29/03/2010 | 16:11:00

Chợ Đồng Xuân - di tích cách mạng của Hà Nội

Chợ Đồng Xuân. (Ảnh: Internet).

Chợ Đồng Xuân xưa ở phường Đồng Xuân, tổng Hậu Túc, sau đổi thành tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chợ cổ Thăng Long

Chợ xưa kia nằm bên lẻ của phố Đồng Xuân, phố này còn có tên là phố Hàng Gạo. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, phố này được đặt tên là phố Đồng Xuân, tiếp nối là phố Hàng Giấy, thông sang phố Hàng Đường.

Từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi vào phố Hàng Đào, qua phố Hàng Ngang, Hàng Đường là tới phố Đồng Xuân, chợ ở bên dãy lẻ của phố.

Chợ Đồng Xuân vốn là hai chợ cổ ở Thăng Long xưa, đó là chợ Bạch Mã và chợ Cầu Đông. Cả hai chợ này đều ở bên bờ sông Tô, trên bến dưới thuyền tấp nập.

Năm 1889, Pháp cho lấp sông Tô, dồn hai chợ nói trên vào khu đất trống ở cạnh đình Đồng Xuân. Lúc đầu chỉ có hàng rào bằng tre nứa, sau dựng năm quán chợ bằng khung sắt. Chợ được khánh thành năm 1890, có ba cổng vào, cổng chính từ phía Đồng Xuân vào, một cổng ở phố Hàng Chiếu, và một cổng ở phía Hàng Khoai.

Sau năm 1954, thành phố cho sửa sang, lợp lại mái tôn, sắp xếp lại bố cục bên trong, nhưng vào đêm ngày 14 rạng ngày 15/7/1994 chợ Đồng Xuân bị cháy lớn, phải xây lại mới ba tầng như hiện nay.

Trước khi bị hỏa hoạn, chợ Đồng Xuân về cơ bản vẫn như trước kia, có năm cầu được xây dựng nối tiếp nhau, toàn bộ diện tích 3640m2.

Kể từ khi hình thành, chợ Đồng Xuân luôn là chợ to lớn, sầm uất nhất Hà Nội, đáp ứng sự giao lưu buôn bán không chỉ cho thủ đô mà còn là nơi cung cấp hàng hóa cho các tỉnh.

Chợ Đồng Xuân - di tích cách mạng

Phía trước cửa chợ Đồng Xuân có bức phù điêu thể hiện hình tượng các chiến sĩ cảm tử quân đang trong tư thế chiến đấu, cùng các lớp người ở nội thành tham gia chiến đấu sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), thể hiện tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.”

Phía trên bức phù điêu bằng gỗ có đề: ”Nơi đây xảy ra cuộc chiến đấu rất anh dũng của quân và dân Liên khu I chống thực dân Pháp xâm lược ngày 14/2/1947.”

Thời kỳ đó Liên khu I gồm khu Hoàn Kiếm, Long Biên, Đồng Xuân, Đông Kinh Nghĩa Thục và Đông Thành. Khu Đồng Xuân và chợ Đồng Xuân là cửa ngõ của Liên khu I.

Trong những trận chiến đấu ở chợ Đồng Xuân, phía quân Việt Nam chỉ có 19 chiến sĩ với 2 khẩu trung liên và một tiểu liên, vài súng trường còn toàn lựu đạn, dao, kiếm... đã tiêu diệt được hơn 100 tên địch, phá tan âm mưu của chúng, đồng thời bảo toàn được lực lượng để sau đó rút ra ngoài tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ.

Tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sỹ chợ Đồng Xuân đã cổ vũ ý chí quyết chiến quyết thắng của quân dân Thủ đô và mãi mãi ghi sâu trong lòng nhân dân, mãi mãi tô thắm thêm truyền thống anh hùng của thủ đô Hà Nội.

Sách lịch sử Thủ đô Hà Nội đã viết về chợ Đồng Xuân: “Ngày 24/5/1937 một cuộc tổng bãi công nổ ra ở Hà Nội, khởi đầu là các tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, sau lan rộng ra khắp thành phố... kết quả của các cuộc tổng bãi thị này đã buộc chính quyền bảo hộ phải giảm một vài thứ thuế cho tiểu thương.”

Trong thời gian tạm chiếm (1947-10/1954) cũng xảy ra cuộc bãi thị vào năm 1948 do Quận ủy chủ trương lãnh đạo...

Như vậy, không chỉ là chợ to và sầm uất nhất Hà Nội, chợ Đồng Xuân còn là một di tích cách mạng đáng tự hào của Thủ đô./.

Trọng Bình (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark