20/07/2017 | 14:29:00

"Chuyện của dòng sông đỏ" quy tụ những tên tuổi hàng đầu

Nghệ sỹ Huyền chèo vào vai 'hề dẫn chuyện' còn Tùng Dương hóa thân hoàng tử út vừa hát vừa múa... (Ảnh: MT)

Vở kịch hát “Chuyện của dòng sông đỏ” do họa sỹ Hoàng Hà Tùng viết kịch bản và đạo diễn sẽ ra mắt khán giả hai đêm 22, 23/7 tại Cung Văn hóa Hà Nội đặc biệt gây chú ý bởi quy tụ nhiều tên tuổi hàng đầu của giới nhạc Hà Nội.

Chương trình gồm mười ca khúc của các nhạc sỹ nổi tiếng là Nguyễn Cường, Trọng Đài, Lưu Hà An, Lê Minh Sơn, Minh Đạo, Giáng Son và có sự tham gia của hầu hết các giọng ca hàng đầu như Tấn Minh, Tùng Dương, Thanh Thanh Hiền, Huyền Chèo, Khánh Linh, Minh Thu, Đông Hùng…

Đây cũng là lần đầu tiên, công chúng được thấy nghệ sỹ Tấn Minh ngoài đứng yên hát còn vào vai nhà vua. Đặc biệt, “ca quái” Tùng Dương không còn “lên đồng” mà hóa thân thành hoàng tử út, lại còn trổ tài… múa.

Họa sỹ Hoàng Hà Tùng gọi “Chuyện của dòng sông đỏ” là thể loại operetta bởi nó được xây dựng như một chương trình “ca múa nhạc có chủ đề” dài 1h45’ với 10 ca khúc và 2 bản nhạc múa. 

Họa sỹ Hoàng Hà Tùng viết kịch bản“Chuyện của dòng sông đỏ” 5 năm về trước. Cốt truyện của vở hiểu nôm na là: Trời đang trong xanh thì vua (Tấn Minh) tập hợp cả nhà lên thuyền bàn chuyện chống bão. Mọi người tuân lệnh duy hoàng tử út không thấy đâu. Vua cử Tổng quản (Huyền chèo) đi tìm thì bắt gặp hoàng tử út (Tùng Dương) đang vui múa hội, bèn lôi về dự họp. Minh Thu vào vai hoàng hậu, 2 phi tần do Thanh Thanh Hiền và Khánh Linh đảm nhiệm. Tùng Dương là con phi tần Khánh Linh. Trong khi người ta cố sống cố chết để được làm vui thì Khánh Linh lại khuyên con đừng đi theo con đường chính trị, cứ sống cứ chơi đi cho thỏa… Trong khi nhà vua già yếu lại muốn hoàng tử út chứ không phải thái tử (Đông Hùng) chèo chống con thuyền đất nước. “Quê hương này bão dông lúc nào cũng sẵn sàng xảy ra,” Hoàng Hà Tùng nói.

Một họa sỹ đang mang trong mình căn bệnh ung thư tủy vẫn hăm hở đầu tư tiền tỷ làm vở ca kịch tập hợp các nhạc sỹ, ca sỹ hàng đầu Hà Nội như Hoàng Hà Tùng khiến "Chuyện của dòng sông đỏ" giống “cuộc chơi” vừa ngông, vừa thành công, trong việc gây hiếu kỳ. Chả trách, trong giới nghệ lâu nay gọi Hoàng Hà Tùng là "Tùng điên." Bởi, ngoài “Tùng điên” và “Chuyện của dòng sông đỏ” khó có chương trình nào hay tên tuổi nào có thể quy tụ bằng ấy tên tuổi trong giới nhạc cùng gật đầu lên trên một sân khấu.


Họa sỹ Hoàng Hà Tùng. (Ảnh: MT)

Hoàng Hà Tùng nói về vở diễn: “Tôi tập hợp được những gì tôi cho rằng tốt nhất hay nhất mà các bạn tôi có thể làm được. Tôi chỉ là người thổi lòng đam mê. Có một số người gần như chán chường thì tôi đẩy cho họ cháy tiếp những phần còn lại cũng như tôi, hiến dâng những gì tốt nhất cho đời.”

Theo Tấn Minh, “Chúng tôi là anh em chiến hữu, vừa nể mà vừa thương bạn. Nhưng nếu can bạn mình không được thì sẽ nhiệt thành góp sức, ai viết nhạc góp nhạc, ai có giọng góp hát, ai biết diễn góp vai…để cùng thăng hoa trong cuộc chơi ‘Chuyện của dòng sông đỏ.”


Tùng 'điên' và nhóm nhạc sỹ viết nhạc của 'chuyện của dòng sông đỏ.' (Ảnh: MT)

Tuy nhiên, theo Hoàng Hà Tùng, câu chuyện chỉ là cái cớ. “Cốt truyện với tôi không quan trọng bằng làm vở có hay không. Bài hát hay, múa hay, sân khấu đẹp mới là chủ đích.” Theo ông những khán giả bình thường có thể thấy hay khi xem múa, xem ánh sáng, nghe bài hát, còn ai ở tầm văn hóa cao sẽ thấy ẩn sâu trong đó câu chuyện gửi gắm không lộ liễu.

Sau cuộc chơi có thể là duy nhất trong đời, ông sẽ quay về với giá vẽ và tiếp tục chiến đấu với căn bệnh ung thư tủy đã bước sang năm thứ ba. Tháng 9, họa sỹ sẽ đi Hà Lan mang theo các chân dung nông dân Việt Nam vẽ trên lụa. Rồi ông đi vẽ chân dung nông dân Hà Lan bằng sơn dầu để phối hợp thành một triển lãm. Vẻ như, tuổi tác và căn bệnh hiểm nghèo chưa phút nào khiến Hoàng Hà Tùng bớt... điên trong sáng tạo nghệ thuật.

“Chuyện của dòng sông đỏ” hay chính là chuyện của “Tùng Điên” - chuyện của trái tim luôn luôn hăm hở đốt hết mình cho nghệ thuật, thử nghiệm; chuyện của bầu nhiệt huyết luôn chảy thanh tân trong tâm khảm người nghệ sỹ./.

Minh Minh (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark