18/10/2018 | 15:36:00

Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 18/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn kiểm tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết đây là buổi làm việc thứ 58 của Tổ công tác kể từ khi được thành lập tháng 8/2016. Bảo hiểm xã hội là cột trụ rất quan trọng của quốc gia về an sinh xã hội và được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm.

5 vấn đề cần tập trung thực hiện

Đoàn công tác đã khảo sát tại Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bộ trưởng Mai Tiến đánh giá cao hệ thống công nghệ thông tin của bảo hiểm, nhưng lưu ý rằng cần hết sức chú ý việc bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu, đây là vấn đề hết sức quan trọng.

Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, tính từ đầu năm 2017 tới nay, Bảo hiểm xã hội VIệt Nam được giao 84 nhiệm vụ, trong đó có một nhiệm vụ đã được dừng có lý do, 57 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 26 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong thời hạn cho phép.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đánh giá cao những kết quả mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được, tổ công tác cũng nêu 5 vấn đề mà ngành bảo hiểm xã hội cần tiếp tục tập trung làm tốt hơn.

Thứ nhất, cần phải thực hiện những mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đặc biệt là về sắp xếp bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp hơn nữa nhiều dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tốt hơn.

Thứ hai, phải phát triển rộng hơn nữa đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đây là mục tiêu được nêu nhiều trong các nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ. Hiện mới có khoảng 14 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, mới chiếm 27% số người trong độ tuổi lao động. Do đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về lợi ích bảo hiểm xã hội tự nguyện là nhiệm vụ rất lớn.

Thứ ba, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tập trung giải quyết vấn đề mất cân đối trong thu chi bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều giải pháp nhưng cần tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để tránh việc mất cân đối.

Thứ tư, bảo hiểm xã hội đã có nhiều giải pháp tốt để kiểm soát, giám sát tự động trong chi bảo hiểm, giảm tiêu cực, gian lận, trục lợi bảo hiểm, cần làm tốt hơn nữa.

“Thứ năm, có những thông tin cho rằng y tế tư nhân đang bị coi là yếu thế trong ký kết, thương thảo thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội. Do đó, bảo hiểm xã hội cần cố gắng bảo đảm công khai, bình đẳng, minh bạch giữa các cơ sở y tế công lập và tư nhân, giữa các bệnh nhân của các cơ sở này,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Không cải cách là "chết"

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa vào vận hành và sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong phạm vi toàn hgành. Từ ngày 1/3, toàn bộ văn bản đến, văn bản đi (trừ một số văn bản bắt buộc phải sử dụng văn bản giấy theo quy định) đều được số hóa, sử dụng chữ ký số cá nhân (4.200 chứng thư) và chữ ký số cơ quan (992 chứng thư) do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để phục vụ soạn thảo, trao đổi thông tin, xử lý công việc, trình ký, ký và phát hành điện tử trên hệ thống.

Bảo hiểm xã hội đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế của bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố; hệ thống cấp mã số bảo hiểm xã hội - mã số định danh cá nhân; hệ thống giao dịch điện tử; hệ thống thông tin giám định bảo hiểm xã hội; triển khai, vận hành Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin và Trung tâm dịch vụ khách hàng.

Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của bảo hiểm xã hội Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Đến nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện có 19 dịch vụ; số hồ sơ điện tử phát sinh trên hệ thống là 104,5 triệu; đã giải quyết là 95,2 triệu hồ sơ. Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế đã kết nối tới hơn 12.000 (gần 100%) cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tỷ lệ liên thông dữ liệu bình quân đạt 98%.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh chia sẻ, để có được kết quả như hôm nay, cư quan bảo hiểm xã hội xác định “không cải cách là chết” bởi khối lượng công việc cực kỳ lớn. Đơn cử, mỗi năm cơ quan bảo hiểm xã hội phải giám định trên 170 triệu lượt hồ sơ thanh toán bảo hiểm, rà đến từng viên thuốc. Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý hơn 14 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng nhìn nhận, cơ quan bảo hiểm xã hội mới đi được 70-80% quãng đường cải cách và cần tiếp tục đẩy mạnh. Mục tiêu năm 2021 sẽ nâng tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lên 35% đang rất áp lực đối với ngành bảo hiểm xã hội.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng đề xuất Chính phủ ban hành một Nghị định về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, nhất là về trách nhiệm của các bên trong bảo mật các dữ liệu đã được chia sẻ.

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện 5 nội dung mà Thủ tướng đã gợi ý cần làm tốt hơn. Đồng thời, thực hiện tốt 26 nhiệm vụ được giao chưa hoàn thành. Tổ công tác sẽ tổng hợp đầy đủ kết quả kiểm tra và các kiến nghị của cơ quan bảo hiểm xã hội để báo cáo tại phiên họp Chính phủ sắp tới./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark