17/09/2009 | 11:14:05

"Con đường tơ lụa” duyên dáng đất Hà thành

Đến Hà Nội, du khách trong và ngoài nước không khỏi ngỡ ngàng, thích thú khi bắt gặp những con phố chuyên sản xuất hoặc kinh doanh các loại lụa tơ tằm mềm mại, óng ả… mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt như phố lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) hay phố cổ Hàng Gai nằm ngay kề bên hồ Hoàn Kiếm…

Những "con đường tơ lụa” độc đáo ấy đã và đang góp phần làm nên vẻ đẹp duyên dáng, sâu lắng rất riêng của Hà Nội yêu dấu khi bước vào độ tuổi ngàn năm.

Làng lụa xưa, phố lụa nay

Nói đến Vạn Phúc là nói đến nghề dệt lụa tơ tằm từ lâu đã đi vào câu ca dao trữ tình: “Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về Vạn Phúc với anh thì về/ Vạn Phúc có gốc cây đề/ Có ao tắm mát, có nghề cửi canh."

Phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) hôm nay nguyên là một xã nhất làng, nhất thôn nằm kề bên sông Nhuệ từ hàng ngàn năm trước đã nổi tiếng với nghề dệt lụa tơ tằm.

Tương truyền, khoảng cuối thế kỷ thứ 7, đầu thế kỷ thứ 8, một người con gái dòng dõi trâm anh tên là Lã Thị Nga đã đến và dạy nghề dệt may cho dân làng. Nhớ ơn bà, dân làng tôn bà là Tổ nghề và thờ bà làm thành hoàng làng Vạn Phúc...

Trước đây, người dân Vạn Phúc trực tiếp trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa. Về sau, nghề dệt phát triển mạnh, người Vạn Phúc thôi không trồng dâu, chăn tằm mà mua tơ từ các nơi về dệt.

Từ thời phong kiến, người dân làng lụa này đã biết dệt nhiều loại gấm vóc, lụa là, với hoa văn, đường nét cầu kỳ tinh xảo để may làm các loại triều phục, trang phục cho vua quan. Thời Pháp thuộc, lụa tơ tằm Vạn Phúc cùng với 3 nghệ nhân của làng cũng đã từng có mặt tại hội chợ Mác xây của nước Pháp.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt lụa Vạn Phúc tự hào giới thiệu, bên cạnh các mặt hàng đều từ tơ tằm dệt nên như lụa, là, the, xuyến, sa,… Vạn Phúc còn sản xuất được rất nhiều loại gấm với màu sắc, hoa văn phong phú như gấm tam thể, ngũ thể, gấm thất thể....

Nghệ nhân dệt lụa Triệu Văn Mão vui vẻ cho biết, nhắc đến lụa Vạn Phúc không thể không nói đến lụa vân. Lụa vân Vạn Phúc là một trong những sản phẩm cao cấp thể hiện tay nghề của những người thợ giỏi. Để dệt được lụa vân với những hoa văn như: vân tứ quý, vân song hạc, vân hồng điệp… người thợ dệt ở đây sử dụng kỹ thuật dệt thủng rất tinh vi để tạo nên tấm lụa mịn màng, mát rượi nhưng vẫn nổi vân óng ánh đến diệu kỳ.

Theo ông Mão, muốn dệt được tấm lụa hay gấm nhiều màu sắc, người thợ còn phải đem nhuộm sợi trước khi dệt và phải dệt nổi từ một khung cửi được thiết kế làm 2 tầng, còn gọi là khung hoa. Chiếc khung độc đáo này sẽ được 2 người điều khiển nhịp nhàng, chính xác để cho ra sản phẩm là tấm gấm sang trọng, có nhiều màu sắc biến đổi tùy theo góc nhìn.

Hoa văn trên tấm lụa Vạn Phúc thường được chia theo 4 nhóm chính là động vật, thực vật, đồ vật và hình họa. Trong đó, hình động vật như rồng, phượng, lân, rùa, hạc… thường được thể hiện dưới các dạng thức, tư thế rất độc đáo như: tứ linh, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long song phượng… Đây chính là những mẫu hoa văn quý mà không phải người thợ nào cũng có thể dệt được.

Cả phường lụa Vạn Phúc với hơn 1.000 khung dệt lúc nào cũng hói hả không khí làm nghề. Mỗi năm  phường lụa đưa ra thị trường trên dưới 3 triệu mét vải lụa, gấm các loại và hàng vạn sản phẩm may sẵn từ tơ lụa như khăn, quần, áo, túi…

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, để sản phẩm lụa Vạn Phúc luôn thu hút người tiêu dùng, đại đa số các hộ dân đã tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất, bố trí giờ dệt hợp lý để tiết kiệm điện, nhân công, nhằm hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, nhiều loại hoa văn, mẫu mã, màu sắc mới cũng được các hộ sản xuất tìm tòi, sáng tạo cho sản phẩm lụa của mình.

Hiện tại, loại lụa dệt thường (hoa hoặc trơn) ở Vạn Phúc có giá khá bình dân, từ 55.000 đồng/m trở lên. Các loại áo may sẵn từ lụa có giá từ 70.000 đồng-200.000 đồng/chiếc ( tùy theo loại lụa, hoa văn và là áo nam hay áo nữ).

Một không gian tơ lụa

Nếu như Vạn Phúc là một phường vừa dệt lụa vừa kinh doanh các mặt hàng may mặc từ lụa thì Hàng Gai lại là một con phố không sản xuất mà chỉ chuyên kinh doanh lụa tơ tằm và các sản phẩm may mặc, lưu niệm từ lụa.

Là một phố cổ chỉ dài hơn 250m nằm ngay bên Hồ Gươm, Hàng Gai từ lâu đã được đông đảo khách du lịch biết đến với các cửa hàng bé bé, xinh xinh bán tơ lụa mọc san sát bên nhau.

Hai dãy nhà ở 2 bên phố giờ đây luôn sáng rực bởi những biển hiệu tiếng Việt, tiếng Anh như Thảo Silk, Hiền silk, Khai silk, Mai Trang Silk, Pink Silk, Country side Silk. Nhỏ nhắn nhưng ấm cúng và trang trọng, rực rỡ các sắc màu của lụa là cảm nhận chung của du khách khi đến với con phố này.

Điểm độc đáo của gần 100 của hàng lụa san sát nhau ở phố Hàng Gai là dù chủ yếu tập kinh doanh lụa tơ tằm và các sản phẩm may mặc, lưu niệm làm từ lụa nhưng mỗi cửa hàng lại có cách bố trí, sắp xếp, thiết kế gian hàng rất riêng, khiến du khách có thể thỏa sức đi lần lượt từ cửa hàng này sang cửa hàng khác.

Theo một số hộ dân ở đây, nghề kinh doanh tơ lụa ở Hà Nộ nói chung, phố Hàng Gai nói riêng đã có từ lâu nhưng chỉ thực sự phát triển và trở nên sôi động từ những năm 90 của thập kỷ 20.

Ngoài những xấp vải lụa, những bộ quần áo dân tộc như áo dài, áo tứ thân… được may bằng lụa có thêu thêm một số hoạ tiết đọc đáo, khách đến mua sắm ở Hàng Gai còn có thể bắt gặp những đôi dép quai lụa, chiếc túi lụa cho tới một chiếc khăn choàng nhẹ duyên dáng, một chiếc cặp viền vải lụa điệu đà, độc đáo…

Chị Nguyễn Thị Hiền - chủ cửa hàng Hiên silk rtên phố Hàng Gai cho biết, các mặt hàng lụa ở đây được nhập về từ Vạn Phúc (Hà Đông), Thanh Hà (Hải Dương) hoặc Bảo Lộc (Lâm Đồng)…

Các của hàng bán lụa ở Hàng Gai có diện tích khá khiêm tốn song đáng mừng là nét văn minh, lịch sự của người Tràng An luôn được thể hiện qua từng cử chỉ chào đón nồng hậu, tận tình tư vấn, hướng dẫn khách hàng chọn được sản phẩm ưng ý nhất. Giá cả mỗi mặt hàng đều được niêm yết, ghi chú rõ ràng để khách không phải mặc cả, đắn đo.

Đến phố cổ Hàng Gai vào mỗi buổi chiều tà hay khi đêm xuống, dưới ánh điện lung linh đủ màu sắc được đồng loạt bật lên, thấy không gian tơ lụa nơi đây như càng thêm huyền ảo, hấp dẫn, níu chân bao du khách mỗi khi có dịp đến Thăng Long- Hà Nội hôm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark