02/04/2010 | 14:48:00

Đàn Xã Tắc-Thăng Long

Những nhà khảo cổ học đang nghiên cứu, triển khai việc khai quật.

Di chỉ Đàn Xã Tắc mới được phát hiện tại khu vực ngõ Xã Đàn 1 (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) là một trong những phát hiện quan trọng của ngành khảo cổ học liên quan đến lịch sử văn hóa ngàn năm của Thăng Long-Hà Nội.

Đàn Xã Tắc-Thăng Long là nơi tế lễ của các vị vua các đời Lý, Trần, Lê cũng là đàn tế lễ xuất hiện sớm nhất và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam thời phong kiến.

Người ta xây dựng ra đàn này nhằm tổ chức các nghi lễ tế trời, đất, tế cầu các bậc thần linh, cầu xin mùa màng, bình an, hạnh phúc cho người dân cũng như sự thanh bình, thịnh trị của đất nước.Việc tế lễ do đích thân các vị vua tổ chức và chủ tế với những nghi thức trang trọng và phức tạp.

Để xây dựng Đàn Xã Tắc, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc đều phải đóng góp đất sạch để đắp đàn.

Theo hai đàn Xã Tắc còn lại ở Thanh Hóa và Huế ta được biết, đàn Xã Tắc được xây đắp lộ thiên, gồm hai tầng, hình vuông, mặt chính diện quay về hướng Bắc.

Tầng trên cùng, nơi dành cho vua và các quan đại thần lên đứng tế cao 1,60m, cạnh dài 28m, đặc biệt mặt nền được tô năm màu theo nguyên tắc ngũ hành. Trên nền dựng 32 bệ đá để cắm tàn. Cả tầng trên và tầng dưới đều có lan can gạch chạy xung quanh, chính giữa bốn mặt đều xây dựng hệ thống bậc cấp.

Khuôn viên Đàn Xã Tắc được giới hạn bằng một vòng tường gạch hình chữ nhật. Mặt hướng Bắc được trổ ba cửa, còn lại chỉ được trổ một cửa. Bên ngoài vòng thành ở phía Nam được dựng một bức bình phong, thêm nữa là xây hồ hình vuông.

Tháng 11/2006, nằm trong dự án mở đường vành đai 1 của thành phố Hà Nội, công việc giải phóng mặt bằng đã phát hiện ra di tích này. Hiện tại, các nhà khảo cổ đã đào được ba hố thám sát trên diện tích khai quật 100m2, cùng hai hũ cổ và toàn các mảnh gạch ngói thuộc các niên đại Lý, Trần, Lê. Ngoài ra, cũng phát hiện một số nền lát gạch cổ và một số di tích có lẽ là đường lan can hoặc hào bằng gạch.

Theo ông Nguyễn Hồng Kiên, tiến sĩ Viện Khảo cổ học: "Với những hiện vật thu được trong những ngày khai quật vừa qua, đã đủ cơ sở để khẳng định đây chính là khu vực tồn tại của Đàn Xã Tắc-Thăng Long đã được biết đến của người Việt"./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark