13/10/2009 | 09:56:00

Chả cá Lã Vọng - "Nên biết trước khi chết"

Nằm giữa phố Chả Cá (Hà Nội) là nhà hàng "Chả cá Lã Vọng" tồn tại hơn 100 năm nay, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước về nghề làm và bán món ăn đặc sản gia truyền “chả cá”.

Ở Việt Nam chỉ có gia tộc họ Đoàn có món ăn gia truyền này và đến năm 1989, thương hiệu "Chả cá Lã Vọng" đã được Nhà nước chính thức công nhận. Năm 2003, Nhà hàng “Chả cá Lã Vọng” đã được chuyên mục du lịch của Hãng tin hàng đầu của Mỹ (MSNBC) xếp vị trí thứ 5 trong “10 nơi nên biết trước khi chết”.

Theo bà Lê Thị Bích Lộc, con dâu đời thứ 4 của gia tộc họ Đoàn, món chả cá do cụ tổ của gia tộc họ Đoàn nghĩ ra. Từ năm 1871, gia đình đã mở cửa hàng bán chả cá nướng để mưu sinh và đuợc lưu truyền đến nay là đời thứ năm. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cửa hàng là nơi che mắt địch, tạo điều kiện cho nhóm người yêu nước họat động chống giặc ngoại xâm.

Đầu thế kỷ XX (1900), nhà hàng bày thêm một ông Lã Vọng ngồi bó gối câu cá bên dòng suối - biểu tượng của người tài giỏi nghĩa hiệp ưu thời mẫn thế phải thúc thủ đợi cơ. Vì thế khách ăn quen gọi là Chả cá Lã Vọng và tên hiệu đó đã trở thành một trong những địa chỉ văn hóa ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội xưa và nay.

Chả cá Lã Vọng đã trở thành món ăn khoái khẩu của thực khách sành ăn Hà Nội. Lâu dần, hai tiếng Chả cá cũng được gọi thành tên phố.

Người sành ăn phải đợi đến khi cái rét bắt đầu về, đi ăn Chả cá mới ngon. Cá làm chả lại phải là cá Lăng thật tươi mới đúng vị, vì cá Lăng ít xương, lại ngọt thịt và thơm. Không có cá Lăng thì mới buộc phải dùng đến cá nheo, cá quả.

Trước đây, trong nhà hàng còn có món chả chế biến từ cá Anh Vũ bắt ở ngã ba sông Bạch Hạc thuộc thành phố Việt Trì. Thịt cá này mà lọc ra cuộn với lá sói nướng lên thì chả thơm hết chỗ nói. Nhưng cá này rất hiếm, lại có mùa nên món chả này rất đắt và hãn hữu mới có.

Vì thế, để phục vụ đại trà cho thực khách như hiện nay, nhà hàng thường phải thay thế bằng cá quả.

Thịt cá phải lạng từ hai bên sườn, thái mỏng ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm rồi kẹp vào cặp tre nướng trên lò than hoa hồng rực đặt ngay trên bàn ăn của khách.

Người nướng phải khéo sao cho cá chín vàng đều hai bên sau đó gỡ ra bát, rưới mỡ đang sôi lên trên.

Ăn chả phải ăn nóng, kèm với bánh đa nướng hay bún rối, lạc rang, rau mùi, húng láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm, vắt nhiều chanh tươi đánh sủi lên rồi tra thêm một chút tinh cà cuống, thêm vài giọt rượu trắng.

Người ăn cứ thế nhấm nháp, nhẩn nha, vừa ăn vừa nhâm nhi với chút rượu mạnh mới thấy hết cái hương vị đặc trưng có một không hai của món ăn lạ miệng này. Tiếng mỡ nóng phi hành hoa kêu lép bép.

Màu cá nướng vàng rộm thơm lừng đặt trên những lớp rau thì là xanh mướt, bên lò nướng than hồng rực, ấm áp, cho ta cái cảm giác như đang được hưởng cái tinh túy của đất trời nước non./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark