25/09/2009 | 09:58:00

Chùa cổ Thập Tháp - Điểm đến của khách hành hương

Chùa Thập Tháp ở An Nhơn, Bình Định. (Ảnh: Internet)

Chùa “Thập Tháp” tọa lạc trên ngọn đồi mang tên Long Bích, thuộc thôn Thuận Chính, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1990, chùa “Thập Tháp” được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.
 
Lịch sử
 
Thời xa xưa, trên gò đất cao ấy có đến 10 ngôi tháp Chăm nằm án ngữ mặt bắc thành Đồ Bàn cho nên người ta mới gọi là gò Thập Tháp.
 
Kể từ khi vào trấn đất Thuận Hóa và mở mang bờ cõi, ngoài việc chăm lo về chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa trong hơn 200 năm, các chúa Nguyễn đều coi trọng đạo Phật và đã cho xây dựng nhiều chùa chiền, đúc nhiều chuông, nhiều tượng Phật.
 
Chùa Thập Tháp được xây dựng vào năm Quý Hợi (năm 1683) niên hiệu Chính Hòa (dưới thời vua Lê Hy Tông), vị thiền sư có công xây dựng chùa chính là hòa thượng họ Tạ, húy là Nguyên Thiều, tu về Thiền Tông thuộc phái Lâm Tế.
 
Năm Tân Mùi (năm 1691) nhà Lê, chùa được vua Lê Hiển Tông ban cho biển ngạch đề "Thập Tháp Di Đà tự". Sau khi xây dựng chùa Thập Tháp Di Đà, hòa thượng Nguyên Thiều mở trường truyền đạo Phật ở đây.
 
Dưới đời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691), hòa thượng Nguyên Thiều phụng mệnh nhà chúa tìm mời thêm các danh tăng và cung thỉnh pháp tượng, pháp khí.
 
Năm 1924, hòa thượng Phước Huệ là tổ thứ 40 phái Lâm Tế và là tổ thứ 13 của phái Nguyên Thiều đứng ra trùng tu, mở rộng chùa và dựng thêm cổng Tam quan như ngày nay.
 
Kiến trúc nghệ thuật
 
Chùa Thập Tháp được xây bằng gạch, lợp ngói âm dương, 4 vày, 3 gian, 2 chái, kiến trúc theo hình chữ “khẩu”, có 2 lớp tường bao bọc chung quanh.
 
Từ ngoài vào, đi dọc theo hồ sen đến cổng chùa, đó là 2 trụ biểu vuông cao, trên đặt 2 tượng sư tử ngồi uy nghi, nối một vòng cung, phía trên có gắn 2 chữ "Thập Tháp". Sau cổng là tấm bình phong, mặt đắp nổi long mã phù đồ đặt trên bệ chân quỳ.
 
Chùa Thập Tháp bao gồm khu chính điện, khu phương trượng, khu tây đường và đông đường, có dãy hành lang rộng lớn nối liền, bao bọc một sân rộng, lát gạch vuông với nhiều loài hoa cảnh.
 
Chính điện chùa kết cấu chủ yếu bằng gỗ quý, chạm trổ tinh xảo, công phu với hoa cuộn, hoa sen, rồng, phượng cách điệu. Đầu tám hàng trụ cột và đầu kèo được chạm, trang trí cổ tự. Chùa Thập Tháp có khu vườn tháp cổ với 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc của nhiều thời kỳ khác nhau.
 
Trong chùa có 3 tạng kinh, giấy khổ rộng, chữ to. Bộ kinh cổ này được cho là do hòa thượng Nguyên Thiều thỉnh từ Trung Hoa về vào cuối thế kỷ XVII.
 
Ngoài ra, chùa còn có 2 pho tượng Hộ Pháp và 36 pho tượng La Hán bằng gỗ chạm khắc tinh xảo. 36 pho tượng La Hán, mỗi pho tượng cao 0,5m, thờ hai bên án cạnh bàn thờ Phật, mỗi bên 18 vị, mỗi vị có khuôn mặt và dáng điệu khác nhau. Còn hai pho tượng Hộ Pháp đặt ở hai bên cửa bước vào cao đến 2m. Tại chùa còn có quả chuông đường kính 0,7m, nặng 500kg được đúc từ năm 1893.
 
Những lần trùng tu
 
Trong tất cả các chùa chiền ở miền Trung được xây dựng vào thời Lê - Nguyễn thì chùa Thập Tháp là ngôi chùa cổ bậc nhất thuộc phái “Lâm Tế”. Chùa cũng được trùng tu nhiều lần, lần trùng tu đầu tiên vào năm 1820 dưới thời vua Minh Mạng thứ nhất, lần thứ hai vào năm 1849 dưới thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, lần thứ ba vào năm 1877 dưới thời vua Tự Đức, lần thứ tư vào năm 1924 dưới thời vua Khải Định.
 
Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, dù cái cũ và cái mới đan xen nhưng ngôi chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, trang nghiêm. Chính vì vậy, hàng năm chùa Thập Tháp được chọn là điểm đến của nhiều du khách về hành hương, chiêm bái, tham quan, khảo cứu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark