08/07/2010 | 15:43:00

Cuộc sống người dân Hà Nội xáo trộn vì nắng nóng

(Ảnh: TTXVN)

Lần thứ hai từ đầu hè tới nay, Hà Nội hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục trong 61 năm qua, nhiệt độ trong nhà là 40-41 độ C, ngoài trời lên tới 43-45 độ C.

Thời tiết khắc nghiệt khiến cuộc sống của người dân Thủ đô bị xáo trộn, gây tâm lý ức chế cho mọi người; trẻ con, người già bị ảnh hưởng sức khỏe; người người đổ xô đến các bể bơi, sông hồ, đến các trung tâm thương mại, siêu thị để tránh nắng.

Trái với mong đợi của người dân sau khi hứng chịu hơn một tuần nắng nóng, thời tiết vẫn tiếp tục nắng gay gắt và dự báo còn kéo dài trong những ngày tới. Đó là nỗi lo của nhiều người, nhất là trong dịp này, học sinh đang trong thời gian nghỉ hè, rất khó giữ chân lũ trẻ ở trong nhà cả ngày.

Ngay từ 6 giờ sáng, tiết trời đã nóng nực và kéo dài tới tận chiều tối, cao điểm là buổi trưa và chiều khi mọi vật đã hấp thụ nhiệt. Không khí oi nồng đến độ, quạt điện chạy hết công suất vẫn không xua được cái nóng.

Buổi đêm, nhiệt độ vẫn ở ngưỡng 30 độ C khiến người dân không được hưởng giấc ngủ trọn vẹn. Nhất là Hà Nội có mật độ xây dựng lớn, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông nên lại càng thêm nóng.

Bà Lê Thị Khuy, ngõ 81 đường Lạc Long Quân, quận Cầu Giấy than thở, bao nhiêu năm nay tôi mới thấy đợt nắng gay gắt như thế này. Nắng quá nên trong người lúc nào cũng khó chịu, chẳng muốn làm gì cả.

Trong điều kiện đó, điện là nguồn “cứu cánh” làm dịu bớt cái nóng. Nhưng cho dù ngành điện kêu gọi tiết kiệm thì mức tiêu thụ điện vẫn tăng vọt.

Trong đợt nắng nóng đầu (từ ngày 14-20/6), lưới điện Hà Nội thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải cục cố dẫn đến việc cấp điện không ổn định. Sản lượng điện lớn nhất vào ngày 18/6 đạt 39.452MWh (tăng trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái), công suất lớn nhất lúc 11 giờ cùng ngày đạt 1.838MW. Trong đợt nắng nóng đang diễn ra, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng đột biến.

Ngày 6/7, nhiệt độ trung bình tại Hà Nội là 39,6 độ C, sản lượng điện tiêu thụ là 39,9 triệu kWh (tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái), công suất lớn nhất trong ngày vào thời điểm 15h là 1922,4MW. Do nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, vậy ngày 7/7 đã xảy ra sự cố cháy nổ trạm biến áp 04C Nam Đồng làm gián đoạn việc cấp điện cho khu vực.

Trốn nóng, người dân Hà Nội đều hạn chế ra đường vào ban ngày, khi phải ra đường vào những giờ cao điểm, họ đều có chung cảm giác đau đầu, chóng mặt vì trời quá nóng. Mặt đường lúc nào cũng hầm hập, độ nóng dưới lòng đường có lúc tới 46 độ C.

Không chỉ có phụ nữ, nhiều nam giới ra đường cũng bịt kín để tránh nắng. Vì thế, các hàng bán áo chống nắng, khẩu trang, kính râm rất “chạy,” nhiều nơi còn “cháy” hàng. Trên đường phố Hà Nội, các quán giải khát, nhất là quán mía đá mọc lên san sát phục vụ người dân giải tỏa cơn khát nhanh chóng.

Chiều chiều thì quán bia hơi đông nghịt người với thực khách chủ yếu là đấng “mày râu,” vừa thưởng thức ngụm bia mát lạnh, vừa bàn chuyện World Cup sôi nổi. Các bể bơi lúc nào cũng quá tải bởi lượng người chen nhau tắm.

Buổi tối tại Sân vận động Mỹ Đình, đường ven hồ Tây nối từ Lạc Long Quân đến đường Thanh Niên, quảng trường Ba Đình hay bất kể những khu vực rộng, thoáng mát nào cũng đông đúc không kém.

Chị Lại Thị Mai Hương, giáo viên Trường Tiểu học Xuân La, đưa hai con đi hóng mát ở quảng trường Ba Đình cho biết, ban ngày nóng quá, giam chân bọn trẻ trong nhà mãi, tối tôi đưa chúng ra đây để chơi bời, chạy nhảy cho mát.

Đợt nắng nóng này gây nhiều tác động không tốt đời đời sống dân sinh cũng như đời sống kinh tế xã hội. Ngoài hệ lụy gây hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, đến khả năng cung cấp điện, đến hiệu quả làm việc nói chung thì nắng nóng cũng tác động không nhỏ đến sức khỏe người dân.

Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày gần đây tiếp nhận từ 1.800-2.000 trẻ đến khám chữa bệnh, tăng gấp rưỡi so với ngày thường, khiến bệnh viện càng quá tải.

Bệnh viện Lão khoa Trung ương có ngày tiếp nhận tới 500 bệnh nhân với nhiều bệnh do nắng nóng gây nên như say nắng, giãn mạch, tụt huyết áp, tăng huyết áp... Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ để hạn chế đổ bệnh trong thời gian này./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark