16/08/2011 | 09:44:00

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một tấm gương trong

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với thanh niên Hà Nội. (Ảnh: Đình Trân/TTXVN)

Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Vị tướng huyền thoại của Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Vietnam+ xin giới thiệu loạt bài viết của tác giả Trần Huyền Thương về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Kỳ X: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một tấm gương trong

Thêm một lần nữa, tài năng, trí tuệ và những đóng góp vô cùng quan trọng với Cách mạng Việt Nam của người anh cả quân đội Nhân dân Việt Nam được khắc họa. Thật sự đây chỉ là nét chấm phá bởi cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng là cả một pho sử vàng.

Ông là một vị đại tướng thông minh, có trí nhớ phi thường, không lúc nào ngừng học tập. Không dừng lại ở sách vở, ông đặc biệt coi trọng học tập trong cuộc sống, trong thực tiễn cách mạng, chiến đấu, xây dựng đất nước…. ở những ai ông có dịp tiếp xúc.

Một việc làm, thậm chí một câu nói với người khác rất dễ bị bỏ qua, nhưng với ông có thể trở thành một chiến thuận hữu hiệu để đối phó với quân địch.

Có người gọi ông là nhà biện chứng bẩm sinh. Thực ra, thông minh kết hợp với học và làm đến độ say mê, không ngừng tích luỹ trong ông những kinh nghiệm đã thăng hoa thành sự nhạy bén, quyết đoán trong những giờ phút lịch sử.

Ông đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đạt được những thành tựu vượt ra ngoài tầm vóc một cuộc chiến thông thường. Ông đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau, khi làm Bộ trưởng Chính phủ Cách mạng lâm thời ông kiên quýêt đấu tranh với địch trên bàn hội nghị.

Là một Đại tướng xông pha nơi trận mạc non nửa thế kỷ, khi đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, được Đảng, Nhà nước giao làm Phó Thủ tướng phụ trách khoa học, kỹ thuật, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, dù công việc rất mới mẻ, nhưng được Đảng tin cậy, Đại tướng đã đi sâu, đi sát từng nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ. Thành tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những đề đạt, ý kiến với Đảng và Nhà nước.

Nhờ đó mà Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từng bước đưa khoa học kỹ thuật Việt Nam sánh kịp trình độ các nước trong khu vực và thế giới. Trong công việc nào ông đều để lại dấu ấn sâu đậm.

Qua nhiều năm nếm mật nằm gai, chia sẻ bom đạn trong chiến tranh, ông đã gắn bó với quân đội và nhân dân trong tình ruột thịt, cán bộ, chiến sĩ quen gọi Đại tướng Tổng tư lệnh của mình là “Anh Văn” là “ Người anh cả Quân đội”. Nhân dân các dân tộc từ người già đến trẻ nhỏ, nhà chính trị, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà giáo…. mọi người đều quý mến ông.

Các dân tộc bị áp bức trên hành tinh coi ông là tấm gương chiến đấu. Thanh niên thế giới thấy ở ông một tấm gương về lý tưởng và nghị lực.

Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá ông rất cao. Người ta ngợi ca ông là “thiên tài quân sự lớn nhất duy nhất của thế kỷ XX,” là “một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại” (The victory at any cost, của Cecil B, Currey, Nhà xuất bản Brassey’s INC, xuất bản tại Mỹ 1997) Nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Alge’rie ngày 4/1/1976.

Xã luận ở EL Mouđjah Alge’rie viết “Tướng Giáp còn hơn một anh hùng. Ông thụôc dòng những chiến sĩ mà người ta sẽ kể chiến công từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có lẽ ngay cả những nhà sử học cũng cần rất nhiều luận chứng để tránh miêu tả ông như một nhân vật truyền thuyết, để kể lại đầy đủ những giá trị của ông.”/.

Kỳ I: Võ Nguyên Giáp - Vị tướng giỏi ra đời vào mùa lũ
Kỳ II: Võ Nguyên Giáp: Quê hương nghĩa nặng, tình sâu
Kỳ III: Võ Nguyên Giáp: Thuở học trò của vị Đại tướng
Kỳ IV: Võ Nguyên Giáp: Lao tù là trường học cách mạng
Kỳ V: Võ Nguyên Giáp - Thầy giáo trường Thăng Long
Kỳ VI: Chỉ huy trưởng VN Tuyên truyền Giải phóng quân
Kỳ VII: Người Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam
Kỳ VIII: Vị Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử
Kỳ IX: Võ Nguyên Giáp trên con đường mòn Hồ Chí Minh
Kỳ X: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một tấm gương trong

Trần Huyền Thương (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark