11/09/2009 | 22:34:00

Chợ gốm ven sông Hồng - Quen mà vẫn lạ

Một góc chợ gốm ven sông Hồng. (Ảnh: TTXVN).

Chợ gốm ven sông Hồng thuộc địa phận phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) với diện tích khoảng 1000m2 là nơi chuyên bán buôn và lẻ đồ gốm sứ của các làng nghề truyền thống như Bát Tràng, Phù Lãng, Đông Triều...

Chị Lê Thị Hương, 41 tuổi, quê ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc), người đã 11 năm gắn bó với khu chợ đặc biệt này, cho biết: "Ban đầu, nơi đây chỉ là đầu mối tập kết hàng từ thuyền lên rồi vận chuyển vào nội thành. Sau thấy bãi đất rộng phẳng, lại ở gần các vườn trồng cây cảnh tiện lợi buôn bán nên khu chợ dần dần được hình thành”.

Những thuyền gia họp thành chợ gốm ở đây phần lớn là người Vĩnh Phúc. Người đi thuyền ít cũng được 2 năm. Có những gia đình 4-5 người cùng rong ruổi lênh đênh trên thuyền. Một tháng hoặc hơn, họ lại xuôi thuyền xuống Quảng Ninh, ghé Bát Tràng, ngược Sơn Tây... lấy hàng trong khoảng một tuần, khi các thuyền đã đầy ắp hàng họ quay về neo thuyền ở đây và đội quân xe thồ cần mẫn đưa đồ gốm, sứ len lỏi vào từng ngõ phố bán lẻ hoặc đổ buôn cho các cửa hàng nhỏ mà hầu như trên các con đường, ngõ phố Hà Nội nào cũng có.

Các mặt hàng đáp ứng được hầu hết nhu cầu đang thịnh hành của người tiêu dùng, từ những bình gốm nâu nghệ thuật của Phù Lãng, tranh gốm của Bát Tràng đến lọ sành đất đỏ của vùng Đông Triều, Móng Cái.

Chợ gốm tấp nập từ sáng đến tối. Những ngày hàng về, bến sông nhộn nhịp và đông người hơn. Một không gian trải rộng la liệt hàng xếp trên bãi đủ sắc màu: màu trắng của bình hoa, chậu cây; màu xanh của bát, đĩa, ấm, chén; màu nâu đỏ của những con thú ngộ nghĩnh.

Thay vì phải sang Bát Tràng hoặc xuống Quảng Ninh, khách có thể tìm thấy những sản phẩm gốm, sứ trong các khoang thuyền ngay trên bến sông này.

Tại khu chợ, cuộc sống và công việc của những con người bình dị, cần cù chịu khó cứ thế diễn ra và lặp đi lặp lại hàng ngày tưởng chừng rất đơn điệu nhưng lại có sức cuốn hút, hấp dẫn đến lạ đối với không ít người, dù trong số đó, có người lần đầu đặt chân đến đây.

Ngoài mục đích mua đồ gốm sứ nhiều người còn muốn tham khảo, học hỏi từ những kiểu dáng và màu sắc của sản phẩm. Tại "lớp học" này, mỗi người có thể thấy sự hứng khởi về tinh thần cũng như lợi ích nào đó với công việc của mình./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark