07/05/2010 | 18:26:00

Chùa Thày

Chùa Thày. (Nguồn: Internet)

“Chùa Thày” vừa là tên riêng chỉ trực tiếp ngôi chùa mang tên chữ là Thiên Phúc tự, vừa là tên chung chỉ quần thể di tích Phật giáo ở quanh núi Thày mà tên chữ là Sài Sơn, gồm chùa thiên Phúc ở bên này hồ, chùa Long Đẩu ở bên kia hồ, rồi chùa Đỉnh Sơn, am Phật Tích, chùa Bối Am ở trên núi, lại cả những di tích phi Phật giáo như đình, võ miếu, đền thánh Văn Xương (vị thần văn học), hang Cắc Cớ, chợ Trời…

Thày và Sài là hai âm nôm và tự của cùng một địa danh chỉ tên làng, tên núi, tên chùa ở đây. Như vậy chùa Thày là tên nôm gọi theo tên địa phương có chùa. Nhưng cũng có người cho rằng chùa được khởi từ thời Lý với vị thiền sư danh tiếng Từ Đạo Hạnh được dân gọi tôn kính và thân thuộc là Thày (tức thày chùa), từ đó thành tên chùa là chùa Thày. Trong cụm di tích ở quanh núi Thày (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) thì chùa Thiên Phúc nổi bật lên hàng đầu ở quy mô và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc nên gọi là chùa Thày hay chùa Cả.

Theo thuyết phong thủy thì núi Thày được xem như là con rồng lẻ đàn độc đáo (quái long), xung quanh có 16 ngọn núi nhỏ (thập lục kỳ sơn) là các con lân, phượng, quy… chầu về. Chùa Thày được dựng ở khu đất hàm rồng, sân trước chùa là lưỡi rồng thè ra uống nước, hai Nhật - Nguyệt tiên kiều như hai râu rồng và nhà Thủy đình là viên ngọc mà rồng vờn.

Bia Phật Tích sơn tự thi ghi lại lời chúa Định Vương Trịnh Căn (1982-1709) khi qua đây: “Nay thấy chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích như viên ngọc nổi lên giữa đám ruộng sỏi đá rạng vẻ xuân tươi ở cả bốn mùa. Động Tiên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật - Nguyệt đôi vầng. Núi tựa bình phong, sóng như dải lụa. Đá in dấu lạ, mãi mãi ghi điều thần diệu, vang reo sắc sáng, đường đường đầy rẫy quang minh. Tiếng Phật pháp đã vời được khách lạ dâng hoa, đạo đạo thừa lại khiến cả người quê tiến quả. Đó chính là vườn xanh núi Thúy dời đến chốn nhân gian vậy..

Theo bia Bối Am tự bi dựng năm 1571 ở chân vách đá thì vốn chùa Thày được khởi tự thời Đinh, các thời tiếp theo đều được tu bổ để mở rộng quy mô. Lúc đầu nó chỉ là cái am nhỏ trong động đá và lều cỏ dưới chân núi. Ngày nay, chùa Thiên Phúc vẫn còn biểu tượng Hương Hải Am, chùa Đỉnh Sơn còn biển Hiển Thụy Am, thậm chí am trở thành tên chùa như chùa Bối Am.

Cho đến thời Lý, trước khi Từ Đạo Hạnh về tu luyện, ở đây đã có Am Phật và Thiền Tâm, sau đó thiền sư mở rộng và cho đúc quả chuông lớn vào năm 1109 mà cho đến đầu thời Tây Sơn mới bị mất, nay vẫn còn bệ đá sư tử đội tòa sen hiện làm bệ tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh. Thời Trần còn bia dựng năm 1294 ở chùa Long Đẩu ghi lại sổ ruộng chùa khá lớn.

Đặc biệt trong chùa Thày còn giữ được một số hiện vật của thời Trần: mảng gỗ lưng ngai ghi rõ làm năm 1346, chạm cẩn thận với các hình sóng nước, cặp sừng vắt chéo, ngọc báu, tia sáng, nhành lá, lưỡi búa phủ việt…

Được bố trí đăng đối có lớp lang; một số hiện vật đá không ghi niên đại nhưng mang đậm phong cách Trần như bệ đá tòa sen khối hộp hai tầng với các hình chim thần, rồng mây và hoa lá, như cặp tượng sấu thành bậc cửa từ Thượng điện xuống sân sau của chùa rất thực với những khối mập khỏe, như đôi tượng rồng đào được ở sườn chùa hiện dựng ở đầu cầu Nhật Tiên kiều với nét chạm thô phác mà hoạt.

Thời Lê sơ tuy nhà nước thi hành chính sách hạn chế đối với Phật giáo, song chùa Thày vẫn được phát triển. Tấm bia Hiển Thụy am bi khắc năm 1500 trên vách hang Thánh hóa cho biết được phụ thân về đây cầu tự giúp nên đã sinh thái tử Lê Tư Thành, sau là vua Lê Thánh Tông. Năm 1499, vua Lê Hiển Tông theo di chúc của ông ngoại đã cho sửa chữa chùa và ban tên “Hiển Thụy” cho am cũ của Từ Đạo Hạnh.

Dấu tích còn lại của lần tu sửa này là bệ tượng vua Lý Thần Tông với những hình chạm đẹp về sóng nước và rồng mây của dân tộc và những chấn song con tiện ảnh hưởng phương Bắc.

Thời Mạc với việc phục hưng Phật giáo, chùa Thày được cả dân làng và quý tộc tập trung chăm sóc. Bia Thủy các cổ kính bi dựng năm 1538 cho biết bà Thái chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Phương cùng với cha, anh và những người thân góp tiền của, lại vận động nhân dân trong phủ quyên góp tu sửa nhà Thủy các, tạc tượng Phật và san bổ kinh Phật.

Bia Bối Am tự bi dựng năm 1570 cho biết thêm chùa đây là di tích nổi tiếng cả vùng, dân làng đã đứng ra hưng công sửa lại chùa và tô lại tượng Phật. Tại chùa vẫn còn đôi đầu dư ở Thượng điện xuống nhà Thiêu hương là của thời Mạc được dùng lại có một số chân đèn gốm Mạc. Nhiều người cúng ruộng cho chùa, trong đó có con gái của Thượng trụ quốc là bà Mạc Thị Ngọc Ý đã cống 2 mẫu 6 sào ruộng và một ao làm ruộng dưỡng tăng.

Đặc biệt thời Lê Trung Hưng, chùa Thày được làm lại khang trang như ngày nay. Ngay từ đầu thế kỷ XVII, vào năm 1602, trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sau khi đi sứ Minh về đã cho dựng hai cầu gỗ có mái là Nhật Tiên thông ra nhà Tam phủ và Nguyệt Tiên bắc qua hồ để lên núi. Hai tấm bia cùng tên Thiên Phúc tự tạo lệ bi dựng năm 1653, khẳng định lại nơi đây là danh lam nổi tiếng khắp vùng, còn in dấu vết tích Phật hóa luôn được Nhà nước các thời quan tâm tu sửa.

Nay chùa hư hỏng, bà cung tần Nguyễn Thị Ngọc Liên cúng 200 lạng bạc và 4 mẫu ruộng để sửa chùa. Vua chúa cũng thường du ngoại đề thơ. Chúa Trịnh ban lệnh chỉ cho dân Sài Sơn được miễn mọi tạp dịch để phụng thờ Phật Thánh. Bia Trùng tu Long Đẩu tự dựng năm 1630 cho biết, nhà sư trụ trì chùa Long Đẩu đã tập hợp quý quan đóng góp tài vật, trong đó có chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng và nhiều tôn thất, hưng công sửa Thượng điện và làm mới Tiền đường, Thiêu hương, Hậu đường, Tam quan và các tượng Phật phong quang hơn hẳn trước.

Cũng ở chùa này, bia Trùng tu công đức bi ký dựng năm 1700, cho biết nhân chúa Trịnh vãn cảnh chùa, cung tần Phan Thị Lãnh đã ban tiền của, cùng với công đức của 15 vị hầu tước và 40 cung tần thị nội mở rộng chùa gồm 5 gian hậu đường, 26 gian hành lang, 1 gian 2 chái tam quan. Gần trăm năm sau, vợ chồng hương lão Phan Hữu Tiên người bản xã, tuổi cao không con, đã hiến toàn bộ tài sản cho làng và chùa. Cùng thời gian này, chùa Thiên Phúc và chùa Đỉnh Sơn đúc lại chuông to lớn nay vẫn còn.

Cuộc thăm di tích bắt đầu từ chùa Cả, cùng tựa núi đá và soi gương hồ nước. Khu thờ Thánh chính rộng chừng 40m và sâu vào 60m, gồm 3 tòa nhà song hành xây trên những cấp nền cao dần; chùa Hạ là nơi lễ bái và giảng đạo, có nhà cầu sang chùa Trung; chùa Trung là Đại hùng bảo điện, có cả một thế giới tượng Phật giáo từ Hộ Pháp đến Tam Thế; chùa Thượng mang tính chất điện Thánh tuy có bộ tượng Di Đà tam tôn với bệ gỗ rất đẹp, chạm trang trí những đề tài sóng, cây mệnh, cây sừng.

Thuộc thế kỷ XVI sang thế kỷ XVII, song nhờ chính là Từ Đạo Hạnh “Phật vi tiên vi Quốc vương” mỗi kiếp đều có tượng. Tương truyền kiến trúc cả khu Tam bảo này chỉ có 36 lỗ mộng, phần gỗ còn lại xếp đè vững chắc. Hai bên có hai dãy hành lang với hệ thống tượng Phật La Hán, phía cuối nối với gác chuông và gác trống treo những khí vật vào loại lớn của Việt Nam. Dãy nhà sau cùng là Hậu đường có những tượng Hậu bằng đá sinh động.

Ra khỏi khu chùa Cả, qua cầu Nhật Tiên vào đền Tam phủ, còn qua cầu Nguyệt Tiên lên hệ thống chùa trên núi, mở đầu bằng cổng “Bất nhị pháp môn” với vế câu đối “vô vãng bất phục, cá quan hựu cá quan” chỉ rõ du khách cứ thẳng qua nhiều tầng cổng không quay lại, theo lối mòn lên chùa Đỉnh Sơn (chùa Cao hay am Hiển Thụy) với hang Thánh hóa có dấu tích Phật là vết lõm vách đá do Từ Đạo Hạnh dựa vào khi trút xác.

Từ đây có thể leo lên chợ Trời hoặc vòng sườn núi lên hang Cắc Cớ sâu thẳm. Đi tiếp đến đền Thượng, rồi chùa Bối Am (chùa Một Mái), cạnh đó có hang Gió, đền Phan Huy Chú và nhà lưu niệm Bác Hồ ghi lại ba lần Bác về thăm và làm việc. Xuống núi trở ra cuối cùng đến chùa Long Đẩu.

Hội chùa Thày ngày mồng 7 tháng 3 tương truyền kỷ niệm ngày Thánh hóa, song sử còn ghi Từ Đạo Hạnh trút xác vào tháng sáu. Thực chất đó là hội xuân giao duyên với tục chơi núi, chơi hang như ca dao xác nhận:
 
 “ Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ

Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thày."/.

(Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark