19/04/2016 | 17:02:00

Công bố quy hoạch chi tiết Trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Đại diện Bộ Xây dựng trao hồ sơ quy hoạch cho thành phố Hà Nội. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Ngày 19/4, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng đã công bố Quy hoạch chi tiết "Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội" (tỷ lệ 1/500).

Phạm vi và quy mô lập quy hoạch thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, có diện tích 18,353ha, gồm 2 khu: Khu thành cổ Hà Nội và Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Theo ông Bùi Xuân Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, quy hoạch lần này có 3 hạng mục được duyệt gồm: Đồ án Quy hoạch; Đề án bảo tồn và Quy chế quản lý đầu tư xây dựng.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo, khai thác phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục cộng đồng, du lịch, nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn phát huy di sản văn hóa thế giới.

Cùng với đó, xây dựng không gian văn hóa cộng đồng hài hòa về cảnh quan kiến trúc, đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật trong tổng thể khu Trung tâm chính trị Ba Đình.

Quy hoạch còn là cơ sở để xây dựng quy chế, đề án quản lý tổng thể Khu di tích và triển khai công tác đầu tư các dự án thành phần theo quy hoạch.

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Đình Toàn đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sớm bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng các hạng mục theo quy hoạch.

Đồng thời, trong quá trình triển khai xây dựng, thành phố cần thực hiện bảo đảm yếu tố kiến trúc cảnh quan phù hợp, gắn với giá trị kiến trúc, lịch sử, phát huy được giá trị của di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cũng nhấn mạnh quy hoạch lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, quy hoạch, kiến trúc đô thị đặc sắc của dân tộc.

Đồng thời, bảo tồn và tôn vinh được hình ảnh của khu Kinh đô lịch sử, góp phần hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan cho khu Trung tâm chính trị Ba Đình.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là di tích Quốc gia đặc biệt đồng thời là Di sản văn hóa thế giới với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi bật toàn cầu.

Trải qua nhiều biến động lịch sử ở các giai đoạn khác nhau, đến nay khu di tích đã trở thành điểm nhấn lịch sử, văn hóa quan trọng của Thủ đô và điểm đến thu hút khách du lịch khi đến với Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark