15/07/2010 | 11:10:41

Chả cá Thăng Long - Món ăn phố cổ Hà Nội

Chả cá Thăng Long. (Nguồn: Internet)

Cái quán chả cá ấy có nhiều điều lạ. Ấn tượng lớn nhất là vào quán lần nào cũng thấy một lọ hoa hồng to đến là to, hôm thì màu vàng, hôm thì màu hồng… tươi tắn, dễ thương tới nao lòng.

Đơn giản, vì cảm giác lọ hoa ấy được chăm lo kỹ lắm bởi những người chủ khéo tay của căn nhà và cũng là niềm tự hào của bà chủ cửa hàng lúc nào cũng thấy lúi húi phía sau lọ hoa, chỗ quầy thu tiền.

Cái lạ của Chả cá Thăng Long là nhân viên rất thích bán… nước chanh leo vào mùa chanh leo. Khách vào quán, câu đầu tiên bao giờ cũng được hỏi: Anh (chị, mà thường là chị nhiều hơn) dùng nước chanh leo nhé.

Sau này mới phát hiện ra, nhà hàng coi món đó là “đặc sản” của mình, nên luôn pha sẵn cả bình to tướng đặt trong tủ lạnh, rót dần bán cho khách.

May phước là nhà này pha rất chuẩn, ít nước lã, nên thường không có cảnh đóng váng một mảng nước chanh leo bên trên, còn dưới thì trong văn vắt như nhiều hàng. Nhưng ơ kìa, đến hàng chả cá mà nói toàn chuyện hoa với chanh leo, e nó không hợp lẽ nhỉ. Vâng, thôi thì, phải quay sang chuyện chả cá thôi.

Từng thích Chả cá Lã Vọng dù “phàn nàn” nó hơi khô. Từng chuyển gu sang Chả cá Kinh Kỳ thường được nướng qua và có món lòng cá khá là hấp dẫn. Nhưng rồi, khi được một kẻ sành ăn phố cổ Hà Nội dẫn tới đây, đột nhiên thấy là: Không thể đến nơi nào khác.

Bởi đúng là Chả cá Thăng Long có cái gọi là thương hiệu của nó. Thương hiệu ở những miếng cá đảm bảo cá lăng chứ không phải cá nào khác, xắt vuông hình con chì, còn nguyên cả lớp da dầy khự nhưng rõ mềm và điểm thêm chút dai rất là duyên, ăn thật là ngon và đậm đà.

Ở những miếng cá hơi ngăm ngăm màu nâu một chút chứ không trắng ngần như kiểu cá quả, cũng không khô cháy như nhiều hàng vẫn làm; đảm bảo mềm, thơm. Không có dai, không có cứng, không có khô ở Chả cá Thăng Long. Miếng cá đảm bảo thơm, chín, đảm bảo quyện mỡ, quyện cả vị thơm của hành tươi, thì là tươi xào cùng ấy vẫn luôn mềm dịu, một sự mềm rất nguyên vị cá, khiến người ta thật lòng ăn một lại muốn ăn hai.

Chả cá ngon còn phải nhờ gia vị, gia giảm. Một đĩa bún rối cảm giác hơi dính, nhưng nói thật rất ổn khi dùng đũa xắn ra, rồi gắp vào bát. Thêm vài cọng hành chẻ cong veo, trắng ngần ngẫn, thêm chút rau thơm Láng mùi thật đặc trưng. Thêm miếng cá đang xèo xèo trong chảo. Và thêm ít hành tươi, thì là đã chín, hoặc có thể đã giòn, rất thơm và ngon; thêm vài hạt lạc và tùy theo nhu cầu, chan một thìa mắm tôm, hoặc nước mắm ngon của nhà hàng…

Thế là và một miếng. Ôi trời… Chỉ tả mà cũng tứa cả nước miếng. Ăn chả cá có một thứ cực kỳ quan trọng là mắm tôm, trăm phần trăm những kẻ đến đây mà ăn được mắm tôm, đều thích xin thêm bát nữa và đều nghiền thứ mắm tôm đánh bông, cảm giác hơn loãng một chút, nhưng thơm và sánh.

Có người thích mắm tôm tán rằng, mắm tôm này nhuyễn như thể đã được xay ấy. Chắc không “xay ấy” đâu, nhưng nó là món đặc sản riêng của nhà hàng, cũng là tạo nên hương sắc khó có cho Chả cá Thăng Long.

Chả cá Thăng Long không chỉ có chả cá ngon. Món lòng cá ở đây dân nhậu rất thích. Nhưng thích hơn và cũng ít người, phải là khách quen mới biết, đó là món riêu cá.

Gọi một nồi riêu, đắt ra phết ấy nhé, gần bằng hai suất chả cá (150.000 đồng cơ đấy); chứng kiến cái sự sôi lục bục của nước riêu nấu bằng mẻ này, sấu này, dọc mùng này, và thấp thoáng phía dưới là đúng nửa cái đầu cá lăng đã om kỹ. Nước vừa ngọt, vừa chua, đủ độ, thêm vị thơm của mùi tàu (vâng, là mùi tàu nhé) rắc rối lên trên.

Sau khi ăn xong suất chả, làm thêm bát nước riêu ấy, cảm giác ấm áp tới tận từng thớ thịt, mọi sự mệt mỏi có vẻ là tan biến… Sau đó, là công cuộc dò tìm và gỡ từng thớ cá trong nửa cái đầu cá khá là to, thường chiếm trọn đáy nồi kia.

Thế là mãn nguyện cho một bữa ăn ngon. Ăn thế, đứng lên có khi ngại cả đi vì no, nhưng nói thật, không có chuyện ngán, không có chuyện sợ mà ngày mai không thèm ăn tiếp./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark