28/07/2010 | 17:24:00

Còn có một Sông Hồng khác trong lịch sử

Một đoạn Sông Hồng ngày nay gần Hà Nội vào mùa cạn. (Nguồn: Internet)

Đến cuộc chống Nguyên Mông lần thứ 2, Trần Hưng Đạo đóng quân dọc lưu vực Sông Tranh (Sông Hóa), thấy các thuyền lương phải ra gần biển mới vào được hệ sông Hồng Giang thật xa xôi bất tiện, sai quân dân đào đoạn nối hai hệ sông lớn lại.

Theo các chính sử thì “Lý Thái Tổ đổi 10 đạo làm 24 lộ,” vậy từ thế kỷ 11 Việt Nam đã có Lộ Hồng (Hồng Lộ). Do mưa lụt và sự cải tạo theo ý người, nên đến khoảng thế kỷ 19, các cửa đầu nguồn sông này bị lấp dần, lòng sông có đoạn teo cạn đi, có đoạn đã bị mang tên của dòng sông khác. Tuy vậy, ta cũng còn nhận ra được qua lời ghi của các nhà địa lý thời xưa.

Hồng Giang trong sách xưa

Sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ ghi về xứ Hải Dương có chép rằng: “Hai phủ Thượng, Hạ Hồng từ xa xưa gọi là Hồng Lộ hay là Hồng Nhân Lộ, Nhân Hùng Phủ; gần đây mới gọi là Thượng Hồng, Hạ Hồng. Bởi vì từ xưa có con sông Hồng Giang từ phía Tây Bắc chảy xuống, vòng quanh trong khoảng bảy huyện, cổ nhân mới theo tên con sông ấy đặt tên đất Hồng Lộ. Cũng như Oai lộ (Phủ Thanh Oai), vì gần đó có con sông Thanh Oai.”

Dư địa chí của Phan Huy Chú cho biết thêm rằng: “Một dải Hồng Giang phát nguyên từ Xã Cổ Bi, Huyện Gia Lâm cùng với sông Thạch Trụ ở Xã Cự Linh, sông Đại Bi ở Xã Bát Tràng, sông Kim Ngưu ở Xã Công Luận, hợp vào một dòng chảy từ phía Bắc sang phía Đông, đi ngoằn nghèo qua địa hạt ba huyện (của Thượng Hồng)... lại chảy qua bốn huyện phía Nam rồi chảy xuống Cửa Một Huyện Vĩnh Lại mà ra biển”.

Đến nay nhìn trên bản đồ, ta thấy Sông Hồng Giang thời cổ đã bị phân tán từng đoạn, phụ thuộc vào tên những dòng sông khác. Đoạn thì thuộc Sông Nghĩa Trụ, đoạn thành Sông Đạo Khê, đoạn thì gọi Sông Sặt, đoạn thì gọi Sông Tứ Kỳ...

Riêng hạ lưu của Hồng Giang thì khoảng thời Tự Đức đến nay, nhất là những năm thuộc Pháp đắp con đường 53 cắt ngang thân nó, chuyển toàn bộ đoạn hạ lưu ấy cùng khúc sông đào Do Tranh, nhập hẳn vào hệ Sông Luộc để làm đường sông quốc vận, cho nên dấu vết Sông Hồng Giang không dễ dàng nhận thấy trên thực địa và trên bản đồ hiện nay.

Theo các địa chí thì Sông Do Tranh chỉ là đoạn sông đào thời Trần Nhân Tông, trước đó Sông Hồng Giang và Sông Tranh Giang là hai hệ thống sông biệt lập, dù cách nhau không xa lắm.

Xét về tên Sông Hồng Giang thì đầu thế kỷ 19, Phan Huy Chú (1782-1840) còn thấy được hình dáng tuyến sông, nhưng đến thời Tự Đức thì sách Đại Nam nhất thống chí (Tỉnh Bắc Ninh) đã ghi rằng: “Các cửa Sông Đại Bi, Cổ Bi, Huyện Gia Lâm đã bị lấp hẳn.” Như vậy thì Sông Hồng Giang của Hồng Nhân chỉ tồn tại đến khoảng giữa thế kỷ 19.

Sông Hồng cổ mất đi, lại xuất hiện một Sông Hồng mới. Đây là đoạn sông từ ngã ba Bạch Hạc chảy xuống Cửa Giao Thủy (hay Giao Hải) nay là Cửa Ba Lạt, giáp Biển Đông. Đoạn sông này các sách xưa chép là Sông Nhị Hà (đôi chỗ chép Lô Giang). Đến khoảng thời thuộc Pháp người ta gọi là Hồng Hà (Sông Hồng) với chữ Hồng có nghĩa là màu đỏ.

Do tình hình trên, cho nên các bản đồ bằng chữ Pháp ở thế kỷ 20 thường ghi tên sông này là Fleuve Rouge nghĩa là Sông Đỏ (ý nói nước đục màu đỏ).

Đường đi của Hồng Giang xưa

Soát lại các địa chí, đối chiếu với bản đồ, ta có thể truy tìm được Sông Hồng Giang xưa phát nguyên từ các Xã Vũ Nông, Cổ Bi cùng với Sông Thạch Trụ ở Xã Cự Linh, Sông Đại Bi ở Xã Bát Tràng.

Các xã này thuộc Huyện Gia Lâm, chảy qua Xã Giang Cao, Thuận Tốn, rồi hợp cùng Sông Kim Ngưu từ Xã Công Luận Huyện Văn Giang (nay thuộc Văn Giang, Hưng Yên) nối tiếp nhau họp lại một dòng chảy về phía Đông. Đoạn đầu nguồn này đến giữa thế kỷ 19 đã bị lấp, chỉ để lại một ít ao hồ.

Tiếp theo đoạn đầu nguồn, Sông Hồng Giang chảy qua Kênh Cầu vào Huyện Đường Hào, chảy qua các Xã Đạo Khê, Trung Đạo, Quần Ngọc, Đông Mỹ, Gia Cầu, Cao Trai, Thuần Xuyên, rồi đến ngã ba Vô Ngại thuộc Tổng Bạch Sam.

Đoạn Hồng Giang từ Đạo Khê đến Vô Ngại, sách địa chí thế kỷ 19 ghi là Sông Đạo Khê, nhưng các bản đồ thế kỷ 20 lại ghi là Sông Nghĩa Trụ.

Sông Hồng Giang từ ngã ba Vô Ngại chảy qua các Xã Nho Lâm, Phúc Bố của Huyện Đường Hào, rồi vòng qua phía Tây Bắc phố Kẻ Sặt vào Huyện Đường An, lại chảy qua các Xã Thượng Khuông, Hạ Khuông, vòng đến ấp Mao Điền; rồi lại vòng về đất Huyện Đường An ở các xã Tuấn Kiệt, Quang Lễ, Thuận Lương, Kệ Gián. Đến đây sông quặt hướng Nam chảy vào đất Huyện Gia Lộc. Như vậy đoạn Hồng Giang từ Vô Ngại đến Hương Gián - Bá Thủy, các bản đồ thế kỷ 20 ghi là Sông Sặt.

Vào đất Gia Lộc, Sông Hồng Giang lại chảy qua Vân Độ, Lương Xá, Khuông Phụ, Quang Bị, Vĩnh Duệ, An Thư, Định Hào, cho nên đoạn sông này trên bản đồ thế kỷ 20 ghi là Sông Định Đào. Sông Hồng Giang đi qua các Xã Kim Húc, Đồng Đức của Huyện Gia Lộc thì chuyển vào đất Huyện Tứ Kỳ.

Đoạn sông Tứ Kỳ này đã chảy qua các Xã Quảng Bị, Đồng Quang, Vũ Xá, Yên Phong, Vạn Tải, Cự Lộc, Tứ Kỳ Hạ, Hoa Ung, Hòa Lộ, Hà Hải, Hữu Chung, An Tứ, Đan Điền, Qúy Cao, An Bồ.

Đoạn từ Hà Hải đến An Bồ nhờ đoạn sông đào Do Tranh thời Trần mà được nối sang với Lục Giang (Sông Luộc), đến thời Mạc mở rộng thêm, đến thời Nguyễn được nắn thẳng và mở rộng thành đường sông quốc vận, nên bản đồ thế kỷ 20 ghi nhập chung vào dòng Sông Luộc (Canal des Bambous).

Hạ lưu Sông Hồng Giang tính từ ngã ba An Bồ ra giáp biển ở Cửa Ngãi Am, nay thường gọi là cửa Sông Thái Bình, cũng có sách ghi là cửa Biển Thái Bình.

Mối quan hệ với Sông Luộc và Sông Hóa

Trên đây là dấu vết Sông Hồng Giang xưa, đến đây xin bàn thêm về mối quan hệ lịch sử với hai sông: Lục Giang và Tranh Giang (tức Sông Luộc và Sông Hóa) đã diễn ra như thế nào.

Trước thời Trần, dòng Sông Tranh Giang (nay gọi Sông Hóa) có thể là dòng sông to rộng, vì nó là đường giao thông chính từ biển vào, nối với Lục Giang (nay là Sông Luộc) để đi đến Hoa Lư, Thăng Long…

Thuở ấy hệ Sông Tranh Giang-Lục Giang này còn tách biệt hoàn toàn với hệ Sông Hồng Giang, tức hệ Sông Thái Bình ngày nay. Đến cuộc chống Mông - Nguyên lần thứ 2, Trần Hưng Đạo đóng quân dọc lưu vực Sông Tranh (Sông Hóa) thấy các thuyền lương từ bên phía Sông Luộc, Sông Tranh phải ra gần biển mới vào được hệ Sông Hồng Giang (hệ Thái Bình) thật là xa xôi bất tiện. Do đó Trần Hưng Đạo đã sai quân dân đào đoạn sông nối hai hệ sông lớn lại.

Đoạn sông mới này đào qua địa phận Thôn Do Tranh của Xã Tranh Chu (thuộc Huyện Vĩnh Lại) cho nên đặt tên là Sông Do Tranh và Xã Tranh Chu bị chia đôi: nửa phía Đông vẫn giữ tên Tranh Chu, sau đổi là Tranh Chử, còn nửa phía Tây thì đặt tên là Tranh Xuyên. Đoạn sông đào Do Tranh này khi nhà Mạc lập Trai Kinh thì được mở rộng (theo văn bia địa phương).

Từ khi nối được hai hệ sông lớn thì Sông Tranh (Sông Hóa nay) ngày càng giảm sút tác dụng, nhường cho đoạn từ Do Tranh đến An Bồ ngày càng được mở rộng để thông với hạ lưu Hồng Giang, tức phần cuối hệ Sông Thái Bình ngày nay.

Trong sách Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ của Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn, Phạm Văn Thư xuất bản năm 1925 ở trang 34 viết về Đền Tranh có đoạn rằng: “ở Làng Tranh Xuyên (Phủ Ninh Giang) và Làng Tranh Chu (Huyện Vĩnh Bảo) có một cái đền rất cổ (hai làng này trước cùng một Xã Tranh Chu).

Từ thời nhà Trần lúc đánh giặc Nguyên có đào một con sông gọi là Sông Do Tranh để tiện tải binh. Sông đào ấy đã chia Xã Tranh Chu ra làm đôi, nhưng dân vẫn thờ chung một vị thần, gọi tên là vị Tranh Giang đại vương Hoàng Hợp tôn thần”.

Vị thần này ở đền Làng Đào Động, Huyện Phụ Dực (nay là Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình) cũng có thờ và mở hội vào ngày 20 đến ngày 26 tháng Tám âm lịch. Sở dĩ các làng dọc Sông Tranh bên phía Vĩnh Lại, Tứ Kỳ cũng như bên Huyện Phụ Dực, Quỳnh Côi thường mở hội vào tháng Hai và tháng Tám âm lịch, do bắt nguồn từ hai lễ trận thời xưa, như sau:

Hội giữa tháng Hai âm lịch là bắt nguồn từ sự tưởng niệm chiến tích của Lê Hoàn phá Tống trên Sông Lục, Sông Tranh vào tháng Hai năm Tân Tỵ (981). Hội tháng Tám âm lịch là bắt nguồn từ lễ tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo khi ông đóng quân ở vùng này để chống quân Mông-Nguyên. Ông mất vào ngày 22 tháng Tám âm lịch.

Tóm lại, Sông Tranh Giang và Sông Hồng Giang thời xưa là hai hệ riêng biệt. Sông Hồng Giang phát nguyên từ đất Gia Lâm, Văn Giang chảy qua Lộ Hồng rồi đổ ra biển.

Đến thế kỷ 13, Trần Hưng Đạo sai quân dân đào đoạn Sông Do Tranh để tiện chở binh lương, nên Hồng Giang được nối tiếp với Tranh Giang. Từ thời Mạc về sau, các đoạn sông nối thường được uốn nắn, đào rộng thêm, nên bộ mặt Sông Hồng Giang thời cổ ngày càng biến dạng.

Đặc biệt thế kỷ 19, nhà Nguyễn mở tuyến đường sông quốc vận, mạch đường sông từ cửa biển Thái Bình đến An Bồ, Quý Cao nối tiếp Sông Luộc để vào Sông Hồng được nắn tương đối đều và mở rộng thêm. Từ đó Sông Hồng Giang bị đổi tên thành từng đoạn: Sông Nghĩa Trụ, Sông Đào Khê, Sông Sặt, Sông Tứ Kỳ, Sông Đan Điền, Sông Ngãi Am…

Đến thế kỷ 20 trên các bản đồ đã đem đoạn sông đào Do Tranh cùng phần sông đến Quý Cao, An Bồ biến thành hạ lưu Sông Luộc, gọi chung là Canal des Bambous và đổi đoạn Sông Ngãi Am vốn là hạ lưu Hồng Giang thành hạ lưu Sông Thái Bình ngày nay; đổi Cửa Ngãi Môn thành Cửa Thái Bình.

Như vậy khoảng cuối thế kỷ 19 tên Sông Hồng Giang đã bị xóa, người ta lại gọi Sông Nhị Hà, đoạn từ ngã ba Bạch Hạc xuống đến Cửa Giao Thủy (Ba Lạt) là dòng Sông Hồng, tên chữ Hán là Hồng Hà./.

(Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark