11/07/2010 | 08:02:00

Chuyện nghề Tân Hội: Kẻ cười giòn, người thút thít

Nghề dệt Tân Hội đang có nguy cơ bị xóa sổ (Ảnh: Thúy Mơ/ Vietnam+)

Xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội thuộc vùng đất Tổng Gối thưở xưa vốn nổi tiếng với nghề mộc, rèn, dệt và chăm tằm kéo kén. Ngày nay, do nhu cầu của cuộc sống nên nghề chăm tằm kéo kén đã không còn. Tuy nhiên, mỗi nghề còn lại có bước thăng trầm khác nhau.

Tân Hội được coi là một trong ít xã ở Hà Nội còn tồn tại nhiều nghề truyền thống. Những nghề này không chỉ “cõng” trên mình nét văn hóa của vùng quê Tân Hội mà còn đưa lại lợi ích kinh tế cho người dân nơi đây.

Nghề mộc “cười giòn”

Người dân Tân Hội cho biết, mặc dù là nghề “sinh sau đẻ muộn” so với nghề dệt và rèn nhưng nghề mộc lại phát triển khá thuận lợi. Những người làm mộc dường như ai cũng khấm khá. Nhà giàu thì có nhà lầu xe hơi, còn ai bị coi là nghèo cũng có xe máy chạy.

Anh Ngô Văn Sâm, một trong những ông chủ khá giả bằng nghề mộc ở Tân Hội tâm sự, gia đình anh bắt đầu làm nghề mộc từ năm 1993. Trước đây, nghề này chủ yếu phục vụ nghề dệt nên sản phẩm chính là máy dệt. Ngày nay, do nhu cầu thị trường thay đổi nên mặt hàng chủ yếu là đồ tiêu dùng, phong phú với bàn, cửa, tủ, giường, rương…

Anh Sâm cũng cho biết, nghề mộc hiện nay có thị trường “béo bở” là thành phố Hà Nội. Xu hướng xây dựng, kiến thiết nhà cửa ở Hà Nội đã đẩy sự mua bán đồ nội thất lên cao. Nhờ đó, những sản phẩm từ nghề mộc các gia đình ở Tân Hội làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó.

Nếu như trước đây, nghề mộc được làm thủ công hoàn toàn thì ngày nay nó đã được hiện đại hóa bởi các máy móc. Điều này khiến cho không giữ được nét nguyên vẹn của truyền thống nhưng nó lại đưa tới hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân nơi đây.

Mặc dù mồ hôi nhễ nhại nhưng niềm vui vẫn thể hiện trên gương mặt người thợ mộc Nguyễn Hữu Điều. Anh cho biết, mình đã có hai mươi năm làm nghề này. Tuy nhiên, trước kia những người làm mộc như anh chỉ đủ sống qua ngày còn với mức thu nhập hiện nay, anh có thể trang trải cho con cái ăn học và sắm sửa và có khoản tiết kiệm.

Theo anh Điều, một bộ cửa khi làm thủ công phải mất bốn công thợ mới làm xong trong ngày. Còn khi sử dụng máy, một ngày, một người thợ đó có thể làm được hai bộ cửa. Nhờ vậy, tiền công của người thợ cũng cao gấp sáu, bảy lần trước kia.

“Dù làm bằng máy nhưng nghề mộc vẫn đòi hỏi phải có sự khéo tay nên không phải ai cũng làm được. Tôi cho cả con trai mình theo nghề, mong rằng sau này nó tiếp tục truyền được nghề cho các thế hệ sau nữa,” anh Điều tâm sự.

Theo lời anh Điều, mặc dù nghề mộc đang vượng nhưng không phải ai cũng đứng lên làm lớn được. Để đầu tư mở xưởng cũng phải mất đến chục tỷ đồng. Do vậy, hầu như các gia đình làm nhỏ lẻ tại nhà hoặc đi làm thuê còn ai có điều kiện thì đứng lên đầu tư mở xưởng. Mỗi xưởng mộc trong làng nghề thường rộng khoảng 300 mét vuông, có từ năm đến mười người làm. Nhiều người dân Tân Hội trước đây chưa làm mộc, nay cũng chọn nghề này để gửi gắm tương lai của mình.

Dệt, rèn “thút thít”

Trong khi nghề mộc đang trong sự phát triển thì nghề dệt và nghề rèn lại lơm lớp nỗi lo trước sự mai một của mình.

Mặc dù cũng được sự hỗ trợ của máy móc giúp cho khâu tạo ra sản phẩm nhàn và nhanh hơn nhưng do nhu cầu trên thị trường giảm nên nghề rèn, nghề dệt khó đảm bảo đời sống cho người thợ.

Ông Nguyễn Gia Sơn là một người thợ rèn lão luyện tâm sự, từ năm 1983, ông đã bắt tay vào làm nghề này. Sản phẩm của nghề rèn chủ yếu để phục phụ sản xuất nông-lâm nghiệp và một ít dùng trong sinh hoạt như: liềm, cuốc, xẻng, dao khoắm phát rừng, kéo cắt chè, dao, bếp kiềng… Thời xưa, những mặt hàng này rất được ưa chuộng. Hàng không chỉ bán trên địa bàn xã, huyện mà còn được đưa nhiều đi các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Vĩnh Phúc…

Tuy nhiên, theo ông Sơn, đến bây giờ, thị trường của nghề rèn Tân Hội đã giảm đi 90% so với trước kia.

“Ngày xưa, giá vật liệu rẻ, thị trường rộng, tiền công cao, làm còn có dư dật, nên nhiều gia đình bám nghề này. Bây giờ, giá vật liệu cao, đầu ra khó khăn nên thu nhập cũng chỉ đủ sống. Làm nghề rèn vốn vất vả lại thu nhập thấp thành thử nhiều người cũng đã phải bỏ nghề,” ông Sơn chia sẻ.

Chung nỗi gian truân này, những người thợ dệt ở Tân Hội cũng đã lần lượt bán khung cửi với lý do làm nghề không đủ sống.

Bà Nguyễn Thị Bình, một trong số ít người còn trụ lại với nghề dệt, buông con thoi, trầm tư nhớ lại, khoảng mười năm về trước, nghề dệt vẫn vượng trên đất Tân Hội. Từ năm giờ sáng đến 11 giờ đêm, cả làng lúc nào cũng lách cách tiếng thoi đưa. Thời đó, khách hàng ở tận đâu đâu cũng tìm về để mua màn Tân Hội. Từ khi màn tuyn xuất hiện, người tiêu dùng thờ ơ với màn dệt. Đến nay, sản phẩm dệt của Tân Hội chỉ còn là các gạc bán cho bệnh viện hay vải bọc lõi chăn bông.

“Dù làm cật lực nhưng mỗi ngày cũng chỉ được khoảng 30 nghìn đồng. Bỏ nghề cũng không biết làm gì vì nghề khác thì mình lại không có khả năng và kinh nghiệm,” bà Bình bùi ngùi.

Cả làng Thúy Hội của Tân Hội đến nay chỉ còn được hai gia đình bám nghề dệt.

Trước hiện thực nghề rèn, dệt đang bị mai một và sự vươn dậy của nghề mộc đồng thời để giảm bớt sự ô nhiễm do nghề mộc và rèn gây ra, năm 2009, Ủy ban Nhân dân xã Tân Hội đã quy hoạch 4,5 hécta đất mở “Điểm công nghiệp làng nghề xã Tân Hội”. Do hạn chế về mặt bằng nên đến nay, khu công nghiệp làng nghề này mới có 161 hộ dân, trong đó có 90 gia đình làm nghề mộc, 30 hộ làm nghề rèn và cơ khí.

Bên cạnh khu công nghiệp làng nghề này, còn khoảng 200 hộ làm nghề mộc, gần 100 hộ làm nghề dệt và hơn 100 hộ làm nghề rèn tại nhà.

Gặp gỡ phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Vỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân hội cho biết. Trước hiện trạng đô thị hóa, những năm tới đất nông nghiệp ở xã Tân Hội sẽ còn tiếp tục thu hẹp lại. Trong bối cảnh đó, các nghề truyền thống của Tân Hội càng gánh trên vai trách nhiệm lớn lao vào việc giải quyết công ăn việc làm cho bà con trong xã.

Ông Hùng cho rằng, do nhu cầu tiêu dùng giảm nên rất khó để phát triển nghề rèn, dệt. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng những nghề này sẽ không bị xóa sổ trên địa bàn xã bởi nó đã từng một thời mang thương hiệu rèn, dệt Tân Hội.

Thúy Mơ (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark