21/11/2019 | 15:42:00

Chủ tịch Đường sắt lên tiếng về đề nghị mở lại ''phố càphê đường tàu''

Trước khi bị đóng cửa, nhiều du khách đã đến Phố càphê đường tàu để trải nghiệm cảm giác ngồi uống nước sát với đoàn tàu chạy qua. (Ảnh: Hoàng Anh/Vietnam+)

Liên quan đến việc người dân “phố càphê đường tàu” đề nghị được tiếp tục kinh doanh, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) không ủng hộ tiếp tục kinh doanh hàng quán này.

Ông Minh cho rằng, giải pháp nào an toàn và đúng luật thì phải thực thi, không thể vì quyền lợi của một nhóm người.

“Du khách đi lại xung quanh những quán càphê đường tàu gây mất an toàn khi có tàu chạy qua và cản trở đến việc duy tu bảo trì đường sắt,” ông Minh nhấn mạnh.

Đơn cử, trong trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt nếu chẳng may dẫn tới đổ cả một đoàn tàu, lúc này vì quyền lợi của người bán càphê hay cả một đoàn tàu (gồm hành khách và hàng hóa, người trên đường và công trình bên cạnh)?

Xét trên khía cạnh này, ông Minh đặt vấn đề phải lấy rủi ro lớn nhất xảy ra thì tổn thất là gì để có ứng xử đồng thời tin rằng nhiều người sẽ bảo vệ quyền lợi và đảm bảo an toàn người dân, hành khách.

Đề cập đến việc những hộ kinh doanh bán càphê đường tàu có kiến nghị cho mở cửa trở lại và cam kết có những biện pháp phòng tránh tai nạn đường sắt, tuy nhiên, vị Chủ tịch ngành đường sắt đưa ra câu hỏi: “Khi mở lại cửa hàng, nếu hành khách, trẻ con chạy ra thì ai dám đảm bảo chủ quán càphê đó ngăn chặn được hoàn toàn, nếu không ngăn chặn được hành vi đó dẫn đến chết người thì có làm sống lại được không?”

Đưa ra biện pháp phải xử lý từng bước, theo ông Minh, Quyết định 994 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về lặp lại trật tự an toàn giao thông đường sắt trong đó có đề cập đến giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, nếu tiếp tục để vi phạm kinh doanh sẽ càng khó giải tỏa.

“Tất cả những vị trí kinh doanh quán càphê đó là vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Luật Đường sắt ban hành năm 2018 đã chỉ rõ, phấn đấu năm 2025 xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở hướng tới sự an toàn cho người dân. Hiện, các địa phương đang kìm chế và không cho phát sinh thêm lối đi tự mở đồng thời tiến tới lộ trình xóa bỏ dần dần vào năm 2025,” ông Minh quả quyết.

Ông Nguyễn Quang Long, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải-đơn vị quản lý hạ tầng đường sắt trên tuyến nói trên cho biết thực tế đã có vụ tai nạn tàu va phải khách nước ngoài tại đây, rất may nạn nhân chỉ bị thương nhẹ.

"Không ai nói không được kinh doanh, nhưng không thể kinh doanh trên hành lang chạy tàu. Nếu muốn làm du lịch tại khu vực này, Hà Nội phải có quy hoạch, đề xuất phương án, có ý kiến của cơ quan chuyên môn và ngành giao thông, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt," ông Long nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 20/10, một số đại diện cư dân Chắn 5 Trần Phú (khu vực được gọi là “phố cà phê đường tàu" Phùng Hưng) cho biết đã gửi kiến nghị chính quyền thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm bỏ rào chắn lối đi vào khu dân cư đồng thời đề xuất các giải pháp an toàn cho khách khi tiếp tục kinh doanh giải khát tại khu vực này. 

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, giao Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, xử lý đơn kiến nghị của người dân tại Chắn 5 Trần Phú theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tuyệt đối trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng trên nghiên cứu giải pháp lâu dài thực hiện di dời, tái định cư các hộ sinh sống, kinh doanh trong khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật đường sắt và ổn định đời sống, cũng như hoạt động kinh doanh lâu dài cho người dân./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark