01/11/2012 | 13:43:00

Chùa cổ Hoằng Ân 'trơ gan cùng tuế nguyệt'

Nhắc đến chùa cổ ở Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến chùa Một cột, chùa Trấn Quốc, hay chùa Quán Sứ... nhưng có một ngôi chùa nằm bên Hồ Tây, lặng lẽ và yên bình đến kỳ lạ lại là một trong những ngôi chùa có niên đại cổ nhất Hà Nội,đó là chùa Hoằng Ân.

Ngôi chùa thanh tịch nằm nép mình giữa Hồ Tây bao la sóng nước, vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ kính ban đầu, làm tăng thêm vẻ uy nghi chốn cửa thiền. Trong phố xá ồn ào, tiếng kinh niệm Phật vang lên thả từng tiếng vào không trung như làm chững lại những tất bật của cuộc sống khiến tâm hồn cũng thư thái hơn.

Theo dấu tích trên văn bia của chùa có ghi: “Chùa Hoằng Ân xã Quảng Bá được Thiền sư Ngộ Ấn tạo dựng từ đầu thế kỉ XI. Chùa đã được trùng tu và đại tu nhiều lần, năm 1993 xây dựng lại gác chuông, tam quan, hai cổng trước, sau và tường bao quanh...”

Năm Minh Mạng thứ 2, chùa đổi tên là Sùng Ân tự , đời vua Thiệu trị có ngự giá thăm chùa sau đó đến năm 1842 xét thấy Sùng Ân Tự trùng với lăng của Vua nên Bộ Lễ đổi thành Hoằng Ân Tự. Chùa nằm trong một không gian vị trí địa lý đẹp, "Phía trước là Tây Hồ mênh mông, phía sau là Tam Ðảo xanh ngắt, nhà cửa san sát, xóm bao bọc xung quanh, muôn phần tươi đẹp".

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chùa Hoằng Ân vẫn giữ được dáng vẻ giản dị và cổ kính đặc trưng của kiến trúc Đồng bằng Bắc Bộ. Các khu nhà, đặc biệt khu điện thờ chính vẫn còn nguyên những bức tường rêu phong và những cánh cửa gỗ bạc màu thời gian.

Chùa còn lưu giữ được bộ di vật có giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật với 30 pho tượng sơn son thếp vàng, tạo tác công phu tinh xảo, thuộc phong cách nghệ thuật thời Lê - Nguyễn, trong đó có pho tượng Quan Âm Nam Hải rất đặc biệt, tuy kích thước không lớn. Tượng có nét mặt thuần hậu, mặc áo cà sa nhiều nếp ở tư thế ngồi thiền, chân giẫm lên đài sen. Ba pho tượng Át Nam Tôn Giả, Hộ Pháp Tam Châu, Giám Trai Sứ Giả. Các chùa khác đều tạc ba pho tượng này ở tư thế ngồi, nhưng ở chùa Quảng Bá tạc ở tư thế đứng.

Ngoài ra, chùa còn có ba pho tượng quý giá là tượng bà Nguyễn Thị Ngọc Tú, tượng Nguyễn Kim (ông nội bà Tú), tượng Nguyễn Hoàng (cha đẻ bà Tú) mà ở các chùa khác không có. Trong chùa còn có hai quả chuông. Quả lớn được đúc năm Cảnh Hưng thứ ba (1743), cao 1,5m, đường kính 0,8m; vai chuông khắc nổi bốn chữ Hán: Long Ân Tự. Quả chuông nhỏ được đúc vào thời Nguyễn. Ðặc biệt chùa còn lưu giữ bài kệ khái quát triết lý đạo Phật của Tổ Tông Diễn trình lên hòa thượng Thủy Nguyệt, Tổ sư của phái Tào Ðộng Việt Nam.

Nhà chùa còn giữ được 30 tấm bia đá, trong đó có tấm bia khắc hình một ni sư dựng ngày 28 tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ hai (nhiều người cho đó là hình công chúa Ngọc Tú).

Ðặc biệt, khu mộ tháp lô xô cao thấp, trầm mặc, ẩn mình dưới bóng ngọc lan thơm dịu dàng và thân cau cao vút như đưa chúng ta vào miền tâm linh thanh khiết. Ðây là nơi an nghỉ của nhiều Hòa thượng có công trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ đất nước: Hòa thượng Phạm Ngọc Ðạt, Thích Trí Ðộ, Thích Tâm An, Thích Mật Ứng và Thích Ðức Nhuận...

Với những giá trị lịch sử, văn hóa có từ lâu đời, ngôi chùa cổ uy nghiêm mà tĩnh mặc mang một nét rất riêng, tựa như cô gái thôn quê e ấp giữa Hà Nội phồn hoa. Năm 1991, chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark