12/12/2012 | 18:43:00

Chùa Hương Tích

Quang cảnh lễ khai hội chùa Hương 2010 tại chùa Thiên Trù. (Ảnh:Trọng Đức/TTXVN)

Một vùng thánh thiện của miền thiên quốc lạc bước xuống trần gian, nơi ấy chùa Hương. Thực ra là một cụm chùa ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.

“Hương Sơn”, tiếng gọi lòng thiền, để hồn ai vượt bến nước trần gian phiêu diêu theo dòng tâm tưởng, mà tìm về bản thể chân như. Trước đây, trên đất Bắc, người phật tử một đời chưa đến Hương Sơn coi như chưa trọn kiếp. Bởi, ở nơi ấy có một sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tín ngưỡng dân dã và Phật giáo để tạo nên hương sắc cội nguồn.

Người xưa từng hiểu “Hương” có nghĩa là thơm - cửa Phật đại từ bi dẫn dắt chúng sinh qua giới hương đến định hương để nảy sinh tuệ hương mà nhập vào giải thoát hương và giải thoát từ kiến hương. Cả ngũ hương là cái chân tâm vi diệu, là tinh thần của chùa Hương. Đến đây, người ta cảm thấy được sự đối thoại với “mênh mông”, hòa vào vũ trụ, để chìm trong tĩnh lự rồi như chợt hiểu thế nào là “tâm tức Phật, Phật tức tâm” mong rời bỏ cái nhân ngã chủ quan mà hội vào pháp ngã trường tồn, khơi dậy “tự tâm bản lai thanh tịnh”… để bước tới bờ trí tuệ.

Hương Sơn, một mảnh tinh hoa của đất trời, theo dòng trôi chảy của thời gian, bao người đã vượt bến mê để về miền đất giác. Bầu trời, cảnh Bụt, thú Hương Sơn - Ao ước bấy lâu nay. Kìa, non non, nước nước, mây mây. Đệ nhất động hỏi rằng nơi này có phải… Từ tao nhân mặc khách tới người bình dị nhất đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp “huyền hoặc” Hương Sơn, cảnh theo tâm để “tùy duyên mà hóa độ.”

Truyền rằng, vào cuối thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) - chủ hội Tao Đàn đã tới đây. Dưới thời ông, có ba hòa thượng muốn tìm lẽ huyền vi của tạo hóa đã dựng am ở Thiên Trù và phát hiện ra động Hương Tích. Kế tới vào nửa thế kỷ XVII, Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang Chân Nhân đã phát triển Hương Sơn thành một chốn Tổ để dần thành chốn hành hương của bao người.

Đường vào Hương Sơn phải qua bến Đục - bến đời, lên con thuyền giác theo dòng thanh thủy mà vào cõi Phật. Đến nay, đất Phật chuyển hóa, còn đâu những thuyền giác lững lờ trôi để cho tâm tư nhập vào đất trời, người ta hối hả với những con thuyền đông như lá tre, xuôi ngược, khuấy đục cả cõi đời lẫn cõi thanh hư.

Vượt qua những tiêu cực tất yếu, vận động tư duy thiền để nhập vào lẽ vô chấp của đạo, để vẫn thấy núi non hùng vĩ, thấy dòng suối hữu hình vẫn trôi, thấy hơi thở của quá khứ và tiếng thầm thì của vũ trụ. Rằng, vẫn còn đó một hang Sũng Sàm với nhiều hiện vật thuộc văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn (cách nay từ một vạn năm về trước). Thuyền đến bờ, vượt dốc vào chùa Thiên Trù.

Còn đó một nhà bia rất đẹp với tấm bia của thế kỷ XVII, một điển hình của nghệ thuật chạm khắc cổ truyền. Đế bia, đôi sam quấn quýt, đôi chim uyên ương cặp kè, như nói lên Phật pháp chẳng tách rời, Phật và chúng sinh chẳng ly biệt. Một đề tài khác chạm voi và rắn, tượng cho chân lý và ác tà, nhắc nhở con người nếu không luôn trau dồi thì cái ác nhỏ bé có thể nuốt được cái chân lý, cái thiện. Như thế, chùa Hương đâu chỉ là mảnh đất đối trọng với sự vật và đời thường, mà nơi đây còn thường reo tiếng chuông cảnh tỉnh tới muôn người.

Mở đầu cho kiến trúc Thiên Trù (bếp trời - mong cho nhà nhà đỏ lửa, hạnh phúc ấm no muôn nơi) là tòa gác chuông ba tầng mái. Chúng ta có thể hiểu được ba tầng này tượng trưng cho ba tầng thế giới và mỗi khi nghe tiếng chuông rung lên làm cho chúng sinh khắp mọi miền của vũ trụ được thoát khỏi phiền não, thức tỉnh mà hướng tới Tam bảo. Đây là một kiến trúc rất đẹp, hầu như không gặp ở nơi nào khác.

Vượt qua gác chuông lên tầng nền trên vào chùa, cảnh thật khang trang to lớn như muốn tương ứng với sự hùng vĩ của thiên nhiên. Ngôi chùa cổ đã bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh, kiến trúc hiện tại là sản phẩm phục hồi gần đây. Bên phải chùa là điện Mẫu với tượng Bà chúa, tuy mới nhưng như một chuẩn mực. Bên trái chùa là nhà khách, nhà tăng, thư tàng… Tất cả đã trở thành một hợp thể kiến trúc thu hút lòng người.

Trong khuôn viên chùa còn nhiều tháp cổ, song đáng quan tâm nhất là Viên công bảo tháp được dựng vào cuối thế kỷ XVII, làm nơi lưu giữ xá lỵ của Tổ Viên Quang. Tháp xây bằng những viên gạch thửa, nhẵn mịn, trên mặt gạch có ghi tên các làng xã nhiều nơi đóng góp, như lòng thành của chúng sinh mọi nơi hướng về chùa.

Qua Thiên Trù, lên chùa Tiên, nơi điển hình của sự hội nhập giữa tín ngưỡng dân dã với đạo Phật, Bà chúa Ba vừa là hóa thân của Bồ tát Quan âm vừa mang bóng dáng của Mẫu, vừa là Phật vừa là Tiên. Nơi đây hang là chùa, mà nhiều nhũ đá khi gõ đã phát ra âm thanh như chiêng, như trống. Vượt qua chùa Tiên, con đường dẫn ta đi, đi mãi, bậc đá lô xô, mà mỗi bước đi như bước vào truyền thống, để qua chùa Giải Oan, theo sự tích thì đó là nơi Bà chúa Ba tắm rửa hết oan nghiệp để chuyên vào kiếp tu, sau đó nhân dân coi suối này là nơi diệt trừ nghiệp chướng.

Từ đây cuộc hành hương tiếp tục đưa tới động Tuyết Sơn, đền Cửa Võng và cuối cùng là động Hương Tích. Mỗi nơi một vẻ, một mê say, song đỉnh cao vẫn là động Hương Tích. Gần 150 bậc đá dẫn chúng ta vào lòng động cũng gọi là chùa trong. Chùa là hang đá khổng lồ, những đụn nhũ lô nhô đầy gợi cảm, dẫn dòng tư duy liên tưởng của tổ tiên ta về cuộc sống hàng ngày để định hình cho chúng những cái tên đời thường. Này đây Đụn Gạo, Cây Vàng, Cây Bạc, Máng Lợn, Nong Kén, Đầu Cô, Đầu Cậu… Tất cả đã được linh thiêng hóa để chảy theo dòng ước vọng.

Theo những tuyến khác, cũng với những con suối trong xanh, phật tử có thể đến chùa Tuyết Sơn chiêm ngưỡng nhiều tượng đá nghệ thuật cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII… Và rồi chùa Long Vân, động Sũng Sàm, chùa Cây Khế… Mỗi nơi một cảnh, để rồi tràn ngập trong tâm vẻ đẹp huyền thoại.

Trọng tâm về thần linh ở chùa Hương là Bác chúa Ba, một hóa thân của Quan Âm bồ tát. Trong cuộc đời nhân thế này, bà là công chúa vượt biết bao khó khăn, quyết chí đi tu, được mãnh hổ tới cứu… sau thành chính quả cứu độ cho mọi người và nhất là gia đình. Câu chuyện có nhiều điểm đã khá gần gũi với tích truyện về Mẫu đệ tam ở đền Rầm và nhiều nơi khác, cũng như cách thờ ở chùa Hương, khiến ta có thể nghĩ rằng, Quan Âm và Thánh Mẫu chỉ là một. Hay đúng hơn, tín ngưỡng dân dã Việt đã đồng nhất hai vị thần khác đạo này lại để nhằm đáp ứng nhu cầu của tâm linh./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark