14/11/2010 | 20:53:00

Chùa Hà Tiên gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm

Chùa Hà Tiên. (Nguồn: Internet)

Sáng 14/11, Trung ương giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Lễ gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội cho chùa Hà Tiên đúng vào lễ khánh thành xây dựng chùa (giai đoạn một).

Nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, các chuyên gia khảo cổ đều có nhận định, chùa Hà Tiên (thôn Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Phúc) được xây dựng vào thời Lý Trần cùng với các đại danh lam Ngũ Phúc Tự, chùa Bầu ở thành phố Vĩnh Yên và hệ thống Đại danh lam thời Lý Trần thuộc địa bàn vùng núi Tam Đảo và phụ cận.

Tương truyền, vào thời Hùng Chiêu Vương, khi quốc gia lâm sự, bà Lăng Thị Tiêu từ vùng Tây Thiên chiêu binh đánh giặc, trên đường về Phong Châu, bà đã nghỉ lại chùa Hà, chiêu mộ thêm tráng đinh trong vùng để hội quân với Hùng Chiêu Vương ở Phong Châu.

Sau đó bà được tôn phong là “Quốc Mẫu Tây Thiên" và được nhân dân địa phương lập bài vị thờ Quốc Mẫu tại chùa, gọi là thờ “Đức Thánh Đại Vương."

Đặc biệt nơi đây còn được Bác Hồ về nghỉ chân hai lần. Tưởng nhớ công ơn Bác đối với dân tộc và nhân dân trong tỉnh, địa phương đã dựng nhà lưu niệm Bác trong khuôn viên chùa.

Kể từ sau khi trùng tu lớn năm 1703, chùa Hà Tiên thành một trung tâm tu tập lớn của tăng ni; nơi hoằng pháp cho đông đảo Phật tử trong vùng và phụ cận; có thời gian đã trở thành trung tâm đào tạo Phật giáo ở phía Bắc kinh thành Thăng Long. Do biến động đổia thay, cho đến khoảng giữa thế kỷ XX, chùa Hà Tiên bị hủy hoại hoàn toàn.

Tuy nhiên, với những giá trị về lịch sử và văn hóa trên, chùa Hà Tiên đã được tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1995. Đến năm 1996, tỉnh đã quyết định lập dự án “Khôi phục, tôn tạo khu di tích chùa Hà Tiên," gồm 32 hạng mục công trình, tổng kinh phí dự toán vào năm 2006 khoảng hơn 59 tỷ đồng.

Bằng nguồn vốn của nhà nước và nhân dân, từ năm 2006, chùa Hà Tiên đã được khởi công xây dựng, tu bổ với hai giai đoạn. Giai đoạn một xây dựng, tu bổ Tam quan, Chính điện, Nhà thờ Tổ, Nhà bia lưu niệm Bác Hồ, nhà thờ Quốc Mẫu, Hành lang tả, hữu, Thư viện, Nhà khách, Tăng xá, Trai đường, Nhà thờ Tứ Ân, Lầu Chuông, Lầu Trống. Các hạng mục này đã được hoàn thành, có tổng kinh phí khoảng 75 tỷ đồng.

Những hạng mục còn lại thuộc giai đoạn hai gồm giảng đường, nhà trưng bày, tiếp tục hoàn thiện nhà bia lưu niệm Bác Hồ, tôn tạo giếng Ngọc, tôn tạo vườn Tháp cổ; công trình mô hình kiến trúc Phật giáo như Tháp Hòa Bình, tượng Phật Trường Thọ, hệ thống sân vườn, với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark