24/09/2009 | 14:53:00

Chùa Kim Liên - Bông sen vàng bên Hồ Tây

Chùa Kim Liên, Hà Nội.

Trong số các đình chùa Hà Nội thì chùa Kim Liên được đánh giá là một trong những ngôi chùa đẹp còn lưu giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ xưa nhất.
 
Trước đây, chùa ở thôn Nghi Tàm, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội và đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1962.
 
Xưa kia, chùa có tên là Đại Bi, Đống Long hay Từ Hoa. Từ năm 1771, chúa Trịnh Sâm cho tu bổ chùa và đã đổi tên chùa thành chùa Kim Liên. Chùa có tên chữ là ”Hoàng Ân tự”.
 
Chùa Kim Liên vừa thờ Phật, vừa thờ công chúa Từ Hoa con vua Lý Thần Tông. Chùa được làm trên nền cũ của cung Từ Hoa.
 
Qua năm tháng, ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần, đặc biệt các lần trùng tu lớn là vào các năm 1445, 1631, 1639, 1771, 1792. Các lần trùng tu này đều được ghi lại trên các tấm bia. Năm 1983, chùa được trùng tu lớn nhưng vẫn giữ lại những nét kiến trúc của thời Tây Sơn (thế kỷ XVIII).
 
Tam quan chùa Kim Liên là một công trình kiến trúc độc đáo với 2 tầng, 8 mái, trông như bông sen trên mặt nước Hồ Tây.
 
Phong cách kiến trúc của chùa Kim Liên, ảnh hưởng kiến trúc cung điện, cung đình. Bố cục của chùa bao gồm một trục đối xứng từ tam quan đến nhà Tổ. Từ tam quan đi vào một khoảng sân chùa, rồi đến chùa chính gồm ba nếp: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng, xếp theo kiểu chữ "tam".
 
Chùa Hạ là một ngôi nhà 5 gian, 6 hàng cột, 2 tầng, 8 mái. Trên bờ nóc được trang trí hình đầu rồng. Hai bên tường đầu hồi trổ cửa sổ tròn theo chữ nhà Phật sắc sắc-không không. Bộ khung nhà chạm trổ các hình hoa sen, lá, mây, rồng theo phong cách Lê Trung Hưng.
 
Chùa Trung là một ngôi nhà 1 gian 2 chái, hẹp hơn nhưng cao hơn chùa Hạ. Chùa có 2 tầng, 8 mái và được nối với chùa Hạ bằng một đường ống máng chung. Lối trang trí của chùa Trung giống như chùa Hạ.
 
Chùa Thượng có kích thước và trang trí như chùa Hạ và được nối với chùa Trung bằng một đường ống máng chung. Nhìn từ xa thấy rõ ba tòa nhà nhưng nhìn bên trong có cảm giác là một nhà có nhiều gian.
 
Sau chùa Thượng là nhà Tổ 5 gian có trang trí chạm trổ đơn giản hơn các chùa. Trong 3 chùa Thượng, Trung, Hạ đều được xây bệ trên đặt các tượng Phật. Ngoài tượng Phật còn có tượng công chúa Từ Hoa, tượng chúa Trịnh Giang, tượng tam tòa Thánh Mẫu và các tượng Ngọc Hoàng, Thổ Thần, Diêm Vương.
 
Các đồ tế tự như bát hương, lọ độc bình, chóe, chuông, hoành phi, câu đôi... đều cổ kính và có giá trị nghệ thuật. Trong số các pho tượng Phật, tượng Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen ba lớp và tượng Adiđà ngồi thiền trên tòa sen ba lớp cánh, đều mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, là những pho tượng đẹp nhất của chùa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark