13/01/2012 | 16:40:00

Chính sách quản lý tác động phát triển kinh tế Thủ đô

1.1 Những vấn đề của bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong nước tác động tới quản lý phát triển kinh tế của Hà Nội đến năm 2020.

Vai trò quan trọng của Hà Nội đối với sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung, vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng đã được khẳng định trong lịch sử và được Nhà nước ta yêu cầu tăng cường hơn nữa trong thời gian tới. Vì lẽ đó, bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong nước sẽ có tác động to lớn đến quá trình phát triển kinh tế thị trường ở Thủ đô, đồng thời cũng yêu cầu Hà Nội phải tính đến trong chính sách quản lý phát triển của mình.

Một là, kinh tế cả nước tiếp tục tăng trưởng nhanh, trên 8% mỗi năm. Thể chế kinh tế thị trường về cơ bản được hình thành vào năm 2010, cơ cấu ngành kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực. Thực hiện chiến lược công nghiệp hoá rút ngắn. Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình phát triển trong thời gian tới. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006 – 2010 do Chính phủ xây dựng đã nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 8% mỗi năm. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của cả nước đạt trên 8% cho giai đoạn 2006 – 2020 và các giai đoạn tiếp theo, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng bình quân khoảng 10%, nông nghiệp 3,5 – 4%, dịch vụ 8 – 9%. Đối với vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) dự báo mức tăng tổng sản phẩm (GDP) của vùng khoảng 10 – 11% năm thời kỳ 2003 – 2010. Trong đó công nghiệp tăng khoảng 13 – 14%; dịch vụ 11%, nông nghiệp khoảng 4 – 4,5. Vùng KTTĐ Bắc Bộ, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của thời kỳ 2006 – 2010 là 10,25%, bằng khoảng 1,3 lần mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Các vùng khác cũng đều có tốc độ tăng trưởng trên 7,5%, trong đó vùng KTTĐ miền Nam có tốc độ tăng là 9,25%, vùng KTTĐ miền Trung là 9,5%.

Sự phát triển của các địa phương khác và của cả nước tạo động lực thúc đẩy kinh tế Hà Nội phát triển. Các địa phương sẽ trở thành thị trường lớn của Hà Nội cũng như tạo thế ổn định và cơ chế liên kết kinh tế để cùng phát triển

Sau Đại hội X, nhiều vấn đề lý luận về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và tiếp tục được làm rõ. Về cơ bản, đến năm 2010, thể chế kinh tế thị trường sẽ được hình thành một cách rõ nét và cụ thể với những đặc trưng riêng có của nó ở Việt Nam. Các vấn đề về quản lý Nhà nước, chế độ sở hữu, hệ thống thị trường… sẽ được thiết lập và vận hành một cách ổn định. Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế thị trường nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức bởi với tư cách là Thủ đô, Hà Nội phải đi trước, tạo được bước đột phá trong nhiều lĩnh vực.

Cơ cấu kinh tế của cả nước sẽ tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần các ngành, các sản phẩm chủ lực đóng góp nhiều vào GDP quốc gia. Riêng vùng ĐBSH và vùng KTTĐ phía Bắc, 2 vùng có liên quan nhiều nhất đến Hà Nội, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2010 như sau:

Vùng ĐBSH, năm 2010 các ngành phi nông nghiệp chiếm khoảng 90% trong tổng GDP, các sản phẩm chủ lực đóng góp 60-65% GDP, độ mở của nền kinh tế đạt trên 90%. Cơ cấu kinh tế của vùng năm 2010 là cơ cấu hiện đại với các ngành mũi nhọn có khả năng đột phá, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, quốc tế.

Vùng KTTĐ phía Bắc, đến năm 2010 ngành công nghiệp và dịch vụ sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của vùng, từ khoảng 89% năm 2002 lên 94-95% năm 2010 (công nghiệp khoảng 44-45%, dịch vụ khoảng 50-51%). Tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực phi công nghiệp tăng từ 44% năm 2000 lên 57% năm 2005 và 65% năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng số việc làm có năng suất cao, tiêu hao ít năng lượng hơn, sử dụng đất có hiệu quả hơn… trên cơ sở phát triển các ngành công nghệ cao và sản xuất các ấn phẩm có hàm lượng chất xám cao.

Xu thế chuyển dịch đó đòi hỏi quản lý sao cho kinh tế Hà Nội một phần phải chuyển dịch theo đúng xu hướng, nhưng quan trọng hơn phải tạo ra những tác động lan toả để góp phần hình thành cơ cấu lãnh thổ và cơ cấu ngành một cách hài hoà, hợp lý trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hai là, xuất hiện nhiều vùng trung tâm kinh tế và đô thị vệ tinh trong khu vực vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Có sự dịch chuyển hoạt động đầu tư và sản xuất công nghiệp, nông nghiệp từ Hà Nội về các địa phương lân cận.

Quá trình phát triển kinh tế đất nước trong thời gian qua đã góp phần hình thành nhiều trung tâm kinh tế trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên trong thời gian qua đã nổi lên như những trung tâm công nghiệp mới của vùng. Với tốc độ tăng trưởng GDP trên 10% mỗi năm, trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt từ 20-25%/năm, các tỉnh lân cận thuộc vùng Thủ đô Hà Nội đang có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực công nghiệp. Các doanh nghiệp công nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội cũng đã có kế hoạch đầu tư mới, thậm chí chuyển dịch hoạt động sản xuất của họ sang các tỉnh lân cận.

Đây cũng là một thách thức nhưng cũng là cơ hội quan trọng để Hà Nội chứng tỏ vai trò trung tâm kinh tế của mình, trên cơ sở đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, trong đó đặc biệt chú ý dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh (business development service – BDS) như: ngân hàng – tài chính - bảo hiểm, tư vấn đào tạo, khoa học công nghệ, phát luồng và phân phối hàng hoá, quảng cáo, thiết kế mẫu mã và giải pháp hữu ích, vận chuyển, cung cấp thông tin…

Bên cạnh đó, quá trình phân công lao động, phân vùng sản xuất dựa trên ưu thế của từng địa phương đòi hỏi quá trình liên kết ngành và liên ngành giữa Hà Nội các địa phương cần được chú trọng hơn bao giờ hết.

Ba là, xu thế đô thị hoá diễn ra ngày càng mạnh mẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội, đặc biệt là hiện tượng di cư tự do từ nông thôn ra thành thị.

Đô thị hoá tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong vòng 10 năm tới trên địa bàn Hà Nội. Hàng loạt các công trình công cộng trọng điểm, đặc biệt là công trình giao thông, các khu công nghiệp, các khu trung tâm thương mại và dịch vụ cao tầng, các khu đô thị dân dụng, các khu văn phòng hiện đại đã đang và sẽ được xây dựng trong thời gian tới. Đất nông nghiệp bị thu hẹp và chuyển hoá mục đích sử dụng. Một bộ phận nông dân ngoại thành Hà Nội bị thu hồi đất sản xuất không có đủ điều kiện, đặc biệt là điều kiện về kiến thức để chuyển đổi nghề nghiệp. Đây là một vấn đề xã hội cần được quan tâm giải quyết một cách nhất quán và cẩn trọng, nếu không sẽ để lại những hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và bền vững của Thủ đô.

Đô thị hoá cũng kéo theo sự di chuyển liên tục của các dòng dân cư từ nông thôn ra thành thị. Dân số cơ học tăng nhanh kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội đặc biệt là thất nghiệp, sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và ô nhiễm môi trường[1]. Bộ máy quản lý rơi vào tình trạng lúng túng, giải quyết công việc một cách tình thế, chắp vá, thiếu định hướng. Chính vì vậy, việc dự báo chính xác và có các biện pháp phù hợp kiểm soát dân số đô thị là điều kiện tiên quyết để Hà Nội có thể phát triển cân bằng trong thập kỷ tới.

Bốn là, các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước ngày càng phát triển và chứng tỏ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam trong 5 năm qua (2001 – 2006), có thể nói là đã thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển bằng cách ban hành và thực thi Luật Doanh nghiệp. Kinh tế tư nhân nói riêng, kinh tế ngoài quốc doanh nói chung đang dần trở thành một cấu phần quan trọng bậc nhất của nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta.

PV: Lĩnh vực kinh tế tư nhân sẽ được chú trọng như thế nào trong vòng 5 năm tới, thưa Bộ trưởng? Vẫn có ý kiến cho rằng bản Kế hoạch vẫn còn đánh giá thấp thực tế vai trò của khu vực kinh tế tư nhân?

Bộ trường Bộ KH & ĐT Võ Hồng Phúc: Trong báo cáo đã có một phần đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế tư nhân. Có thể liều lượng hoặc cách nêu chưa thể hiện đầy đủ vị trí của khu vực này. Nhưng trong tinh thần xây dựng kế hoạch để phát triển kinh tế trong 5 năm tới đây, khu vực tư nhân được xác định có vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Và trên thực tế, khi đánh giá về khu vực này, tôi luôn nói rằng đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp 5 năm qua, khu vực kinh tế tư nhân luôn luôn ở mức tăng trưởng 23-24%, trong khi khu vực quốc doanh chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 11%, khu vực đầu tư nước ngoài chỉ ở 16,5-17%

Khu vực tư nhân có tốc độ cao như vậy thì phải có vị trí lớn.

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam, ngày 22/9/2005

Với sự năng động chưa từng có, khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra gần 50% việc làm[2] và gần 40% GDP của cả nước. Trong xu thế phát triển chung của thị trường, kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Cùng với đó, quá trình đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đang đi đúng quỹ đạo sẽ tạo ra nhiều động lực cho việc phát triển một môi trường kinh doanh bình đẳng và năng động.

Kinh tế tư nhân ở Hà Nội được đánh giá có tiềm năng rất lớn, vấn đề cần bàn là môi trường kinh doanh nói chung, chính sách phát triển kinh tế tư nhân chưa thực sự nhất quán, chưa tạo thuận lợi thực sự cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Hà Nội cần đặc biệt chú ý là tạo ra những chính sách khuyến khích phù hợp, nhằm phát triển mạnh kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Năm là, quá trình triển khai các hành lang kinh tế Bắc – Tây Bắc và Đông – Đông Bắc và xây dựng mới các công trình hạ tầng lớn, đặc biệt là các công trình trên và ven sông Hồng.

Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc[3] đã thống nhất xây dựng và vận hành hai hành lang kinh tế Việt Nam – Trung Quốc (Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng). Đây là hai hành lang kinh tế đóng vai trò động lực đối với quá trình tăng trưởng của khu vực phía Bắc mà Hà Nội được xác định ở vị trí trung tâm. Cùng với nó, hàng loạt các dự án hạ tầng và kinh tế sẽ được triển khai mang lại cơ hội lớn để Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, một mũi trong tam giác phát triển kinh tế “Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh”, Hà Nội chính là trung tâm (hình rẻ quạt) trong các hành lang kinh tế Việt – Trung theo cả hai hướng: Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam. Với vị trí trung tâm về địa lý, từ lâu, Hà Nội đã là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả vùng và cả nước và chính vị thế thuận lợi này đã tạo cho Hà Nội một vai trò quan trọng trong các hành lang kinh tế Việt – Trung. Với vị trí trung tâm tổng thể của mình, Hà Nội là điểm đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình hợp tác kinh tế giữa hai nước trên các hành lang kinh tế, đồng thời đóng vai trò “điều phối” vận hành cho các hành lang kinh tế này, đồng thời tiếp nhận sự chỉ đạo của Chính phủ và chủ động tham mưu với các bộ, ngành liên quan như Ngân hàng, Hải quan, Công an… để giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh liên quan đến tài chính, hàng hóa, pháp lý…”[4]. Vai trò của Hà Nội trong các hành lang kinh tế Việt – Trung thể hiện cụ thể ở các lĩnh vực sau:

- Điều tiết vận hành giao thông cho toàn tuyến. Trong hệ thống này, Hà Nội là đầu mối giao thông trọng điểm về bốn loại hình: đường hàng không, đường sắt, đường bộ và đường sông.

Về đường sông Hà Nội có cảng sông lớn nhất khu vực miền Bắc. Từ cảng này xuôi theo sông Hồng có thể ra cảng Hải Phòng và vịnh Bắc Bộ, còn ngược lên thượng lưu thì có thể đi Lào Cai và sang Vân Nam (Trung Quốc).

- Thúc đẩy và điều tiết hoạt động thương mại. Hà Nội đóng vai trò đầu mối điều tiết hoạt động mậu dịch giữa hai bên thông qua hai hình thức trung chuyển.

- Thu hút và điều phối hoạt động du lịch.

- Thu hút và điều phối đầu tư.

- Đầu mối liên kết giữa các địa phương trong hành lang kinh tế và Trung ương.

Nói tóm lại, Hà Nội chính là điểm đột phá để đẩy nhanh quá trình hợp tác kinh tế giữa hai nước, đồng thời đóng vai trò điều phối tổng thể trong hai hành lang kinh tế Việt – Trung. Vai trò này được xác định nhờ vị trí kinh tế, địa chính trị, địa văn hóa… đã được hình thành trong lịch sử và phát triển, khẳng định trong hiện tại và tương lai.

Sáu là Chính phủ đã xây dựng và ban hành những cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô Hà Nội.

Trong thời gian qua, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ bằng các văn bản cụ thể đã trao cho Hà Nội quyền tự chủ cao trong xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Từ Nghị quyết số 15 NQ/TW của Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng (khóa VIII) ngày 15/12/2000 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 – 2010; Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết số 92/2005/NĐ-CP ngày 12/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội đến Nghị định số 123/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Đây là điều kiện quan trọng để Hà Nội chủ động hơn trong quá trình quản lý phát triển kinh tế thị trường. Cơ chế đặc thù nếu được vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp với quy luật khách quan và bối cảnh chung của nền kinh tế đất nước sẽ mang lại những hiệu quả to lớn, tạo ra những bước đột phá quan trọng để Hà Nội vươn lên thành “đầu tàu tăng trưởng” của cả nước. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù cũng có thể mang lại những hậu quả không như mong muốn. Hà Nội, với tư cách là Thủ đô, trước hết đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững, tránh những đổ bể. Nếu vận dụng các cơ chế đặc thù không phù hợp, chủ quan duy ý chí thì rất có thể sẽ để lại những hậu quả cho không riêng gì Hà Nội.

Hoàn toàn đúng đắn và hoàn toàn khách quan! TP.HCM phải bứt phá mạnh mẽ hơn nữa! Đấy mới đúng là TP.HCM, Hà Nội phải táo bạo hơn, quyết liệt hơn nhưng không thể như TP.HCM. Vì Hà Nội là Thủ đô! Hai Thành phố lớn thì như nhau nhưng quốc gia thì chỉ có một Thủ đô thì Thủ đô phải có cách đi riêng!

Vì mấy nhẽ: Một là Thủ đô thì đòi hỏi rất cao là ổn định chính trị - xã hội. Ở Thủ đô không cho phép diễn ra những sự đổ bể! Đi nhanh thì hiệu quả cao nhưng thường có sơ suất, dẫn đến đổ bể. Có thể đổ bể ở địa phương khác, hậu quả một, nhưng đổ bể ở Hà Nội hậu quả gấp nhiều lần!

Hà Nội không được phép để những đổ bể mà chấn động đến tình hình xã hội! Buộc Hà Nội phải tỉnh táo, phải tính toán!

Lẽ thứ hai, TP.HCM là một trung tâm kinh tế, văn hóa. Nhưng Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, giáo dục, kinh tế. Không phải tất cả cho kinh tế được, mà Hà Nội lại rất chăm lo chính trị, an ninh quốc phòng… Cho nên nếu nhìn về hình thức bảo cái này chậm so với cái kia nhưng nghĩ cho thấu đáo là 2 cách đi xuất phát từ đặc thù của từng Thành phố.

Nói như vậy không có nghĩa, Hà Nội không thể mạnh mẽ hơn về kinh tế! Nó có đủ khả năng để đảm bảo đầu tầu về kinh tế theo cách của nó!

Nguồn: trả lời phóng viên Vietnamnet ngày 16/12/2005 của GS.TS Phùng Hữu Phú – Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội


Bảy là, tình hình an ninh – chính trị trong nước tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng tốt cho quá trình phát triển.

Có thể nói, tình hình an ninh – chính trị ổn định là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế Hà Nội nói riêng, kinh tế Việt Nam nói chung phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Đây cũng là một tiêu chí hàng đầu được các nhà đầu tư nước ngoài “đặt lên bàn cân” khi quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư.

Với tinh thần hòa bình và hợp tác, “Thủ đô vì hòa bình” sẽ có được một môi trường an ninh – chính trị thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế trong bối cảnh xung đột sắc tộc và khủng bố vẫn diễn ra đâu đó trên thế giới.

1.2. Những vấn đề của bối cảnh kinh tế, chính trị khu vực và thế giới tác động tới quản lý phát triển kinh tế của Hà Nội tới 2020.


Là Thủ đô của cả một nền kinh tế chuyển đổi đang trong quá trình đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, Hà Nội chịu tác động mạnh mẽ từ xu hướng biến động của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Một là, Việt Nam đã ký thỏa thuận đàm phán song phương với tất cả các quốc gia thành viên và dự kiến sẽ sớm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO trong năm 2006.

Bằng việc kết thúc đàm phán và ký thỏa thuận song phương về việc gia nhập WTO với Mỹ vào ngày 31/5/2006, Việt Nam đã gần như hoàn tất các thủ tục cần thiết cho một “chuyến ra khơi mới”, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay tại vòng đàm phán đa phương tại Geneve.

Chắc chắn đây là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp của Hà Nội nói riêng tham gia vào sân chơi chung, với một vị thế khác hơn, là cơ hội để tiếp cận không hạn chế thị trường.

Cùng với việc thực hiện các cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại, thông qua hội nhập, Hà Nội có điều kiện thực hiện tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa rút ngắn. Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế tạo cơ hội cho chúng ta tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ hiện đại, tiếp cận các thị trường quốc tế, lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, nhằm phát huy tốt nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài.

Hội nhập kinh tế quốc tế còn giúp Hà Nội có thêm cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật… quá trình hình thành và hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường có điều kiện được đẩy mạnh vì bối cảnh quốc tế và khu vực thường xuyên thay đổi… Do đó, môi trường pháp lý, các nguyên tắc thị trường được điều chỉnh theo các tiêu chí quốc tế.

Hai là, các nước trong khu vực ASEAN ngày càng phát triển và chứng tỏ vị trí quan trọng trên bản đồ thế giới. Liên kết khu vực ngày càng chặt chẽ theo hướng dần hình thành một thể chế thống nhất về kinh tế trong tương lai không xa.

Ở các nước ASEAN đang diễn ra quá trình chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa. Ngoại trừ Inđônêxia với công nghiệp chế tạo (không kể công nghiệp khai thác) chiếm tỷ trọng khoảng 20% GDP, còn ở các nước khác tỷ trọng này xấp xỉ 30%. Nhờ chính sách kinh tế “hướng ngoại”, nền ngoại thương ASEAN đã phát triển nhanh chóng, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, đạt trên 160 tỷ đô la Mỹ vào đầu những năm 1990 (nay là 339 tỷ đô la Mỹ), nâng tỷ trọng trong ngoại thương thế giới từ 3,6% lên 4,7%. ASEAN cũng là đối tượng thu hút nhiều vốn đầu tư của thế giới. Cuối những năm 80 bình quân hàng năm các nước ASEAN thu hút được 13,5 tỷ đô la Mỹ, so với 4,6 tỷ đô la Mỹ vào đầu những năm 80[5].

Là Thủ đô của Việt Nam, một thành viên tích cực của cộng đồng ASEAN, Hà Nội sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình liên kết vùng, hướng tới một khu vực thống nhất và năng động, có vị thế quan trọng trên trường quốc tế.

Ba là, sự xuất hiện và trỗi dậy của các thế lực kinh tế mới, trong đó có sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc, Ấn Độ đang nỗ lực vươn lên và thực sự đã trở thành những trung tâm mới của nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng trên 10% mỗi năm đang đe dọa vị trí dẫn đầu của Mỹ và EU. Bản đồ kinh tế thế giới cũng đã hình thành những cực mới. Với vị thế địa lý liền kề, cùng khá nhiều đặc điểm kinh tế - xã hội tương đồng, Việt Nam có nhiều lợi thế để đẩy mạnh quan hệ hợp tác, làm cầu nối giữa ASEAN và Trung Quốc, Hà Nội, lúc đó sẽ là một “mắt xích” quan trọng.

Bốn là, những thành tựu mới của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và xu hướng phát triển của kinh tế tri thức.

Ngày nay cuộc cách mạng khoa học công nghệ diễn ra một cách sôi động, đang tác động trực tiếp sâu sắc đến mọi hoạt động kinh tế xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới, đồng thời nó đang mở ra một thời kỳ mới của nhân loại trước khi bước vào thế kỷ 21. Khoa học, công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, trong đó cuộc cách mạng công nghệ là cốt lõi, thông tin, tri thức, tay nghề cùng với trí sáng tạo, tài năng quản lý, nhân cách đang trở thành những nguồn lực cho phát triển.

Cùng với những tiến bộ khoa học công nghệ, xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới đang chuyển dần sang hình thái mới: kinh tế tri thức. Đây là những nhân tố tác động không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế của Hà Nội, với vị trí là Thủ đô của một quốc gia đang phát triển.

Năm là, tình hình thiên tai và mất ổn định về an ninh – chính trị, xung đột vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nơi trên thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á.

Thiên tai liên tiếp xảy ra, cùng với xung đột vũ trang đang là mối quan tâm sâu sắc của thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, điểm sáng về phát triển kinh tế và thu hút vốn đầu tư đã chịu tác động nặng nề của thảm họa sóng thần, các đợt động đất và núi lửa xảy ra liên tục ở Thái Lan, Indonesia… Xung đột tại Đông – Timo không được giải quyết triệt để. Tuy nhiên hòa bình và phát triển vẫn là xu thế cơ bản. Quan hệ quốc tế có chiều hướng được cơ cấu lại theo hướng dân chủ hơn, với sự hình thành các khu vực lớn hợp tác và cạnh tranh với nhau, cho phép Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, thông qua các định chế đa phương và khu vực để tạo thế lực, có nhiều sự lựa chọn đối tác, phát huy ý thức độc lập tự chủ, vận dụng linh hoạt bài toán cân bằng lợi ích, tránh được tình trạng lệ thuộc vào sức ép của từng nước lớn riêng biệt.

Sáu là, an ninh năng lượng và tài nguyên nước đang đặt ra những tiêu chí mới, định hướng chiến lược phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Gia tăng dân số nhanh và phát triển quá nóng ở các quốc gia đang phát triển đang đặt thế giới trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là năng lượng và nước ngọt. Chính điều này đang trở thành tiêu chí điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế và ngoại giao của các cường quốc.

Yêu cầu phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên không còn dừng lại ở khía cạnh đạo đức mà đã trở thành vấn đề kinh tế có ý nghĩa sống còn. Hà Nội do đó không thể tách rời xu thế này trong quá trình phát triển./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark