08/07/2010 | 11:28:00

Câu cá - Thú vui tao nhã trở lại với người Hà Nội

Câu cá - thú vui tao nhã của người Hà Nội. (Nguồn: Internet)

Trước đây, câu cá là thú vui tao nhã của người già hay trò chơi lành mạnh của đám con trẻ, nhưng giờ đây, khi xã hội phát triển, cùng với những sức ép bộn bề của cuộc sống, người dân Thủ đô mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp lại đổ xô đi câu cá. Và, khi ao hồ ngày càng ít dần, thú đi câu cá tưởng đã vĩnh viễn mất đi giờ lại phục sinh giữa lòng Hà Nội ồn ào, náo nhiệt.

Tìm lại thời “vang bóng”

Ông Hoàng Minh Hùng, 72 tuổi, ở Tây Hồ,  Hà Nội, là một tay câu lão làng. Niềm đam mê ngóng những chiếc phao bé xíu cả ngày trời đã theo ông mấy chục năm nay.Ông là một trong số ít những người ở chốn kinh kỳ ngày nay vẫn sử dụng cần trúc, lưỡi đơn và lối câu cổ điển.

Giữa chiều hè oi ả, trên con đường Thanh Niên lộng gió, một bên là hồ Tây, một bên là hồ Trúc Bạch, ông già vừa tỉ mẩn bóp thính câu, vừa kể chuyện về sự thăng trầm của thú câu cá đất Kẻ Chợ: “Trong tiềm thức của mỗi người Hà Nội cũng như người dân đồng bằng Bắc Bộ nói chung, ai chẳng gắn bó với một dòng sông, một cái ao hay cái rạch, cái ngòi. Ai chẳng có những kí ức đẹp về những cần trúc cong veo, sợi cước mỏng mảnh, cái phao lông gà dập dềnh, cái lưỡi câu tự mài sắc lẹm. Cũng như bao người chốn này, tôi thích câu cá từ thủa nhỏ rồi say cái thú ấy tới tận bây giờ.”

Cuộc sống mỗi ngày một đổi thay, ao, rạch nhanh chóng được bêtông hóa. Những người đam mê câu cá bình dân như ông Hùng bị mất dần sân chơi. Và không ít trong số họ đã phải từ bỏ những cuộc chơi đã ăn sâu vào máu thịt.

Nhưng năm gần đây, khi gánh nặng “câu cơm” ngày càng trở lên nhọc nhằn, người ta lại đổ xô tìm đến thú câu cá để xả “stress.” Và ngay lập tức, hàng loạt các khu sinh thái được mọc lên ở Long Biên, Gia Lâm và một số vùng ở ngoại thành Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu của các "cần thủ.” Từ đó, già trẻ lớn bé, học sinh, sinh viên, doanh nhân, công nhân viên chức… lũ lượt sắm cần, sắm máy quay tay, sắm phao điện để đi câu.

Các phụ kiện câu cá ngày nay cũng không chỉ đơn giản là chiếc cần trúc, sợi cước mỏng, cái phao lông gà, cái lưỡi sắt như xưa. Giờ đi kèm với thú câu cá là rất nhiều phụ kiện hiện đại với nhiều mức giá, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Cần Trung Quốc có độ đàn hồi cao, độ dài thay đổi linh hoạt, giá từ 65.000 đồng tới 350.000 đồng/chiếc. Cần Hàn Quốc, nhẹ, phụ kiện chắc chắn, bộ cuốn cước có thể mua rời, giá từ 650.000 đồng trở lên. Kế đó, máy quay tay, quay trực tiếp, kiểu đơn giản, có bộ phận quấn dây tự động giá từ 65.000 đồng tới 300.000 đồng. Ngoài ra còn có phao điện dùng pin tiểu để câu đêm với giá 10.000 đồng...

Đi câu không phải vì cá

“Câu cá là thú vui, là niềm ham thích của cuộc sống. Tuần nào tôi cũng ra hồ vài lần để thỏa cơn “nghiện” thú chơi này. Cứ được cầm cần, ngắm phao, nhìn sóng nước lặng lờ là thấy lòng nhẹ bẫng. Bao khó khăn, phức tạp của cuộc sống đời thường dường như tan biến hết. Nói hơi kỳ, nhưng với tôi đi câu không phải vì cá.”- Anh Phạm Đức Chung, 32 tuổi, một người nghiền câu cá đất Long Biên cho hay.

Không chỉ anh Chung mà rất nhiều người Hà Nội cũng câu cá với phương châm “hơi kỳ” như anh. Họ là những đôi tình nhân, tìm một không gian tĩnh lặng, thơ mộng cùng những phút thích thú khi phao bập bềnh. Hay là những cô, cậu học sinh, sinh viên đến hồ câu để tụ tập, chơi đùa giữa nước trời trong xanh. Hoặc là những doanh nhân, chọn hồ câu là nơi để bàn công việc với đối tác. Thậm chí giữa không gian khoáng đạt, họ còn dễ dàng ký kết với nhau...

Những người “không cần cá” đất Hà Thành còn là những kẻ tha hương hàng chục năm, về Hà Nội mà ngơ ngác trước đổi thay. Anh Phạm Tùng Lâm, người đã xa xứ 12 năm để sống và làm việc tại nước Anh xa xôi là một người như thế. Và trong mỗi lần “vội vã trở về, vội vã ra đi,” anh đều không quên tìm lại thủa thiếu thời, tìm lại Hà Nội trong mắt anh ở những hồ nước, cần câu.

Thú câu cá ở chốn kinh kỳ cũng có nhiều cái lạ. Họ đi câu không phải vì cá, nhưng một khi đã câu được cá thì có trả bạc triệu họ cũng không bán.

Anh Chung, người đã tuyên bố “đi câu không phải vì cá” là một cần thủ điển hình của lối câu cá kiểu... Hà Thành. Là một tay “sát cá,” không ít lần anh đã câu được những con cá cả chục cân. Kỉ lục của anh là câu được một con trắm lên tới 18kg tại hồ câu Thạch Bàn.

Anh Chung hào hứng kể lại: “Cả đêm mưa phùn gió bắc, ròng tới mức cần cong như gập đôi, tay rã rời, mệt mờ cả mắt, nhìn phao mà cứ thấy lập lòe như ma chơi, tưởng phải chịu thua con cá. Song cuối cùng con cá phải khuất phục.”

Cá vừa lên bờ, ngay lập tức, người của nhà hàng kế đó trả anh 7 triệu cho con cá vừa câu được. Nhưng anh Chung từ chối thẳng thừng. Anh gọi xe chở con cá 18kg về nhà. Rồi gọi bạn bè khắp nơi, làng xóm tới thịt cá, phần biếu họ hàng, phần để làm ruốc cho con. Chỗ còn lại, dành làm một trận nhậu tưng bừng giữa đêm.

Trải qua 1.000 năm, với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, có nhiều nét văn hóa của người Hà Thành đã bị mai một. Song, câu cá là thú chơi tao nhã mà thời gian chỉ như để khẳng định sức sống mạnh mẽ của nó trong lòng người Hà Nội. Và hơn thế, nó còn góp công thể hiện một bản sắc rất riêng, rất độc đáo của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến./.

Phạm Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark