt doanh thu tới 300 triệu đồng/năm, nhưng các hộ sản xuất không có hoặc không giữ được thương hiệu, thiếu thống nhất mẫu mã, giá cả... đó quả là một trở ngại trên con đường phát triển nghề. (Báo Nhân dân ngày 31 - 12-2004).

2. Giải pháp về nội dung giáo dục cái đẹp, cái thiện

Ở từng gia đình nên có những bộ sách đạo đức học kiểu mới, trong đó có phần đạo đức gia đình. Ở nước ta cũng như ở một số nước nhiều cuốn sách nổi tiếng về tu dưỡng đạo đức công dân và văn hóa gia đình như: Gia huấn ca (Nguyễn Trãi); Ethique (Spinôza); Ethique à Nicomaque (Arixtốt)... Đây là những công trình tổng kết có tính chất mẫu mực bền vững vượt qua không gian và thời gian trong việc giáo dục đạo đức gia đình.

3. Giải pháp về đối tượng giáo dục văn hóa gia đình

Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, theo chúng tôi nên chú ý hàng đầu tới thế hệ vị thành niên trong gia đình. Vì sao vậy? Để trả lời câu hỏi, chúng ta cần chú ý tới đặc điểm về tâm - sinh lý của lứa tuổi này. Trong sự phát triển của đời người, tuổi vị thành niên là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ đột biến. Sự tăng trưởng xảy ra không chỉ ở thể xác (chiều cao, trọng lượng) mà còn ở tâm lý (sự bùng nổ về tâm lý, thất thường, đầy mặc cảm và mâu thuẫn); ở tình cảm (khẳng định cái tôi ý thức chủ quan về tình bạn, tình yêu).

4. Giải pháp về văn hóa thẩm mỹ gia đình và những mối quan hệ

Văn hóa gia đình, trong điều kiện lịch sử xã hội nào cũng vậy, đều có liên quan tới lối sống của cộng đồng làng, xã, đô thị; liên quan tới nhiều thế hệ: già và trẻ; trên và dưới; liên quan tới nhiều giá trị mà bản sắc dân tộc, cốt cách dân tộc đóng vai trò trung tâm. Để giải quyết những mối quan hệ tất yếu và phức tạp này, cần chú ý các quan hệ sau:

Quan hệ giữa cái vật chất và cái tinh thần: Coi trọng đúng mức lợi ích kinh tế ngang với giá trị tinh thần. Nếu chỉ quan tâm tới vật chất thì dễ sinh ra lối sống hưởng thụ, tâm lý, chạy theo tiền, coi đồng tiền là mục đích. Ngược lại, chỉ chú ý đến tinh thần thì xã hội sẽ nghèo khó, gia đình sẽ không yên ổn. Đời sống kinh tế của một gia đình chưa cao, nhưng có thể có lối sống đẹp. Các cụ ta có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, nhưng lại có câu: “Giấy rách phải giữ lấy lề” hoặc “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Quan hệ giữa bề trên và kẻ dưới: “Kính trên, nhường dưới”, “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” là những câu đúc kết về mối quan hệ này. Đối với bề trên cần đề phòng tâm lý bảo thủ, không thức thời; còn bề dưới thì cảnh giác trước những hiện tượng mất gốc, lãng quên quá khứ...

Quan hệ giữa cái kế thừa và cái phát triển: Trong quan hệ này thì tín ngưỡng, phong tục, phong hóa là phức tạp hơn cả xét về bình diện lối sống. Tất cả chúng đều có mặt trái, mặt không ổn định, mặt phát triển. Bốn nội dung sâu sắc được Bác Hồ diễn đạt có thể phù hợp đối với văn hóa gia đình. “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ; Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý; Cái gì tốt thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay thì phải làm... Đó là mục đích đời sống mới”.

Quan hệ giữa tự nguyện và bắt buộc: Tự nguyện thuộc về tâm lý, tình cảm; bắt buộc thuộc kỷ cương, quy ước, gia phong. Bất cứ một sự khuyên bảo, một hành vi giáo dục nào đối với lớp trẻ cũng cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các mặt. Ngược lại lòng khoan dung, hành vi hòa hiếu của ông bà, cha mẹ trong một gia đình không chỉ là phương tiện, mà còn là mục đích. Bởi suy cho cùng bản chất của văn hóa là hòa giải. Văn hóa gia đình không vượt ra khỏi bản chất đó của văn hóa nói chung./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark