22/11/2012 | 10:14:00

Chàng trai trẻ tâm huyết với nghề tranh thêu Quất Động

Được truyền nghề từ khi 8 tuổi, 26 năm gắn bó với tranh thêu, Lê Văn Hưng là một trong số ít người trẻ hiếm hoi dám “sống chết” với nghề tranh thêu hiện nay.

Say mê với nghề truyền thống

Lê Văn Hưng sinh năm 1978 tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Bố anh là một trong những nghệ nhân có tiếng của tranh thêu Quất Động. Dưới sự chỉ dạy của gia đình, anh Hưng được truyền nghề khi mới 8 tuổi.

Thuở nhỏ, gia đình anh Hưng rất nghèo không đủ tiền mua một khung thêu, chỉ nhận thêu thuê cho người khác. Năm 1999, anh Hưng lên Hà Nội nhận làm thêu thuê, quá trình này anh học được nhiều kinh nghiệm, kĩ thuật mới. Năm 2004, nhờ một người bạn giúp đỡ, anh Hưng quyết tâm mở xưởng tranh thêu gia đình.

Tiếp cận với tranh thêu từ nhỏ, anh Hưng hiểu được sự mềm mại, sống động của những bức tranh thêu, cách pha chế tạo màu sắc riêng của chỉ thêu, cách làm khung chống thấm. Theo anh Hưng, nghề tranh thêu ở những địa phương khác đều xuất phát từ Quất Động. Tuy vậy, đặc điểm khác biệt của tranh thêu Quất Động là sự sống động của hình ảnh nhìn giống như thật. Tiếp đến là sự kì công trong từng đường kim mũi chỉ vì vậy tranh thêu Quất Động thường bền hơn của những địa phương khác.

Anh Hưng chia sẻ, người học không chỉ học những bí quyết truyền thống của dòng họ mà còn phải tìm hiểu, hấp thu về văn hóa, tri thức để tạo nên những bức tranh thêu có cá tính riêng. Trước sự mai một của nghề tranh thêu hiện nay, với những kĩ năng, sáng tạo và bản lĩnh kinh doanh của mình, Lê Văn Hưng được đánh giá là một trong những thế hệ trẻ dám bám trụ với nghề truyền thống của quê hương.

26 năm gắn bó, chàng trai trẻ ấy đã sáng tạo ra nhiều mẫu mã tranh thêu, đóng góp vào sự phát triển của làng nghề truyền thống quê hương Quất Động. Từ niềm đam mê, anh Hưng đã quyết tâm xây dựng một xưởng sản xuất tranh thêu tay tại thôn Bình Lăng, xã Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội. Anh đã nhận được sự tin tưởng của những nghệ nhân cao tuổi trong làng nghề.

Anh được Hiệp hội làng nghề truyền thống Hà Nội mời tham gia hoạt động. Sau gần 10 năm mở xưởng, chàng trai trẻ ấy đã thu hút được gần chục người có kinh nghiệm trong làng về xưởng anh làm việc. Đây là một thành công lớn đối với một nghệ nhân trẻ như anh.

Khôi phục lại danh tiếng tranh thêu Quất Động

Anh Hưng cho biết việc tạo ra những bức tranh thêu tay đẹp đã khó nhưng việc bán ra thị trường cũng vô cùng khó khăn. Mặc dù tranh thêu tay Quất Động vẫn là sản phẩm thủ công, làm ra mất nhiều thời gian, tâm huyết nhưng giá thành cạnh tranh hơn nhiều so với các sản phẩm thêu khác, chỉ vài trăm nghìn đồng cho tới một triệu đồng người mua đã được một bức tranh thêu ưng ý.

Điều quan trọng trong thời điểm này là việc anh sẽ quảng bá, tiêu thụ những sản phẩm ấy như thế nào. Vì thế anh Hưng anh phải đi khắp các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội… đến từng cửa hàng tranh để tìm nơi tiêu thụ. Dần dần tranh thêu của anh Hưng được nhiều cửa hàng các tỉnh đặt.

Hiện nay nghệ nhân Lê Văn Hưng có xưởng sản xuất tranh thêu tại làng nghề và cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở 24A, Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội. Dù đã làm ông chủ nhưng anh và vợ vẫn là trụ cột chính trong việc thêu các sản phẩm đòi hỏi độ kì công và tinh xảo cao. Ông chủ trẻ đó cũng không nề hà lo mọi công việc của xưởng từ việc nhập chỉ thêu, làm khung tranh đến tự chở tranh giao cho khách hàng.

"Mỗi bức tranh được làm phải tốn nhiều công sức và tâm huyết vì vậy tôi luôn muốn bức tranh đến người mua một cách hoàn hảo nhất. Nhiều khi người giao hàng không cẩn thận, trong quá trình vận chuyển, tranh bị vỡ khung hay thấm nước, làm ảnh hưởng tới chất lượng và tuổi thọ của tranh", anh Hưng chia sẻ.

Anh luôn biết nắm bắt nhu cầu xã hội để sáng tạo và phát triển thêm những sản phẩm đa dạng về chủng loại nhưng vẫn dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống và kinh nghiệm có sẵn như: tranh thêu phong thủy, phong cảnh, tứ quý tứ bình, hoa tĩnh vật, chân dung…

Anh Hưng còn mở lớp và trực tiếp dạy miễn phí cho những người yêu thích tranh thêu tay với mong muốn mở rộng và duy trì một nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương Quất Động.

Ước mơ của chàng nghệ nhân trẻ là làm sao để tranh thêu Việt Nam được biết đến nhiều hơn ở nước ngoài, được nhiều khách du lịch yêu thích và mua sản phẩm như một nét độc đáo của văn hóa Hà Nội./.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark