18/11/2014 | 11:06:00

"Cần bảo tồn nguyên trạng di tích tế lễ Trời-Đất đầu thời Lý"

Hiện trạng khu A, tổ hợp công trình kiến trúc nhà Lý (thế kỷ XI -XII). (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Liên quan đến phương án bảo tồn di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý tại lô E khu vực khảo cổ học Vườn Hồng (Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có Văn bản số 2116/KHXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ về niên đại, giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di tích tâm linh đặc biệt này.

Tạm lấp đất các cọc gỗ

Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị đề Thủ tướng cho phép trước mắt bảo tồn nguyên trạng di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý trong phạm vi diện tích tối thiểu khoảng 400m2 (không tính diện tích có thể sẽ khai quật thêm ở phía Tây Bắc của di tích).

Trong thời gian các chuyên gia nghiên cứu phương án bảo tồn khả thi, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) sẽ tạm thời lấp đất che phủ hết cọc gỗ của di tích.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ thi công bãi đỗ xe ngầm của công trình Nhà Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng Nhà Quốc hội nghiên cứu các giải pháp thi công đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích.

Văn bản của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu rõ, hiện nay, việc kè cừ sâu 4m trong khi tường vây gara sâu 14m-19m trong điều kiện áp sát di tích sẽ rất khó để bảo đảm nguyên trạng di tích.

Mọi việc thi công chỉ nên được tiến hành ngoài vùng lõi và tuân thủ nghiêm sự hướng dẫn của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Viện Khảo cổ học, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội.


Máy xúc thi công cách kiến trúc trung tâm của khu di tích 1,5 mét, gây nguy hại trực tiếp đến tính nguyên trạng, tại chỗ của di tích (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Đặt trong tổng thể Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long

Cùng với việc bảo tồn nguyên trạng di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam kiến nghị: việc nghiên cứu xây dựng phương án bảo tồn nguyên trạng kiến trúc tâm linh này cần được xem xét trong sự kết nối với phương án nghiên cứu và bảo tồn tổng thể khu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Từ đó, các nhà khoa học đề xuất việc khai quật mở rộng kiến trúc tâm linh với diện tích khoảng 200m2 nhằm làm rõ kết cấu mặt bằng tổng thể của kiến trúc.

Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng kiến nghị khai quật mở rộng kiến trúc Bát Giác về phía Nam và phía Đông với diện tích khoảng 500m2, nhằm bộc lộ toàn bộ kết cấu mặt bằng kiến trúc Bát Giác.

Song song với điều đó là đề nghị xem xét bảo tồn nguyên trạng tại chỗ di tích Bát Giác thời Lý vốn nằm thẳng trục với di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý; từng bước tiến hành khai quật tổng thể khu C-D (với diện tích khoảng 20.000m2) nhằm làm bộc lộ toàn bộ giá trị của khu di sản.


Hiện trạng khu A, tổ hợp công trình kiến trúc nhà Lý (thế kỷ XI -XII). (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đề xuất trên được đưa ra dựa trên việc xác định giá trị của khu di tích này. Các nhà chuyên môn xác định đây là một bộ phận quan trọng trong cấu trúc tổng thể của Hoàng thành Thăng Long thời Lý nói riêng và của khu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long nói chung.

“Hiện nay, do chưa được khai quật, nghiên cứu tổng thể và chi tiết nên nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt của khu di sản này chưa được làm rõ,” đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết.

Trên cơ sở khai quật, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu đề xuất phương án bảo tồn nguyên trạng và phát huy giá trị tổng thể của di sản với hai trục di tích tiêu biểu. Trục thứ nhất là trung tâm gồm Cột Cờ-Đoan Môn-Điện Kính Thiên-Bắc Môn với điểm nhấn là chính Điện Kính Thiên. Trục thứ hai là trục di tích tâm linh gồm đàn tế trời-kiến trúc Bát Giác và các kiến trúc khác thời Lý.

An Ngọc (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark