07/10/2016 | 15:44:00

“Cuộc tổng kiểm kê gia tài nghệ thuật của họa sỹ Văn Giáo”

"Phố Hàng Bè" qua góc nhìn của họa sỹ Văn Giáo. (Ảnh: Gia đình nghệ sỹ cung cấp)

Một cuốn sách tranh tập hợp 250 tác phẩm của cố họa sỹ Văn Giáo và một cuộc triển lãm mang tên “Văn Giáo trên những nẻo đường” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh người nghệ sỹ tài hoa này (1916-2016).

Triển lãm đã chính thức khai mạc tối qua (6/10) và sẽ kéo dài tới hết ngày 14/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), giới thiệu tới công chúng 68 họa phẩm tiêu biểu của ông.

“Có thể coi đây là cuộc tổng kiểm kê gia tài nghệ thuật của Văn Giáo - một họa sỹ có nhiều đóng góp quan trọng cho nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam,” nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo - người đã gắn bó với họa sỹ Văn Giáo từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp bày tỏ.

Triển lãm kéo dài từ nay đến hết ngày 14/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

Triển lãm “Văn Giáo trên những nẻo đường” kể cho công chúng câu chuyện về hành trình đi và sáng tác miệt mài kéo dài suốt gần sáu thập kỷ của ông. Dấu chân nghệ sỹ in trên khắp nẻo đường theo chiều dài đất nước từ Bắc tới Nam.

Ấn tượng về họa sỹ Văn Giáo trong tâm thức nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo là: một con người trọng thực, trực tính và cầu tiến. Một cách khác người, họa sỹ Văn Giáo tự đặt cho mình bút danh là Cầu Tiến với mong muốn tự vượt qua được chính mình và tự làm mới nghệ thuật của mình.

Cuối năm 1946, ông là một trong những nghệ sỹ đầu tiên “Nam tiến” vào Tuy Hòa-Phú Yên, tham gia dạy học, vẽ tranh tuyên truyền cổ động.

Tác phẩm "Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập" của họa sỹ Văn Giáo. (Ảnh: Gia đình nghệ sỹ cung cấp)

“Cuộc Nam tiến với họa sỹ Văn Giáo là một trải nghiệm lớn, mở đầu cuộc hành trình tìm về bản ngã khẳng định nhân cách một nghệ sỹ chân chính. Cũng từ đó, trong ông hình thành một khuynh hướng sáng tác phản ánh hiện thực xã hội như một định hướng nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp,” nhà phê bình Lê Quốc Bảo cho biết.

Chân dung họa sỹ Văn Giáo. (Ảnh: Gia đình nghệ sỹ cung cấp)


Bằng phương pháp trực họa giàu cảm xúc, họa sỹ Văn Giáo đã để lại cho mỹ thuật Việt Nam nhiều tác phẩm thể hiện hành trình tìm về cội nguồn dân tộc và khát vọng dấn thân, hòa mình vào những biến thiên của lịch sử dân tộc.

“Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp của họa sỹ Văn Giáo, có thể thấy ba đặc điểm cơ bản. Ông là một họa sỹ đã dành phần lớn thời gian đời mình để theo đuổi đề tài Bác Hồ. Bên cạnh đó, ông được đánh giá là một họa sỹ thành công sớm ở thể loại tranh phong cảnh. Đặc biệt, Văn Giáo là họa sỹ có duyên với chất liệu bột màu,” nhà phê bình Lê Quốc Bảo bày tỏ.

"Phố Hàng Bè" qua góc nhìn của họa sỹ Văn Giáo. (Ảnh: Gia đình nghệ sỹ cung cấp)

Theo đuổi đề tài Bác Hồ, ông đã trực tiếp đến sống và vẽ những nơi Người sống và làm việc như: quê hương xứ Nghệ, Pác Bó (Cao Bằng)… Để từ đó, ông sáng tạo nên những họa phẩm độc đáo như “Chân dung Hồ Chủ tịch,” “Bác viết Tuyên ngôn độc lập,” “Bác về thăm quê”...

Với cách xử lý ánh sáng tinh tế, họa sỹ Văn Giáo tạo được dấu ấn riêng cho tranh phong cảnh. Như cách nói của nhà phê bình Lê Quốc Bảo, họa sỹ Văn Giáo thường “chơi đùa” với ánh sáng. Có khi, cùng một cảnh vật, nhưng ở trong những không gian ánh sáng khác nhau (bình minh, trưa Hè, hoàng hôn hay cả đêm tối), ông đều có những cách thể hiện linh hoạt, mang đến cho người xem những cảm thụ độc đáo về sự biến ảo của cảnh vật, cuộc sống.

Tác phẩm "Mang gạo vào Trần Đình." (Ảnh: Gia đình nghệ sỹ cung cấp)

Nếu như danh họa Nguyễn Phan Chánh có duyên với chất liệu lụa, Nguyễn Gia Trí say sưa với sơn mài... thì họa sỹ Văn Giáo đi đến tận cùng sáng tạo với chất liệu bột màu. Nói khác đi, tranh bột màu đã trở thành một thương hiệu mang tên Văn Giáo.

Họa sỹ Văn Giáo mất ngày 10/1/1996, để lại cho mỹ thuật Việt Nam một khoảng lặng./.


An Ngọc (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark