19/11/2022 | 14:12:00

Cô giáo Thủ đô không ngừng sáng tạo, dạy học trò qua dự án

Cô Mai Trang và các em học sinh. (Ảnh: NVCC)

Những học sinh dù mới chỉ lớp 2 nhưng đã có thể làm các thí nghiệm khoa học, sáng tác câu chuyện và tự dựng thành phim hoạt hình hay các tiểu phẩm múa rối, tái chế rác thải, tự thuyết trình về các sản phẩm của mình… Đó là “trái ngọt” của cô giáo Trần Thị Mai Trang (Trường Tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi luôn hăng say, nhiệt huyết với việc dạy học qua dự án.

Những bài học đặc biệt

Dù không phải là một nội dung học tập chính trong chương trình, nhưng bằng niềm đam mê nghề nghiệp, trong nhiều năm qua, cô giáo Trần Thị Mai Trang đã tích cực triển khai nhiều dự án học tập ở các lớp do mình chủ nhiệm.

Đó là dự án “Chúng em tái chế” nhằm giáo dục học sinh rèn ý thức bảo vệ môi trường. Dự án “Đèn lồng trong mắt em - Làm đèn lồng bằng vật liệu tái chế” giúp học sinh thêm yêu văn hóa, truyền thống dân tộc. Dự án “Khám phá Khoa học - Làm thí nghiệm không khó” giúp học sinh yêu thích khám phá khoa học. Dự án “Học Tiếng Việt qua nghệ thuật” (học sinh làm kịch rối) vừa giúp học sinh thêm yêu, thích học Tiếng Việt, vừa thúc đẩy các em tìm hiểu các loại hình rối dân gian của dân tộc. Dự án “Làm phim hoạt hình không khó” tích hợp liên môn Tiếng Việt, Mĩ thuật, Âm nhạc, Tin học-Công nghệ. Ở mỗi dự án, học sinh đều sẽ quay clip tự thuyết trình về quá trình thực hiện và giới thiệu sản phẩm của mình.

Dự án phim hoạt hình của em Nhật Minh, học sinh lớp 2 do cô Trang chủ nhiệm và hướng dẫn thực hiện. (Ảnh cắt từ clip)

Những dự án học tập của cô luôn thu hút sự hào hứng tham gia của không chỉ học sinh mà cả phụ huynh khi mang đến cho các em những tri thức mới, những trải nghiệm mới, học tập gắn liền với thực hành, với sản phẩm cụ thể. Thông qua các dự án, học sinh tự tin, năng động và sáng tạo hơn, kiên trì và khéo léo hơn đồng thời rèn được nhiều kỹ năng như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng sử dụng công nghệ, tư duy logic…

Nhiều hoạt động, học sinh cần phải có sự trợ giúp của người thân như mua nguyên vật liệu cho hoạt động khoa học và tái chế, lồng tiếng cho phim hoạt hình…Vì thế, những dự án của cô Trang còn giúp các em tăng cường sự kết nối gia đình, kết nối giữa phụ huynh và giáo viên.

Em Hồ Nguyên, học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu cho hay với các dự án của cô Trang, việc học trở nên nhẹ nhàng hơn. “Những câu chuyện trong sách giáo khoa được chúng em chuyển thành vở kịch múa rối. Vì thế, việc học không còn khô khan, nhàm chán nữa,” Hồ Nguyên chia sẻ. Trong khi đó em Bảo Vân lại say sưa với các hoạt động khoa học. “Thí nghiệm em thích nhất là khám phá về dòng điện một chiều cô Trang hướng dẫn em làm khi em học lớp 2,” Bảo Vân chia sẻ.

Dưới sự hướng dẫn của cô Trang, học sinh của cô đã đạt nhiều thành tích như giải cấp quốc gia cuộc thi "Vươn ra thế giới", giải "Tin học trẻ", cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng" cấp thành phố.

Lan tỏa giá trị tích cực

Là giáo viên tiểu học rất vất vả khi phải dạy hai buổi/ngày suốt tuần và đảm nhiệm gần như tất cả các môn, chăm sóc bán trú. Vì vậy, việc triển khai dạy học dự án càng khiến quỹ thời gian của cô Trang càng thêm hạn hẹp hơn khi cô phải lên kế hoạch học tập, tìm kiếm thông tin, lựa chọn những dự án phù hợp với độ tuổi học sinh còn khá nhỏ của mình, hướng dẫn học sinh thực hiện, động viên, khích lệ các em.

Giờ học của cô Trần Thị Mai Trang. (Ảnh: NVCC)

“Tuy có vất vả hơn nhưng đổi lại, học sinh rất hào hứng và học thêm được nhiều điều. Vì thế, tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa để mang đến nhiều trải nghiệm hơn cho học trò,” cô Trang chia sẻ.

Những giá trị tích cực của các hoạt động dự án mang lại đã trở thành nguồn năng lượng giúp các em học tập tốt hơn ở cả những môn học khác. Nhiều học sinh sau khi hoàn thành tốt các dự án đã tự tin hơn vào bản thân và có tiến bộ rõ rệt trong học tập. Được truyền cảm hứng, các em cũng không ngừng tìm tòi, sáng tạo. “Chính tôi cũng phải học hỏi các em rất nhiều khi các em phát hiện ra thêm những phần mềm mới, có những ý tưởng mới,” cô Trang nói.

Hiệu quả từ phương pháp dạy học theo dự án của cô Trang đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của ban giám hiệu và các thầy cô giáo trong Trường Tiểu học Bà Triệu. Cô được ban giám hiệu giao nhiệm vụ tập huấn cho các giáo viên trong trường về dự án “Làm phim hoạt hình không khó”, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin. Trường Tiểu học Bà Triệu cũng tổ chức cuộc thi làm phim hoạt hình cho các giáo viên, tổ chức chương trình trình diễn thời trang tái chế cho học sinh để khích lệ thầy cô học tập, sáng tạo.

Sự say mê sáng tạo của cô Trang đã lan tỏa đến cả học sinh và đồng nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Cô Trần Thị Thanh Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A3 cho hay trong những năm qua, cô đã được cô Trang tập huấn nhiều kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học. “Là một giáo viên cao tuổi nên những buổi tập huấn đó đã giúp cho tôi rất nhiều,” cô Hương nói. Với cô Nguyễn Thị Giang, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A3, cô Trang là một giáo viên luôn tâm huyết, đam mê trong từng bài giảng. “Dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình của cô Mai Trang, bản thân tôi cũng đã tự làm cho mình được những thước phim hoạt hình nho nhỏ để sử dụng trong các bài giảng của mình, giúp học sinh hứng thú hơn,” cô Giang cho hay.

Chia sẻ về đồng nghiệp, cô Lê Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bà Triệu cho biết cô rất tự hào khi trường có một giáo viên như cô Trang. “Cô rất tâm huyết, say mê với nghề, năng động, sáng tạo. Cô Trang đã truyền ngọn lửa đam mê khoa học, công nghệ cho các em học sinh và các giáo viên khác trong trường. Với sự lan tỏa năng lượng tích cực từ cô Trang cùng với đội ngũ trẻ, phong trào ứng dụng công nghệ của đội ngũ giáo viên trường Tiểu học Bà Triệu cũng được triển khai mạnh mẽ, Hiện tất cả các giáo viên trong trường đều có thể làm được phim hoạt hình,” cô Hằng cho biết.

Với những nỗ lực và cống hiến của mình, cô Trang đã đạt được rất nhiều thành tích, danh hiệu khen thưởng cấp quận và thành phố. Đặc biệt, cô vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vinh danh Nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo năm 2022./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark